Thời điểm tháng 12 đến tháng 2, nhiệt độ trung bình mùa đông ở Sapa chỉ khoảng 0 đến 2 độ C. Mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng bù lại bạn sẽ được ngắm cảnh bình minh trên thung lũng cao vào buổi sáng sớm. Đặc biệt vào các đợt cực lạnh còn xuất hiện băng tuyết và có tuyết rơi. Từng cành cây, ngọn cỏ, đóa hoa được bọc bên ngoài bằng lớp tuyết trắng, khiến cho khung cảnh ở đây trở nên kỳ vĩ với tuyết trắng xóa giống như trời Âu vô cùng đẹp và lãng mạn.
Và những ngày gần đây, tuyết quả thực đã rơi ở Y Tý và Sapa. Các đợt tuyết vẫn còn khá mỏng nhưng ngay trong đêm qua (31/1), người dân đã nô nức đổ lên các điểm du lịch này khiến tuyến đường từ TP Lào Cai về Sapa tắc nghẽn.
Ai cũng háo hức ngắm nhìn tuyết rơi nhưng bạn có biết, du lịchrong thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá cũng nguy hiểm thế nào không? Trước khi lên đến Sapa, bạn hãy chắc chắn thể lực của mình tốt nhé. Ngoài ra, đến đó, muốn duy trì được sức khỏe, giữ ấm cơ thể để đi đây đi đó chụp ảnh thì hãy ăn uống đầy đủ, bổ sung các thực phẩm giúp làm ấm cơ thể.
Dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý các bạn một số món ăn không chỉ vừa ngon mà còn giúp phòng chống giá rét đấy!
Lẩu cá tầm
Cá nước lạnh nuôi ở Sa Pa thịt chắc, thớ săn và không có mỡ. Cá rất sạch và ngon nên du khách có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Trong các nhà hàng, cá Tầm được chia thành khúc nhỏ rồi được chế biến với các nguyên liệu gia vị tẩm ướp khác để dùng nấu lẩu. Nước lẩu rất ngọt, thơm, không có vị tanh. Đặc biệt, lẩu cá Tầm Sapa được ăn kèm với một số loại rau rừng chỉ có ở nơi đây.
Ăn lẩu cá Tầm, cùng nhâm nhi một chút rượu Ngô, rượu Táo Mèo,…, nhúng từng đũa rau vào nổi lẩu và ăn kèm với bún hoặc cơm gạo nương Sapa là vô cùng tuyệt vời trong những ngày trải nghiệm tại nơi đây.
Món nướng SaPa
Ai đã đến Sa Pa, từng nếm thử món nướng nơi đây rồi, đều không thể quên cái cảm giác vừa ăn vừa xuýt xoa cái sự nóng xen lẫn với cái sự cay trong tiết trời se lạnh rất đặc trưng. Không ngoa khi nói rằng, trong “nền ẩm thực Sapa” thì món nướng chiếm vai trò kha khá lớn đấy.
Ở xứ này, dường như cái gì họ cũng chế biến thành món nướng được. Từ thịt bò cuốn nấm kim châm, cuốn lá lốt, lòng, dạ dày, nầm, cuống tim, sườn non, hải sản, xúc xích¸ chân gà, cánh gà nướng… cùng các loại củ quả như đậu bắp, bí ngòi, cà chua bi, cà tím… đều được kẹp vào vỉ và nướng lên, thơm nức nở cả 1 góc phố. Tất cả tạo nên ẩm thực Sapa rất đặc trưng.
Thịt lợn cắp nách
Lợn cắp nách Sapa được thả rông mặc sức mưa nắng, do đó mà thịt của chúng rất săn chắc. Có rất nhiều món ăn đa dạng ngon miệng được chế biến từ lợn cắp nách thu hút quyến rũ du khách như: nướng, xào, hấp, luộc…
Tuy nhiên, hai món đùi lợn nướng than hoa và lợn cắp nách nướng ống tre sẽ khiến du khách ngất ngây hương vị. Du khách sẽ được thưởng thức miếng đùi lợn thơm lừng được tẩm ướp gia vị rồi nướng trên than hoa và ống tre thơm phức, cùng nhâm nhi bên chén rượu táo mèo thơm ngon, cảm nhận phần da giòn, thịt bên trong vô cùng ngọt và mềm tới từng miếng.
Cá suối nướng
Những khe suối ở Sapa có rất nhiều loại cá như cá bống, cá hoa… hầu hết đều không lớn lắm cỡ bằng ngón tay mà thôi nhưng điều đặc biệt là cá suối không tanh. Bắt cá lên chỉ cần nhóm lửa nướng hoặc rán giòn, thêm chút gia vị là đã có một món ăn hấp dẫn. Cá mới rán đầu đuôi giòn tan thơm ngào ngạt cộng với thịt cá vừa dai vừa ngọt.
Ngoài món cá rán, mùa đông lạnh, người dân ở đây rất hay ăn cá suối nướng. Đem cá về, chỉ cần nướng trên bếp than hoa, rồi ăn nóng ngay với mắc khén thực sự là một món ngon giản dị vô cùng khó cưỡng.
Thắng cố
Thắng cố thường nấu chung các loại thịt trâu, bò, lợn… với nhau. Một món thắng cố ngon cần đến 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, thảo quả, lá thơm… Các loại rau rừng là phần quan trọng thứ hai của món thắng cố.
Vì quy tụ nhiều loại gia vị tính nóng như quế, hồi, thảo quả… nên món ăn này có tác dụng giữ ấm cực tốt. Chẳng thế mà ở những phiên chợ vùng cao, vừa tới nơi người dân bản địa phải ăn ngay 1 bát thắng cố để giữ nhiệt. Món ăn vừa giàu năng lượng lại giúp giữ ấm cơ thể này có thể xem là phát minh sáng tạo của người dân vùng núi coa phía Bắc.
Thật khó diễn tả hương vị đặc biệt của món ăn này. Vừa ngọt lừ, béo ngậy, vừa đậm đà mà thơm phức. Sẽ không gì thú vị bằng ngồi bên chảo thắng cố sôi sùng sục, vừa ăn vừa nhâm nhi chén rượu ngô, bạn sẽ cảm thấy ấm áp hơn trong khí lạnh lẽo, gió núi tê buốt.
Mầm đá
Ở Sa Pa, rau cải mầm đá chỉ xuất hiện từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, không dễ để tìm mua. Mầm đá có vị như ngồng cải bình thường nhưng ngọt và thơm hơn, thường dùng kèm với muối vừng hoặc trứng dầm nước mắm. Mầm đá xào thịt trâu là món ăn gây hứng thú cho dân nhậu, nhất là khi bên cạnh có chén rượu San Lùng.
Gà đen (gà ác)
Là loại gà đặc biệt của người Mông có da, thịt và xương màu đen. Thịt gà đen chắc, thơm ngon, da giòn mang lại cho người thưởng thức cảm giác rất thú vị. Các nghiên cứu đã chỉ ra, gà đen không những có tác dụng tăng khả năng “chăn gối” mà còn có giá trị dược liệu đặc biệt trong việc chữa trị các bệnh về tim mạch.
Món nổi tiếng nhất được chế biến từ gà đen của Sa Pa là gà nướng mật ong. Món gà nướng thơm nức mũi ăn cùng lá bạc hà chấm muối tiêu chanh, chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, sáng nay (31/1) ở Sa Pa trời mưa rét, nhiệt độ đã giảm xuống quanh mức 0 độ, tuyết rơi khá dày. Dự báo trong ngày và đêm hôm nay (1/2) khả năng tuyết sẽ tiếp tục rơi tại Sa Pa và cả nhiều điểm vùng núi cao trên 1.500m ở miền Bắc.
Đồng thời rét đậm, rét hại tiếp tục bao trùm khắp các tỉnh thành miền Bắc xuống đến khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Nhiệt độ cao nhất hôm nay dự báo 11 - 14 độ, về đêm là 8 - 12 độ, vùng núi 5 - 8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ.
Cảnh báo đợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài đến hết ngày 5/2.