Cái năm xưa thơ ngây, được ba mẹ cho vô Sài Gòn chơi, lên mạng đọc review toàn trà sữa Phúc Long với cà phê sữa đá Nhà thờ Đức Bà, tôi thử. Sau vài năm bớt nai tơ hơn, vào Sài Gòn công tác 20 ngày, đi dẫn đoàn từ Củ Chi đến Bến Tre, mới biết có xôi chiên phồng Đồng Nai, lẩu bông Miền Tây, tôi ghiền.
Lớn rồi, khẩu vị cũng khó chiều hơn, cái ngậy ngậy hời hợt của sữa không còn hấp dẫn được tôi nữa, mà phải là cái bùi bùi của nước cốt dừa Bến Tre, ẩn trong trăm thứ gia vị lẩu hoa đồng nội vẫn có thể nhận ra, mới khiến trái tim tôi cảm động mà yêu món Sài Gòn, ghiền đồ Miền Tây riết mãi không thôi.
Lẩu bông miền Tây - 14 thứ hoa của sông nước Miền Tây
Với nguyên liệu chính là các loại hoa, rau như bông điên điển, hoa so đũa, thân kèo nèo, rau đắng, cọng hoa súng, hoa bí, hoa hẹ, hoa thiên lý, hành hoa, rau cần, rau muống, cải xanh, rau bắp tím, bó xôi, cải ngọt, rau nhút… Nào bông bí, điên điển vàng xen lẫn cọng sung tím sẫm, ớt đỏ rực rỡ bên cạnh cải canh xanh biếc, hoa so đũa trắng ngà, cải bắp tím biếc điểm xuyết bằng những bông thiên lý xanh trắng li ti, những chùm hoa hẹ điểm xuyết càng làm cho đĩa rau thêm rực rỡ sắc màu tươi ngon, vô cùng hấp dẫn.
Cùng với đĩa rau tổng hợp, một đĩa nhỏ cá lăng được xắt khúc để tạo thêm vị đậm đà khi cho vào nồi nước dùng nhúng vừa chập chín, cho vào bát, chùng một ít rau vừa chín tái phủ lên trên, tưới một ít nước dùng và thêm một ít bún, ta đã có một bát lẩu ấm nóng của nước dùng, ngọt thơm thịt cá lăng, đăng đắng của hoa điên điển, bùi bùi so đũa, sần sật rau nhút, mềm lưỡi kèo nèo, cay cay của ớt,… Lẩu bông Miền Tây chính là thứ lưu luyến khách phương xa ghé qua vùng miệt vườn sông nước.
Lẩu tôm càng xanh - “Dấu son” của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long
Lẩu tôm càng xanh với những con tôm vừa ăn, con nào cũng săn chắc thịt và có gạch khi ăn nhúng kèm với nước lẩu chua cay sẽ mang đến hương vị ngọt thanh và dai nhẹ làm xao lòng biết bao thực khách. Sẽ không gì sánh bằng khi được thưởng thức thịt tôm tươi ngon, giòn sần sật, mềm ngọt mà vẫn có độ dai dai. Đặc biệt, các loại rau nhúng tươi xanh khi ăn giòn tan đi cùng với nước lẩu đậm đà khiến những ai đã thưởng thức qua một lần sẽ không thể nào quên.
Những con tôm càng xanh tươi sống, vừa ăn, đặc biệt là con nào cũng có gạch son trong đầu từ “vựa lúa” đồng bằng sông Cửu Long, do đó, thịt tôm của món lẩu này sẽ có được hương vị thơm đậm đà phù sa của vùng nước lợ, xứng đáng là một trong những loại tôm đứng đầu bảng dành cho thực khách sành ăn.
Lẩu mắm - Món ngon nhất trong hàng trăm đặc sản Nam Bộ
Có thể coi lẩu mắm là món ăn không thể thiếu của người miền Tây trong đời sống thường nhật. Nguyên liệu làm lẩu mắm rất đa dạng gồm cá, cua, tôm, mực, thịt bò và các loại rau. Đặc trưng của món lẩu này là hương vị mắm chưng đậm đà, được nấu từ cá sặc, cá linh, cá trèn dùng để nấu nước lẩu.
Muốn có một nồi lẩu mắm ngon thì nguyên liệu chính phải được làm từ mắm cá linh ở xứ Châu Đốc - An Giang. Có thể nấu mắm cùng nước dừa tươi hoặc nước hầm xương heo. Rau ăn kèm của lẩu mắm rất thú vị nhé, từ màu sắc đến hương vị, tưởng chừng như chưa từng thấy bao giờ hoặc lại giống như một loài hoa nhưng khi ăn thì lại ngon đến lạ. Đây được coi là món ngon nhất trong hàng trăm đặc sản Nam Bộ.
Không vô được tận Sài Gòn, bạn vẫn có thể tìm đến một số địa chỉ ăn lẩu Miền Tây ngon ở Hà Nội như:
Món Ngon Sài Thành.
59A Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.
8 Dã Tượng, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Hotline: 090 222 3626).
Quán Ăn Ngon
18 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
25T2 Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội
34 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội
B2 R6 Vincom Royal City, 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân,
(Hotline: 0903 246 963)Ngon Phố. Tầng 3, AEON Mall Long Biên (Hotline: 090 222 7475).