Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Ai cũng từng giơ tay kiểu này khi chụp hình nhưng chẳng hiểu tại sao

Thừa nhận đi, bạn cũng rất nhiều lần giơ tay hình chữ V khi chụp hình rồi phải không?

Tất cả chúng ta ai cũng từng chụp ảnh theo kiểu giơ hai ngón tay hình chữ V với mu bàn tay hướng về phía trước. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc về dáng chụp hình được nhiều người gọi vui bằng cái tên “dáng chụp hình quốc dân” này chưa? Thực tế, kiểu chụp hình nói trên được cho là đã có mặt từ những năm 60 của thế kỉ trước nhưng không trở nên phổ biến mãi tới năm 1980 khi văn hóa Nhật Bản có sức lan tỏa lớn ở Châu Á.

Có rất nhiều cách giải thích cho kiểu chụp hình huyền thoại này, nhưng tất cả đều cho rằng nó đến từ Nhật Bản.

Một số người cho rằng kiểu chụp hình chữ V được tạo ra bởi Janet Lynn, một vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ. Cô tham gia Olympics 1972 tổ chức tại Nhật Bản như một niềm hy vọng vàng của thể thao Mỹ. Thế nhưng, giấc mơ của cô mãi mãi chỉ là giấc mơ khi Janet ngã trong phần thi của mình. Dù vậy, thay vì buồn bã và tiếc nuối, vận động viên người Mỹ đã mỉm cười. Hành động này của Janet Lynn đã gây ấn tượng với rất nhiều người hâm mộ Nhật Bản.

“Họ không hiểu tại sao tôi lại có thể cười trong khi biết rằng tôi chẳng thắng được bất kỳ ai,” Lynn, về sau nhận được huy chương đồng kì Olympics, chia sẻ. “Thế nhưng tôi không thể đi đâu ngày hôm sau đó mà không có một đám đông vây quanh. Tôi như thể một ngôi sao nhạc rock vậy. Mọi người tặng quà và cố gắng bắt tay tôi.”

Lynn nhanh chóng trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản và nhận được hàng nghìn lá thư của người hâm mộ. Trong một chuyến ghé thăm Nhật Bản nhiều năm sau kỳ Olympics 1972, Janet Lynn liên tục chụp ảnh với ngón tay giơ tạo thành hình chữ V. Và một hiện tượng văn hóa được cho là đã ra đời từ thời điểm đó.

Ngã trong bài thi được kì vọng nhưng Janet Lynn vẫn mỉm cười. Sự lạc quan của cô khiến người hâm mộ Nhật Bản cực kì thích thú.

Thế nhưng, một số nguồn tin khác lại cho rằng kiểu chụp hình giơ tay hình chữ V là kết quả từ một bộ truyện tranh. Trong bộ truyện tranh bóng chày Kyojin no Hoshi (tạm dịch: Ngôi sao của những người khổng lồ) xuất bản năm 1968, nhân vật chính trước đó có nhiều mâu thuẫn với cha mình cùng áp lực từ những trận đấu cuối cùng lại nhận được sự động viên của ông bằng cách “giơ tay hình chữ V” trước một trận đấu lớn. Bộ truyện tranh bóng chuyền Sain wa V! (tạm dịch: V là một biểu tượng) cũng được xuất bản một thời gian ngắn sau đó và về sau được chuyển thể thành một series phim cũng được cho là đã góp phần “tô đậm” biểu tương này.

Thế nhưng, quảng cáo dường như mới là yếu tố khiến biểu tượng chữ V thực sự bùng nổ. Mặc dù Lynn “góp sức” trong việc phổ biến việc sử dụng kiểu giơ tay hình chữ V khi chụp hình, truyền thông Nhật Bản cho rằng công sức lớn nhất lại thuộc về Jun Inoue, ca sỹ của nhóm nhạc Spider. Lúc đó, Inoue là người đại diện của hãng máy ảnh Konica và được cho là đã sử dụng biểu tượng chữ V một cách không chủ đích trong một buổi quay phim, chụp hình quản cáo cho hãng máy ảnh này.

Kiểu chụp hình giơ tay chữ V đặc biệt phổ biến ở Châu Á, trong đó có Việt Nam.

“Ở Nhật Bản, Inoue Jun là cách giải thích được nhiều người nhắc đến nhất cho kiểu giơ tay chụp hình chữ V,” Jason Karlin, một giáo sư của trường Đại học Tokyo đồng thời là một chuyên gia văn hóa truyền thông Nhật Bản chia sẻ. Vị chuyên gia này thậm chí còn hóm hỉnh chia sẻ rằng giơ tay kiểu chữ V khi chụp hình khiến khuôn mặt phái đẹp dường như nhỏ hơn và dễ thương hơn. Đó cũng có thể là lý do tại sao dáng chụp hình này lại phổ biến với phái đẹp tới vậy. Phổ biến trước ở Nhật Bản, biểu tượng chữ V khi chụp ảnh về sau tiếp tục lan sang các quốc gia khác tại Châu Á.

Dẫu sao đi chăng nữa, kiểu chụp hình giơ tay hình chữ V (mặc dù đã khá cổ điển) vẫn thường xuyên được sử dụng cho tới tận ngày nay. Nhiều người giơ tay kiểu này khi chụp hình như một thói quen và không có bất kì một lý do nào. Có thể họ cảm thấy tay mình… cần làm một điều gì đó khi chụp hình hoặc họ cảm thấy vui khi làm vậy, và chỉ thế là đủ!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết M.T

Được quan tâm

Tin mới nhất