Diễu hành với quả cầu lửa ở Scotland
Ở Stonehaven, người dân thường đón chào năm mới bằng cuộc diễu hành với những quả cầu lửa. Phong tục này đã bắt đầu từ hơn 100 năm nay và trở thành một phần quan trọng của lễ hội Hogmanay. Theo người dân địa phương, những quả cầu lửa đem lại sự tinh khiết và tượng trưng cho ánh nắng mặt trời giúp làm sạch không khí và xua đuổi ma quỷ.
Tẩy trần bằng lễ hội té nước Thingyan tại Myanma
Lễ hội té nước Thingyan - tục lệ mừng năm mới ở Myanmar - thường diễn ra vào tuần thứ hai của tháng 4 hàng năm và kéo dài khoảng 3-4 ngày. Mang ý nghĩa tẩy trần, người dân tâm niệm rằng những giọt nước tinh khiết của đất trời sẽ thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch những dơ bẩn đã tích tụ trong suốt một năm qua.
Trồng cây dưới băng ở Siberia
Đây là phong tục đón năm mới đặc trưng của người dân Siberia. Vào đêm giao thừa, bỏ mặc cái lạnh thấu xương, người dân sẽ đục một lỗ trong lớp băng bao phủ trên hồ Baikal và chui xuống đáy hồ để trồng cây trước thềm năm mới. Họ cho rằng tết là để trồng cây, để bắt đầu lại một cuộc sống mới.
Ăn hết 12 quả nho vào đêm đông Tây Ban Nha
Theo tục lệ của người Tây Ban Nha, sau khi tiếng chuông giao thừa ngân vang, họ sẽ ăn liên tục 12 quả nho, mỗi quả tượng trưng cho một tháng trong năm. Nếu bạn có thể ăn hết 12 quả nho trong 12 giây là tốt nhất, điều này đồng nghĩa với hạnh phúc viên mãn sẽ đến trong năm tới. Nếu không, hãy cố gắng ăn xong chúng trước 6 giờ sáng.
Trao nhau nụ hôn nồng cháy đêm giao thừa
Ở nhiều nền văn hoá phương Tây, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, trao nụ hôn cho một nửa yêu thương vào khoảnh khắc giao thừa được xem là nghi thức cầu nguyện cho tình yêu mãi bất diệt. Với những cặp đôi mới quen, nụ hôn của họ sẽ mang ý nghĩa đóng dấu số phận, hay chính là cách các cặp đôi thông báo đến đấng thần linh tình yêu nồng cháy của mình.
Cúng tế nữ thần biển Yemanja, Brazil
Với hi vọng nữ thần biển Yemanja sẽ ban phúc lành vào năm mới, người Brazil có truyền thống ném những bông hoa trắng vào đại dương trong đêm giao thừa. Nếu biển khơi trả lại quà, nghĩa là người kém may mắn ấy đã bị nữ thần từ chối lời thỉnh cầu.
Đập bể đĩa theo truyền thống của Đan Mạch
Tại Đan Mạch, người ta tin rằng càng có nhiều đĩa vỡ ngoài cửa vào sáng mùng một, gia chủ sẽ càng có nhiều bạn bè, vận may trong năm mới. Đó là lý do tại sao những người dân địa phương sẽ không tiếc đập vỡ những chiếc đĩa còn mới tinh và đem đặt trước cửa hàng xóm để bày tỏ sự yêu mến. Hành động kỳ lạ này chỉ phổ biến tại Đan Mạch, vì vậy, ai không hiểu rõ sẽ cho rằng người đó quá bất lịch sự và thô lỗ.
Gửi thông điệp yêu thương qua đồ lót tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta quan niệm mặc đồ lót màu đỏ sẽ mang lại may mắn cho những người thân yêu của bạn. Trong thời gian gần năm mới, các cửa hàng bán đồ lót màu đỏ mọc lên và bán ra nhanh chóng.
Nếu vậy, ở Argentina, nếu bạn mặc đồ lót màu hồng vào ngày đầu năm mới, nghĩa là bạn đang tìm kiếm tình yêu.
Đến Ecuador, đốt bù nhìn
Là phong tục rất lâu đời tại Ecuador, trong đêm giao thừa, mỗi gia đình sẽ tập hợp các hình nộm mà họ cho là kẻ thù (được làm bằng rơm, gỗ, hoặc giấy báo), sau đó đứng thành vòng tròn và đốt chúng. Mục đích của việc làm này là xua đuổi những cái xấu xa và hi vọng người đó sẽ không làm phiền họ nữa.
Cắm trại tại nghĩa trang vùng Chile
Người dân Chile thích đón năm mới cùng với những người thân đã khuất. Phong tục này được khởi xướng khi họ phát hiện một đứa bé tự ý đột nhập vào nghĩa trang để được cùng đón năm mới với người cha quá cố. Hiện nay, các nghĩa trang đã mở cửa, cho phép hàng ngàn người đón năm mới trong ánh nến và tiếng nhạc giao hưởng.
Tái sinh sự sống của Hy Lạp bằng những củ hành
Theo tục lệ treo hành trước cửa, người dân Hy Lạp tin rằng những củ hành tượng trưng cho sự tái sinh, may mắn của đất trời sẽ chạm lên chúng và mang hạnh phúc gõ cửa mọi nhà. Sáng hôm sau, các bậc cha mẹ sẽ dùng chính những củ hành đã được phù phép này gõ nhẹ vào đầu bọn trẻ và đánh thức chúng.
Muốn thành gấu, đến Romania
Người dân Romania lại đón năm mới theo một các rất riêng, chính là hóa trang thành gấu và nhảy múa đến từng nhà dân, cầu chúc hạnh phúc cho những người xung quanh.
Rung chuông Joya no kane đón năm mới
Trong đêm giao thừa, người dân Nhật Bản sẽ đến xếp hàng tại các ngồi chùa địa phương để thực hiện nghi lễ rung chuoong joya-no-kane. Khi âm thanh trầm đục ngân lên 108 lần từ chiếc chuông khổng lồ, những ham muốn trần tục của con người cũng như được giải thoát, vận xui của năm cũ theo đó cũng được rũ bỏ, người dân hân hoan chờ mong vận may sẽ đến gần hơn trong năm mới.
Theo người dân Nam Phi ném nội thất đầu năm
Ở Nam Phi, người dân sẽ ném đồ nội thất cũ ra khỏi cửa sổ. Việc làm này thường được tiến hành vào một buổi sáng mùa xuân ấm áp với ý nghĩa ném đi tất cả những gì chậm trễ, cũ kỹ và không may mắn.
Đập vỡ lựu cầu thịnh vượng tại Thổ Nhĩ Kỳ
Quả lựu ở Thổ Nhĩ Kỳ được xem như trái cây mừng năm mới. Màu đỏ ruby của chúng là đại diện cho trái tim con người, biểu thị sự sống và khả năng sinh sản. Vào đúng thời khắc bước sang năm mới, các bà các mẹ sẽ bước ra sân và đập mạnh quả lựu vào tường. Hạt lưu văng ra xa bao nhiêu thì điềm lành nhiều bấy nhiêu.