Mâm cơm cúng
Mâm cơm tất niên mỗi vùng miền đểu thể hiện nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực vùng miền đó. Với đặc trưng có thời tiết nắng nóng, người miền Nam thường ưu tiên những món nguội để làm mâm cơm tất niên, thông thường sẽ gồm: Bánh tét, củ cải ngâm, canh khổ qua dồn thịt, thịt heo luộc, gỏi tôm thịt, chả giò, dưa giá, củ kiệu.
Mâm cơm cúng tất niên sẽ được chuẩn bị tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cụ thể của từng gia đình. Do vậy, bạn có thể căn cứ vào các món gợi ý bên trên mà thêm vào hoặc bớt ra sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thay thế mâm cơm cúng mặn bằng mâm cơm chay với những món tương ứng, phù hợp cho dịp cúng cuối năm.
Mâm ngũ quả
Với người miền Nam, mâm ngũ quả cúng tất niên bắt buộc phải có 4 loại quả gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài. Theo quan niệm của người địa phương, những loại quả này sẽ mang ý nghĩa “Cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài (xoài)”, mang lại một năm mới sung túc, viên mãn.
Ngoài ra, người miền Nam còn bày thêm dưa hấu hay thanh long lên mâm cỗ, nhưng tuyệt đối không chọn chuối, cam hay lê như người miền Bắc.
Cách bày mâm cúng tất niên miền Nam
Khi cúng tất niên, người miền Nam thường sẽ chia làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng trời, đất ở khoảng sân trước nhà. Mỗi mâm cỗ cũng được chuẩn bị tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, sao cho thể hiện được lòng thành với tổ tiên, thần linh.
Tùy vào quan niệm của mỗi gia đình mà cách sắp xếp và trang trí bàn thờ sẽ có sự khác nhau, song vẫn phải luôn thật trang nghiêm, ấm cúng. Lễ vật cúng tất niên cơ bản cần có đầy đủ hương, đèn, mâm ngũ quả, hoa tươi, giấy tiền, vàng mã, trầu cau, trà, rượu, bánh chưng,... Trong đó, mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền sẽ được đặt trên bàn thờ trong suốt ba ngày Tết, còn mâm cỗ mặn được đặt ở bàn thờ phụ và sau khi cúng có thể được dọn xuống.