Hồi tháng 2, Tim Cook, CEO Apple nói với cổ đông rằng Apple đã mua khoảng 100 công ty trong 6 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất iPhone thâu tóm một công ty mỗi 3 – 4 tuần. Con số này khiến nhiều người cho rằng Apple là một “cỗ máy thâu tóm”. Dù vậy, thực tế, chỉ một số rất ít trong số thương vụ mua lại nói trên được Apple công bố.
Trong khi các công ty công nghệ lớn thường thích thực hiện những thương vụ thâu tóm nhiều tỷ USD, Apple lại thực hiện chiến lược ngược lại. Hãng này thường thâu tóm nhiều startup nhỏ chủ yếu với mong muốn có được đội ngũ nhân sự của chúng.
Cụ thể, nguồn tin thân cận nói với CNBC rằng chiến lược thâu tóm của Apple tập trung vào thâu tóm đội ngũ nhân sự kỹ thuật mà các công ty nhỏ hơn đang sở hữu. Apple do đó định giá công ty dựa trên con người và thường nhanh chóng (đồng thời rất yên lặng) tích hợp nhân sự của các công ty thâu tóm vào các đội ngũ hiện có ở Apple.
Apple dùng chiến lược này để nhanh chóng có thêm các tài năng kỹ thuật ở các mảng cần thiết hoặc ở một mảng công nghệ nào đó có thể giúp Apple tạo ra sự khác biệt với đối thủ.
Hồi năm 2019, Tim Cook nói rằng cách tiếp cận của Apple là xác định các thách thức về mặt kỹ thuật mà Apple đang gặp phải và mua công ty có thể giúp Apple giải quyết vấn đề. Ví dụ, năm 2012, Apple mua lại AnthenTec để giúp hãng này có thể triển khai cảm biến vân tay TouchID trên iPhone.
Kết quả một số thương vụ thâu tóm khác trở thành một tính năng trong sản phẩm của Apple. Năm 2018, Apple mua ứng dụng đọc tạp chí Texture mà về sau trở thành Apple News. Ngay cả Siri cũng là kết quả của một cuộc thâu tóm vào năm 2010.
Quá trình mua lại tại Apple thường bắt đầu bằng một buổi trình bày với đội ngũ nhân sự kỹ thuật tại Apple. Khi Apple quyết định mình cần công nghệ hoặc nhân sự đó, họ sẽ nêu vấn đề với đội ngũ M&A (thâu tóm, sáp nhập). Với các thương vụ nhỏ, Apple thường không cần đến ngân hàng hỗ trợ. Chính đội ngũ M&A sẽ thực hiện các khâu thẩm định, phỏng vấn đội ngũ và đảm bảo giao dịch được thực hiện theo đúng tiến độ.