Bánh khúc là thức quà quê của nhiều vùng miền, quen thuộc với nhiều người Việt. Nhưng bánh khúc Hưng Yên là đặc sản đặc biệt hơn cả. Nó mang vẻ đẹp bình dị, dân dã và ẩn chứa những câu chuyện lịch sử hào hùng.
Theo nhiều truyền thuyết kể lại, khi Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa, tiến đánh Đại La, chiếc bánh khúc của người dân Hưng Yên trở thành thứ quân lương tiện lợi cho quân sĩ. Bánh được gói gọn trong lá chuối, dễ mang theo bên mình, là món ăn lót dạ cho những ngày hành quân gian khổ.
Khi chiến thắng Đại La vang dội, bánh khúc cũng trở thành món quà ăn mừng cho chiến công hiển hách ấy.
"Bánh khúc là đặc sản của vùng đất Mễ Sở (Văn Giang). Từ lâu, bánh đã mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị như chính những nguyên liệu làm ra nó. Bạn chỉ cần cắn một miếng bánh sẽ cảm nhận được sự hòa quyện tinh tế giữa vị bùi bùi của đỗ xanh, vị béo ngậy của thịt ba chỉ và hương thơm thanh tao của lá khúc", chị Bùi Tưởng (31 tuổi, quê Văn Giang) cho hay.
Bánh khúc Hưng Yên cũng được làm từ các nguyên liệu: rau khúc, gạo nếp, đỗ xanh và thịt ba chỉ. Rau khúc là loại rau tự nhiên, mọc ở các bờ ruộng, bờ đê. Mùa đông, chúng mơn mởn, thoả sức phục vụ thợ làm bánh.
"Người dân quê mình làm bánh khúc quanh năm nên mùa đông phải tranh thủ hái rau khúc, phơi khô để những mùa khi cây đã lụi, vẫn có đủ nguyên liệu làm bánh", chị Tưởng nói.
Rau khúc được lấy về, bỏ cọng già, rửa sạch, giã nhuyễn. Sau đó người ta đem trộn với bột gạo nếp làm vỏ bánh, bọc lấy nhân đỗ xanh đồ chín trộn thịt và hành, đem nặn thành bánh. Thường họ bọc bánh và nặn thành hình vuông rồi rắc thêm một lớp gạo nếp vào một mặt của vỏ bánh, đem bọc bằng lá chuối rồi luộc chín.
"Bánh chín, căng đầy. Bóc lớp lá chuối, vỏ bánh có màu sắc thật đặc biệt. Một mặt là lớp gạo nếp trắng, một mặt là rau khúc có màu đen xám
Nhiều người mới nghe hay nhầm lẫn bánh khúc với món xôi khúc Hà Nội. Ai thưởng thức cả 2 rồi mới thấy đây là 2 món ăn khác nhau, mỗi loại có hương vị riêng", chị Tưởng nói.