Sa Pa từ lâu đã nổi tiếng với các bản làng Cát Cát, Tả Van, Tả Phìn; với nhà thờ đá uy nghi tồn tại lâu đời hay nóc nhà Đông Dương Fansipan... Tuy nhiên làn sóng du lịch đã tràn vào Sa Pa, khiến nó dần bị thương mại hóa.
Bản Sín Chải thuộc xã San Sả Hồ (cũ), nay thuộc xã Hoàng Liên, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 4km. Mặc dù nằm ngay cạnh Cát Cát - một bản du lịch văn hóa cộng đồng nổi tiếng của Sa Pa, Sín Chải vẫn khá nguyên sơ và vắng lặng so với bản kế bên.
Nằm lặng lẽ dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, được bao bọc bởi những ngọn đồi rộng lớn, Sín Chải là nhà của người Mông đen đã bao đời nay.
Cũng như nhiều bản làng ở Sa Pa nói riêng và vùng cao Tây Bắc nói chung, dân bản chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Vào khoảng tháng tư khi trời có mưa, những thửa ruộng bậc thang bắt đầu vào mùa nước đổ.
Khi vào vụ cấy, những thửa ruộng bậc thang sẽ ngập mình trong làn nước. Nước được lấy từ suối nên rất trong, phản chiếu ánh sáng mặt trời khiến cho cả một khoảng rộng lớn đều trở nên lung linh lấp lánh vô cùng đẹp mắt.
Đây sẽ là một trải nghiệm mới mẻ vô cùng tuyệt vời khi bạn được tận mắt chứng kiến cảnh bà con dân tộc nơi đây cần mẫn cấy lúa trên ruộng bậc thang như một bức tranh lao động tuyệt đẹp.
Thời điểm du khách đến tham quan Sín Chải nhiều nhất trong năm có lẽ là vào tháng chín, đầu tháng mười, khi ruộng bậc thang ở đây chuyển sang màu vàng óng ả của lúa chín.
Khắp nơi đều phảng phất mùi thơm của lúa mới, mùi ngai ngái của thân rạ tươi tạo nên bầu không khí đặc biệt. Đứng trước khung cảnh bao la, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi ngắm nhìn hàng nghìn thửa ruộng bậc thang trải đều tít tắp, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi.
Những làn mây, tia nắng ở đây như tô điểm thêm cho bức tranh mùa vàng.Toàn cảnh Sín Chải lúc đó tựa người con gái đẹp kiêu kỳ bên dòng suối uốn lượn quanh co, khoe những đường cong mềm mại với núi rừng.
Dọc theo con đường dẫn vào bản Sín Chải du khách sẽ được ngắm nhìn những nếp nhỏ nhỏ xinh mộc mạc lợp bằng gỗ pơ mu, những nông cụ đơn sơ trước hiên nhà.
Đây là điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống của người Mông Đen ở Sa Pa. Người dân nơi đây có một cuộc sống đơn giản và thanh bình, vào ngày mùa thì lên nương rẫy, trồng thảo quả; khi vụ mùa kết thúc thì chỉ vào rừng kiếm củi, chăn trâu nuôi ngựa.
Người phụ nữ tranh thủ thời gian nông nhàn may vá trang phuc truyền thống.
Thông thường du khách đến tham quan bản Sín Chải thì thường kết hợp đi tham bản Cát Cát sau đó đi sang bản Sín Chải. Giá vé vào thăm quan bản Cát Cát với người lớn là 70.000đ/người và trẻ em là 30.000đ/người. Vé vào Sín Chải hiện tại đang miễn phí.
Hiện tại Trekking đang là loại hình du lịch đuộc du khách rất ưa chuộng khi đến tham quan bản Sín Chải.
Du khách vừa đi bộ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của khung cảnh hai bên đường, vừa có thể tìm hiểu các phong tục tập quán, nếp sống văn hóa và ẩm thực của người dân nơi đây.
Và muốn tìm hiểu rõ nét hơn nữa, bạn có thể ngủ lại tại một số homestay trong bản. Giá khoảng 50.000đ/người/đêm.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, du khách có thể lựa chọn hình thức tham quan phù hợp với bản than nhất như là mua tour của công ty du lịch, hay tự thuê xe máy để trải nghiệm với giá dao động từ 120.000-150.000đ/xe/ngày.
Không ồn ào náo nhiệt, không có người bán hàng mời chào, níu kéo khách du lịch như ở bản du lịch Cát Cát, Tả Phìn hay Tả Van, Sín Chải giờ đây thực sự là linh hồn của núi rừng Tây Bắc, là nơi mọi thứ vẫn còn đơn sơ, nguyên vẹn như thửa ban đầu.
TIPS: Một số lưu ý cần nhớ khi ghé thăm bản Sín Chải - Sa Pa
- Chủ động chuẩn bị một ít đồ uống hoặc một chút đồ ăn vặt, mang quần áo thoải mái tiện dụng và đeo giày thể thao để thuận tiện cho việc di chuyển trên địa hình đồi núi.
- Xin phép trước khi muốn tham quan nhà của dân bản. Lưu ý trước khi vào quan sát kỹ nếu thấy trước nhà hay đầu cầu thang cắm cành lá xanh, cành gai, hay một tấm phên đan mắt cáo thì đó là biểu tượng của sự cấm kị không được vào.
- Không nên mua những món đồ cổ về làm quà lưu niệm, làm vậy dân bản sẽ mất đi những giá trị văn hóa truyền thống vốn có.
- Khi ngồi ăn cơm không ngồi vào các vị trí dành riêng cho người cao tuổi, hay các vị trí bỏ trống cho linh hồn bố mẹ (thường các vị trí ấy gần bàn thờ).
- Trước khi ăn cơm bạn nên cố gắng kiên trì lắng nghe gia chủ tiến hành hết các nghi lễ mời tổ tiên hay chúc phúc ban điều lành, tránh việc vội vàng gắp thức ăn trước, và tuyệt đối không được úp chén bát xuống mâm.
- Khi ngủ lại nhà dân bạn nên tuân thủ sự bố trí của gia chủ không nằm quay chân về phía bàn thờ.