Càng cận ngày giỗ tổ Hùng Vương, nhiều bạn trẻ càng rục rịch lập “nhóm phượt” trên các hội, nhóm để ghé thăm nhà thờ đổ Hải Hậu (Nam Định) do nơi đây khá gần Hà Nội, chỉ cách khoảng 120km và đường đi khá thuận tiện.
Từ năm 1996, sau nhiều lần bị nước biển xâm thực tàn phá nặng nề, nhà thờ Trái Tim đã bị bỏ hoang. Tiếp đó, những cơn bão cũng chẳng “tha” khi phá hủy gần như hoàn toàn nhà thờ khiến nơi đây nhanh chóng trở thành một phế tích và được biết đến với tên gọi: nhà thờ đổ.
Những năm gần đây, nhà thờ đổ dần trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các phượt thủ. Lý giải cho sức hấp dẫn khó cưỡng ấy, có thể đến từ sự bình yên của từng góc ảnh hay hình tượng vươn lên mạnh mẽ từ đống đổ nát của phế tích này khi xung quanh người dân vẫn cần mẫn lao động.
Thông thường, các phượt thủ khi đến nhà thờ đổ Nam Định hay chọn giấc bình minh hoặc hoàng hôn để chụp ảnh. Đêm xuống, họ đốt lửa trại và tham gia những trò chơi tập thể do khu vực xung quanh nhà thờ đổ chỉ là làng chài ven biển, không phải khu dân cư sầm uất, đầy đủ tiện nghi.
Nếu chọn điểm mốc là Hà Nội, từ thủ đô bạn đi men theo quốc lộ 1A rồi rẽ vào quốc lộ 21 về hướng thành phố Nam Định. Qua cầu Đò Quan, bạn tiếp tục đi theo trình tự huyện Hải Hậu - thị trấn Cồn - xã Văn Lý (cách nhà thờ đổ 3km). Ngoài nhà thờ đổ, Nam Định còn có loạt nhà thờ cổ khác rất ấn tượng như Tòa giám mục Bùi Chu, Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai, nhà thờ Xương Điền…
Bên cạnh đó, cầu Ngói hay còn gọi là Thượng gia hạ kiều - cũng là một kiến trúc vô giá của nơi đây khi là địa chỉ được nhiều phượt thủ kết hợp trong chuyến khám phá nhà thờ đổ. Cây cầu được xây dựng từ cách đây khoảng 300 - 400 năm vào thời Lê, bắc ngang sông Trung Giang. Cầu nằm trên trục đường dẫn vào chùa Lương, tạo thành một cụm di tích hấp dẫn của huyện Hải Hậu.
Với vị trí rất gần Hà Nội, sau loạt thông tin này, SaoStar chắc hẳn bạn sẽ có thêm một lựa chọn về điểm đến cho các kỳ nghỉ lễ ngắn ngày, nhất là dịp giỗ tổ Hùng Vương sắp tới. Tuy nhiên, đến với nhà thờ đổ các bạn cũng cần lưu ý việc tránh tác động quá mạnh vào phế tích này bởi kết cấu nơi đây đã không còn kiên cố, vững chắc và thiếu sự an toàn. Đồng thời, việc giữ gìn vệ sinh sau cuộc chơi cũng là một điều bắt buộc để bảo vệ môi trường.