Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

7 tựa game kinh điển nếu ai biết chứng tỏ đã già rồi đấy

Những cái tên tưởng chừng như rơi vào quên lãng nhưng nếu bạn có thể thuộc nằm lòng tất cả thì chắc chắn bạn thật may mắn khi có những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời rồi đấy.

Trong chúng ta ai cũng từng có một “tuổi thơ dữ dội” với những trò chơi điện tử 4 nút kinh điển không bao giờ quên. Những tựa game này vô cùng nổi tiếng đối với thế hệ 8X và 9X đã từng làm mưa làm gió cả một thời. Chắc hẳn không ít bạn đọc sẽ cảm thấy bồi hồi xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian đẹp đẽ của tuổi thơ ngày ấy.

1. Contra II

Nhắc đến tựa game Contra II, bất kỳ game thủ nào cũng đều biết đến vì trò chơi này đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ kể từ khi ra mắt vào năm 1987. Với những chiếc máy 4 nút cũ kĩ, Contra trở thành một trò chơi cực kỳ phổ biến thời bấy giờ.

Để chiến thắng trò chơi này, bạn sẽ phải cùng đồng đội của mình hóa thân vào hai nhân vật có tên là Bill Rizer “Chó điên” và Lance Bean “Bọ cạp” vượt qua từng cửa ải, giết chết từng ông trùm để “phá đảo”. Trong quá trình vượt ải, người chơi có thể nhặt được vô số vũ khí xịn như L - đạn laser, S - đoạn tỏa, F - đạn bông…

Contra cũng là tựa game đầu tiên tạo ra cụm từ “phá đảo” được dùng cho đến tận ngày nay. Cụm từ này ám chỉ rằng một người chơi nào đó đã hoàn thành toàn bộ trò chơi bất kì. Có lẽ chính vì hình ảnh bắt mắt, lối chơi cuốn hút mà Contra II đã đượt liệt vào danh sách những tựa game console huyền thoại mà thế hệ 8X và 9X chơi nhiều nhất.

2. Battle City

Bạn có còn nhận ra tựa game 4 nút thuở ấu thơ này hay không? Battle City hay còn gọi là trò “Bắn xe tăng” được hãng Namcot phát hành vào năm 1990. Đây cũng là một trò chơi xứng đáng được xếp vào hàng “huyền thoại” vì mức độ phổ biến cực kỳ cao, đặc biệt là ở Việt Nam.

Battle City có lối chơi thoạt nhìn không đơn giản lắm nhưng rất dễ gây nghiện. Bạn sẽ phải điều khiển chiếc xe tăng của mình bảo vệ thành và tiêu diệt hết xe tăng của đối phương để qua màn. Điều thú vị là trò chơi cũng hỗ trợ người chơi các vật phẩm đặc biệt như xẻng bảo vệ, xe tăng tăng mạng, lựu đạn….để mọi người có thể vượt qua các màn chơi khó dễ dàng hơn.

Thế nhưng, những vật phẩm này chỉ xuất hiện trong màn chơi chốc lát rồi biến mất vĩnh viễn nếu bạn không tranh thủ để ăn chúng. Tựa game ăn khách này có tổng cộng 35 màn chơi từ dễ đến khó và không phải ai cũng có thể phá đảo game này một cách dễ dàng đâu nhé.

3. Bomberman (Đặt bom)

Bomberman hay với cái tên đơn giản là “Đặt bom” đã từng gắn bó với rất nhiều thế hệ 8X, 9X qua bao năm tháng tuổi thơ từ những ngày đầu tiên khi mới biết máy điện tử 4 nút là gì. Phiên bản dành cho điện tử 4 nút đã được hãng Hudson Soft ra mắt vào năm 1987. Trong trò này người chơi sẽ điều khiển nhân vật Bomberman, đặt bom để tiêu diệt hết lũ quái vật trong một mê cung và qua màn mới.

Nhưng ít ai biết, số phận của Bomberman hết sức lận đận tưởng như không thể cứu vãn nổi. Tuy nhiên đó cũng là thời kỳ hưng thịnh duy nhất mà Bomberman từng có. Với quyết định rất khó hiểu của nhà phát triển, Bomberman bị bóp méo thành những hình tượng vô cùng quái đản.

Đó là nhân vật chính từ một chú Ninja đầy ngộ nghĩnh dễ thương sang hình ảnh sát thủ với móng vuốt và xiềng xích đầy mình. Chính vì quyết định sai lầm này mà series Bomberman sớm xuống dốc không phanh, gần như biến mất khỏi làng game thế giới.

4. Super Mario Bros

Có lẽ không ai còn lạ gì tựa game huyền thoại Super Mario Bros hay còn gọi là trò chơi “ăn nấm” do hãng Nintendo sản xuất. Công ty của Nhật Bản đã bán được tận 500 triệu sản phẩm liên quan đến trò chơi này. Super Mario xứng đáng là một trong những tựa game huyền thoại không những gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dùng mà còn là cuộc cách mạng giúp hồi sinh ngành công nghiệp trò chơi điện tử sau cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm. Lối chơi rất đơn giản nhưng cũng không kém phần thú vị.

Người chơi sẽ đóng vai chàng thợ sửa ống nước Mario khám phá điều bí ẩn phía sau của những ô có dấu hỏi và vượt qua những cây nấm độc Goomba, cố gắng ăn càng nhiều cây nấm đặc biệt để trở nên to lớn hơn càng tốt. Đã rất lâu kể từ khi Super Mario Bros được ra đời, trải qua nhiều thành công và thất bại nhưng chúng ta đều không thể và không nên phủ nhận rằng Super Mario thật sự có sức hút mãnh liệt tròng lòng nhiều thế hệ game thủ.

5. Pacman

Pacman là một trò chơi arcade kinh điển được phát triển bởi nhà sản xuất Namco lần đầu tiên ra mắt tại Nhật Bản vào năm 1980. Không lâu sau đó, phiên bản dành cho điện tử 4 nút của trò chơi này được hãng Tengen lập trình và phát hành năm 1988. Trò chơi nhanh chóng gây sốt và làm thay đổi lịch sử ngành công nghiệp game thế giới. Tính đến năm 2013, Pac-Man là trò chơi có doanh thu cao nhất mọi thời đại với 3,5 tỷ USD.

Về cách chơi, người chơi sẽ điều khiển pacman vượt qua 4 đối thủ Blinky, Pinky, Inky và Clyde. Ở bốn góc mê cung, các dấu chấm sẽ xuất hiện và Pacman phải nhanh chóng ăn hết để qua màn.

Được cho là trò chơi không có màn kết, nhưng ở màn 256 đã xảy ra lỗi nhỏ khiến mợt nửa mê cung xuất hiện ký tự lộn xộn, làm người chơi không thể ăn các dấu chấm. Mặc dù Pacman không còn thịnh hành như xưa, nhưng không hề quá đáng khi nói rằng trò chơi này sẽ khiến bạn chơi mãi mà không chán.

6. Duck Hunt (Game bắn vịt)

Tựa game Duck hunt (Bắn Vịt) là một trong những huyền thoại kinh điển trên hệ máy NES mà tuổi thơ ai cũng đã từng một thời chìm đắm. Về cách chơi, người chơi phải thể hiện tài thiện xạ của mình để bắn trúng những chú vịt bay loạn xạ khắp màn hình.

Bất kỳ ai từng chơi Duck Hunt chắc cũng đôi lần thử “gian lận” game bằng cách đứng bắn thật gần màn hình, đều nhận ra mình đang tự làm game trở nên khó hơn thôi. Để hiểu rõ điều này, bạn phải hiểu cách thức hoạt động của những game như Duck Hunt.

7. The Legend of Kage (Game Ninja cứu mẹ)

Bạn có còn nhớ tựa game khuynh đảo một thời này không? The Legend of Kage là một trò chơi do hãng Taito phát hành năm 1985. Ở Việt Nam, trò này được gọi là “Ninja cứu mẹ”. Sở dĩ tựa game có tên gọi này là do mở màn cảnh chơi, nhân vật người mẹ đã bị ninja kẻ thù bắt cóc và nhân vật chính của trò chơi phải đi giải cứu.

Đây không chỉ là một tựa game khá dễ chơi so với những trò chơi khác trên NES thời ấy, mà còn bởi lối chơi chiến đấu khá hấp dẫn, và có thể xem là một trong những tựa game đi cảnh thú vị nhất vào thời đó. Hiện nay, đối với những ai muốn trải nghiệm lại The Legend of Kage (hay Natra Cứu Mẹ), các bạn hoàn toàn thể trải nghiệm bằng cách tải bản giả lập NES và chơi trực tiếp trên PC.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Hằng

Được quan tâm

Tin mới nhất