Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ăn ngon - chơi đã

Trà sữa 150.000 đồng đã là gì, Sài Gòn còn có bánh mì 2,4 triệu đồng cơ

Sài Gòn – nơi mà “cái gì cũng có thể xảy ra được” – đang có một món ăn khiến báo chí nước ngoài phải “dậy sóng” lần nữa. Đó chính là ổ bánh mì giá... 2,4 triệu đồng.

Bạn sẽ nghĩ, bánh mì thì làm gì đến gần 2,5 triệu đồng một ổ. Đúng vậy, bánh mì bình dân, 20.000 - 30.000 đồng một ổ thì đã quá quen thuộc; chỉ là đồ chua, rau thơm, thịt nguội hoặc thịt gà, thịt quay, thịt xá xíu, chan thêm nước mắm.

Cao cấp hơn một chút có lẽ là bánh mì 50.000 - 100.000 đồng trong các nhà hàng mà có thể bạn cũng đã từng biết. Vậy mà có đấy. Gần đây có một đầu bếp đã “cả gan” bán ra những ổ bánh mì với giá 100 đô-la Mỹ, tức gần 2,4 triệu đồng.

Để con số này thêm phần ấn tượng, bạn hãy hình dung thế này. Theo ước tính, thu nhập bình quân đầu người tại thành phố Hồ Chí Minh là 4 triệu đồng/tháng. Tức là ổ bánh mì “đại gia” có giá bằng nửa tháng lương trung bình. Nếu so sánh con số này với tỉ lệ tương đương ở Manhattan (Mỹ) thì ổ bánh mì này sẽ có giá 5.500 đô-la Mỹ.

Không phải người đầu bếp này muốn chơi nổi, mà là anh muốn thể hiện tình cảm “trân trọng” của mình đối với một món ăn quê hương. Bên cạnh đó, anh cũng muốn làm mới bánh mì để thực khách có những trải nghiệm mới mẻ và cao cấp hơn.

Anh cho biết, anh rất vui khi khách đến ăn bánh mì tại nhà hàng của anh đa phần là người Sài Gòn. Có lẽ vì lý do muốn phục vụ người Việt Nam nói chung, và người Sài Gòn nói riêng mà anh đã đặt nhà hàng Ăn Ăn của mình tại Chợ Cũ Sài Gòn (đường Tôn Thất Đạm, Q.1) - nơi có những hàng quán bình dân và lâu đời nhất.

Vậy, có gì bên trong ổ bánh mì cao cấp này?

Theo lời của đầu bếp Peter Cường Franklin - và cũng là chủ nhà hàng - thì đầu tiên, anh phết một lớp mayonnaise với nấm truffle lên cả 2 nửa bánh mì, rồi nướng nhanh trên bếp than. “Chỉ như vậy thôi cũng đã đủ ngon rồi” - anh nói. Tiếp theo là đến pa-tê. Loại pa-tê này anh đặt làm từ một đầu bếp Pháp sống ở Đà Lạt. Pa-tê cũng được phết lên cả 2 nửa bánh. “Với tôi, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ khiến tôi hạnh phúc”, anh dí dỏm.

Với phần thịt, anh không nướng thịt theo cách thông thường mà sử dụng một kỹ thuật nấu chậm đang rất thịnh hành ở các nhà hàng phương Tây, đó là kỹ thuật nấu phân tử - sous-vide. Đây là phương pháp làm chín thịt trong môi trường chân không, ở nhiệt độ 50 - 70 độ C, và nấu trong vòng 6 giờ.

“Quan trọng là kết cấu và hương vị của thịt được giữ nguyên, cũng như độ ẩm của miếng thịt” - anh cho biết. “Trước khi cho thịt vào bánh mì, chúng tôi sẽ lấy thịt ra nướng lại để tạo mùi khói”. Bên cạnh đó, bí quyết để có được phần nhân bánh mì hoàn hảo chính là phải chọn được miếng thịt có tỉ lệ thịt-mỡ chuẩn. Anh tiết lộ rằng anh thường chọn phần thịt bụng heo để chế biến.

Cuối cùng, chính là gan ngỗng. Gan ngỗng là một món ăn rất béo, nên thường mỗi phần ăn trong các nhà hàng Pháp cũng chỉ có khoảng 30 - 50 gram. Nhưng trong ổ bánh mì của mình, đầu bếp Peter Cường Franklin cho vào đó 4 miếng gan ngỗng, mỗi miếng 40 gram. “Chúng tôi áp chảo 4 miếng gan ngỗng này trước khi kẹp vào bánh mì. Nước mỡ béo chảy ra từ đó sẽ được dùng làm nước sốt, chan lên sau cùng”.

Đương nhiên là không thể thiếu các loại rau dưa ăn kèm để cân bằng hương vị.

Và không chỉ có thế, một phần bánh mì còn được phục vụ kèm món ăn phụ là khoai lang chiên kèm sốt trứng cá caviar hoặc sốt mayonnaise truffle, và 2 ly rượu vang trắng. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực Việt và Pháp.

Với những thành phần như vậy thì 2,4 triệu đồng cũng không phải là một cái giá quá cao đúng không nào. Nếu là bạn, bạn có thử không?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vice

Được quan tâm

Tin mới nhất
Starlight Cinema – Rạp Chiếu Phim Việt Cho Người Việt