Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ăn ngon - chơi đã

Ngoài Phú Thọ, đây là những địa điểm thờ cúng Vua Hùng

Vào ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân trên cả nước thường đến Đền Hùng ở Phú Thọ dâng hương. Nhưng thực ra còn rất nhiều địa điểm thờ cúng khác nữa.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa và đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với một lòng thành kính tri ân.

Loại hình tín ngưỡng này thậm chí còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là lễ giỗ tổ Hùng Vương, diễn ra vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ… ) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Người dân hành hương về đất Tổ không hề có sự phân biệt tôn giáo, chỉ cần là người Việt Nam thì trong tâm khảm họ đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng.

Nhưng thực ra, vẫn còn rất nhiều địa điểm khác để mọi người có thể đến dâng hương. Nếu như hàng năm đều đến Đền Hùng, năm nay bạn nên thử đến những nơi dưới đây, cũng là một cách để chúng ta hiểu hơn về phong tục truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.

1. Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (Quận 9 - TP. HCM)

Đền tưởng niệm các vua Hùng ở công viên lịch sử - văn hóa dân tộc.

Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc là một công trình kiến trúc quy mô lớn được xây cất tại phường Long Bình, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh với chức năng là một công viên, điểm tham quan với chủ đề lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây được coi là công trình tiêu biểu của khu vực phía Nam và nơi tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Nơi này còn có tên gọi là Đền thờ Vua Hùng thành phố Hồ Chí Minh.

Công viên có tổng diện tích hơn 400 ha, được quy hoạch tổng thể với 4 khu: Khu cổ đại, khu trung đại, khu cận hiện đại và khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (bao gồm Cù lao Bà Sang).

Riêng khu Đền thờ Quốc tổ Hùng vương có diện tích trên 80 ha, đây cũng là công trình trung tâm của khu cổ đại, bao gồm đền tưởng niệm các vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc” thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Đền thờ Vua Hùng ở công viên Tao Đàn (Quận 1 - TP.HCM)

Đền thờ Vua Hùng ở công viên Tao Đàn.

Đền thờ Vua Hùng ở công viên Tao Đàn (55C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM) hay có tên đầy đủ là Đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng vào năm 1992 và được trùng tu vào cuối năm 2011.

Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống kết hợp với một số yếu tố hiện đại, nằm trong một khoảng không gian tràn ngập bóng mát cây xanh.

Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống kết hợp với một số yếu tố hiện đại, nằm trong một khoảng không gian tràn ngập bóng mát cây xanh.

Chính điện của đền gồm có 3 gian: Gian giữa là nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương, gian bên trái thờ Mẫu Âu Cơ, gian bên phải thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sân đền có một phiên bản cột đá Thề dựa trên nguyên mẫu ở Đền Hùng Phú Thọ.

3. Đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên (Quận 1 - TP.HCM)

Đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên.

Đền thờ Hùng Vương ở trong Thảo Cầm Viên là một trong những ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn. Ngôi đền được xây dựng vào khoảng năm 1930 - 1932, với kiến trúc và lối hoa văn trang trí tinh xảo trên nền kiến trúc đẹp truyền thống của phương Đông.

Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (Quận 1) do Pháp xây dựng vào năm 1926 để tưởng niệm những người Việt đi lính cho Pháp chết trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Lúc đầu, đền có tên là Kỷ Niệm (Temple de Souvenir).

Sau năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, đền được chuyển sang thành đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Trong đó, ngoài việc thờ vua Hùng, còn thờ một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Ðạo, Tả quân Lê Văn Duyệt.

Mỗi tuần, đền mở cửa cho khách đến thăm từ ngày thứ 3 đến ngày chủ nhật. Ðặc biệt, vào ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, nơi đây đều có tổ chức lễ giỗ trọng thể, để ghi nhớ công ơn dựng nước Việt của các vua Hùng. Lễ gồm 2 phần: lễ dâng hương và lễ hội.

4. Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng (Quận Gò Vấp - TP. HCM)

Gian thờ Bà Âu Cơ ở tầng trệt của tổ đình Lạc Hồng.

Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng có địa chỉ ở số 94, đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp với diện tích khoảng 200 m2. Nơi đây chủ yếu thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ và Hùng Vương.

Hiện nay, Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng có ba ngày lễ chính trong năm: Lễ giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch, lễ giỗ Lạc Long Quân vào ngày 1/1 âm lịch và ngày giỗ Mẫu Âu Cơ vào ngày 5/5 âm lịch.

5. Đền Hùng (Ngô Quyền, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng)

Lễ giỗ tổ ở Đền Hùng, Lâm Đồng.

Đền Hùng nằm ở số 93 Ngô Quyền thờ 18 Đức Hùng Vương chi linh vị, Đức Quốc Tổ Khảo Kinh Dương Vương chi linh vị, Đức Quốc Tổ Tỷ Lang Thượng Ngàn chi linh vị và một số các anh hùng, liệt sĩ dân tộc.

Đền tổ chức lễ hội vào 10/3 và 23/10 âm lịch.

6. Đền thờ Vua Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Người dân đến dự lễ giỗ tổ Hùng Vương ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đền Hùng tọa lạc dưới chân núi Lớn, số 25/5 đường Bạch Đằng, phường 5, thành phố Vũng Tàu. Trước cửa tòa có ghi 4 chữ: Thập Bát Thánh Vương (nơi thờ 18 đời vua Hùng). Tiếp đến là tòa chánh điện, bàn thờ ở gian giữa thờ Quốc Tổ Hùng Vương.

Hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch nhân dân thành phố Vũng Tàu về đây dự lễ hội dâng hương, tưởng nhớ các vua Hùng tại đền thờ Quốc Tổ.

7. Đền thờ Vua Hùng (Đồng Nai)

Nghi thức đọc chúc văn trong lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại đền thờ Hùng Vương, thành phố Biên Hòa.

Ở Đồng Nai có nhiều đền thờ vua Hùng được lập ở huyện Long Thành, Xuân Lộc, Định Quán và thành phố Biên Hòa với các tên gọi khác nhau: Đền thờ Hùng Vương”, “Đền thờ vọng Quốc Tổ Hùng Vương”, “Đền Hùng Vương”…

Gian chính điện đặt bàn thờ Bác Hồ, 2 gian hai bên đặt bàn thờ ghi công đức các vị Trưởng lão có công đóng góp lớn cho hội đền, phần hậu cung là nơi dành riêng đặt tượng thờ vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương).

Ngoài dịp 10/3 âm lịch, hàng năm đến ngày 19/5 tại đền Hùng Vương còn tổ chức lễ mừng ngày sinh nhật Bác Hồ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết QN

Được quan tâm

Tin mới nhất