Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) hàng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Trong tiếng Hán, Hàn thực có nghĩa là “thức ăn lạnh”.
Ngày Tết này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn có ở Trung Quốc cũng như cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới. Theo tích cổ, để tưởng niệm lòng trung thành của Giới Tử Thôi, vua nước Tấn đã hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3 - 5/3 âm lịch) và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn. Do đó ngày này gọi là Hàn thực. Sau này, người Trung Quốc đã giản tiện chỉ giữ lệ làm Tết Hàn thực vào ngày mùng 3/3.
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, thế nhưng đối với người Việt, tết Hàn thực vẫn mang đậm nét riêng. Ngày này, người Việt sẽ ăn những món nấu chín để nguội để tưởng nhớ đến những người đã khuất.
Về phong tục cúng lễ trong ngày này, các sách như 100 điều cần biết về phong tục Việt Nam hay Văn khấn nôm tại nhà - Tập văn cúng gia tiên, hướng dẫn: “Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn thực gồm hương, hoa, trầu cau và 5 hoặc 3 bát bánh trôi cùng 5 hoặc 3 bát bánh chay”.
Ngoài 2 món bánh trôi và bánh chay đặc trưng của dịp lễ tết Hàn thực này, ngày nay, ở một số nơi, người ta còn có thể nấu xôi chè.
Tại một số vùng ngoại thành Hà Nội và ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), người dân nơi đây còn làm bánh nhót để lễ Phật và cúng gia tiên. Bánh quả nhót cũng được làm từ bột nếp nhưng bánh nhót không có nhân. Tùy từng nơi mà sau khi luộc chín, bánh sẽ được xào qua với mật hoặc dính thêm vài hạt lạc bên ngoài bánh.
Ngoài những món bánh trôi - bánh chay cổ truyền, người ta còn sáng tạo rất nhiều biến thể của bánh trôi những hình thù vô cùng ngộ nghĩnh. Ngoài ra, người ta còn hay trộn bột bánh với gấc, lá dứa để có màu đẹp mắt. Bánh chay thay vì đậu xanh thì có thể là bánh chay bí đỏ, bánh chay nhân đậu đỏ…