Suốt hai tuần qua, món gỏi măng cụt đã "gây sốt" mãng xã hội. Thậm chí, một số cửa hàng cung cấp gỏi măng cụt sống phải thuê 20-30 nhân công để kịp phục vụ nhu cầu khách hàng. Chính vì tính chất măng cụt xanh nhiều mủ, khó gọt, măng cụt có giá từ 500.000 đồng/kg. Tuy giá "chát", dân tình vẫn đổ xô mua măng cụt xanh để bắt kịp xu hướng.
Mới đây, NSƯT Thành Lộc đã có chia sẻ đáng chú ý về món ăn này. Anh bày tỏ trên trang cá nhân: "Hồi những năm 70-80 có rộ lên kiểu nhậu ăn "măng cụt sống" chấm đường uống bia rượu. Do thời đó dân nghèo quá nên bạ cái gì bắt mồi được là ăn nhậu bất chấp, kết quả là dân nhậu cấp cứu quá trời vì ngộ độc. Mủ của măng cụt sống gặp đường mía sẽ phản ứng thành độc và gây tử vong".
Dù rất yêu thích món măng cụt chín, Thành Lộc vẫn khẳng định mình không dám thử gỏi măng cụt sống. Bởi lẽ, trong ký ức của anh, món ăn này dễ gây ngộ độc.
"Vụ này những ai vào độ tuổi của tôi thì chắc còn nhớ vì báo chí lúc đó đăng tin nhiều dữ lắm. Giờ người ta lấy măng cụt sống trộn gỏi dễ gì không nêm đường? Tới giờ chưa nghe tin gì nhưng cũng thấy lo lo vì cái tin măng cụt sống chấm đường ăn, nó khắc vào đầu tôi từ đó đến tận bây giờ. Tôi mê ăn măng cụt chín lắm còn trái sống thì không dám, hoàn toàn không dám, thiệt", anh viết.
Hiện tại, những chia sẻ này đang gây chú ý từ cộng đồng mạng. Bởi lẽ, món ăn này đã trở nên phổ biến và được nhiều người thưởng thức. Tuy vậy, dân tình vẫn cho rằng, trước khi cho gì đó vào bao tử, bạn nên tìm hiểu tính chất loại trái cây, cách kết hợp chúng và yếu tố dinh dưỡng.
Trước đó, trả lời báo Thanh Niên, BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam, khẳng định măng cụt non không có độc hại, có chăng chỉ là ít dinh dưỡng hơn ăn măng cụt chín.
Bác sĩ cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh măng cụt chưa chín gây độc hại cho sức khoẻ.
"Với món gỏi gà măng cụt, nếu sử dụng măng cụt chín sẽ nhiều nước, trộn lên không ngon. Vì vậy, dùng măng cụt non làm gỏi sẽ giòn, ngon hơn", vị bác sĩ nói với nguồn trên.