Cá thầu dầu sông Đà (hay còn gọi là tép dầu, mài mại,..) là loại cá chỉ bằng cái lá tre, chiều dài chừng 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Đây là đặc sản không quá xa lạ với đồng bào dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai (Sơn La). Đặc biệt khi hồ thuỷ điện Sơn La xuất hiện, chúng dồi dào hơn bao giờ hết.
Chị Lan (30 tuổi) - người dân Quỳnh Nhai cho biết, cá thầu dầu vốn không đem lại giá trị kinh tế cao. Nhưng người dân nơi đây đã chế biến chúng thành món cá khô thơm ngon, được ví như cá chỉ vàng.
Mùa cá thầu dầu đến, người dân tộc Thái đem lưới đánh bắt với số lượng khá lớn. Vì thế người dân đã chế biến thành món ăn khô quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày. Chị Lan cho biết, đặc sản này không lớn, chỉ khoảng từ 2 đến 3 đầu ngón tay bởi vậy công đoạn chế biến, làm sạch phải rất kỳ công. Theo đó, cá sau khi được rửa sạch, nhặt bỏ cỏ rác, đánh sơ qua vẩy và lọc sạch ruột.
Đặc biệt cá nhỏ nên phải làm cẩn thận để cá không bị vỡ mật sẽ đắng, khi mổ người ta phải mổ từ dọc sống lưng để khi khô có được thành phẩm đẹp.
Cá sau khi được chế biến sạch trải qua công đoạn tẩm ướp, các gia vị như: Muối, tương ớt, sa tế, đường, bột nghệ… được trộn đều cùng cá cho ngấm, thấm vào từng thớ thịt. "Công đoạn cuối cùng là đem phơi, những nơi thoáng mát, cao ráo. Vào những ngày trời nắng hanh, nhiệt độ cao chỉ tầm một hai ngày là cá khô cong có thể thu đem đóng gói bảo quản được", chị Lan nói.
Cá thầu dầu khô không chỉ đem đi tiêu thụ ở các chợ trong vùng mà còn cả thị trường các thành phố lớn. Chúng được rao bán với giá 200.000 đồng/kg.
"Nếu xưa cá thầy dầu lạ, ít người đến thì giờ nổi tiếng hơn cả. Ai ghé tới vùng đất Quỳnh Nhai đều lùng mua về làm quà biếu tặng người thân và bạn bè. Chúng có vị giòn, dai, ngọt thanh vừa béo, thơm, món ăn chơi dân dã, ăn hoài mà không thấy chán", chị Lan cho hay.
Ngoài ra, loại cá đặc sản này có thể chế biến theo cách thông thường như chiên giòn, kho tiêu... Tất cả đều mang hương vị dân dã, ngọt thịt... tạo ấn tượng ngay lần đầu thường thức.