Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ăn ngon - chơi đã

Hà Nội - Sài Gòn: Sự khác biệt từ cung cách phục vụ đến lối thưởng thức ẩm thực

Hà Nội là một thành phố lưu giữ rất nhiều nét cổ kính, và song song đó là sự khác biệt về văn hóa rất đặc trưng mà không phải ai cũng biết!

Vào một tuần trong tháng 10, với cơ hội săn được vé giá rẻ, tôi đã bay ngay tới Hà Nội - miền đất với những nét văn hóa cổ kính được lưu giữ cũng như những sự khác biệt văn hóa được thể hiện rõ trong cuộc sống.

Về văn hóa ẩm thực

Phở

Đã ra tới Hà Nội thì phải đi thử ngay 1 “bát phở” , với sự khác biệt rõ nét từ nước dùng trong (đa phần từ xương bò) thay vì đục đục như miền Nam (xương gà, mực, xương bò…) cho đến độ ngọt của nước dùng ở Bắc từ xương thì ở miền Nam là từ xương và một chút đường.

Tô phở Hà Nội với nước ngọt và thanh từ xương bò cùng sự thể hiện đơn giản.

Tô phở miền Nam thể hiện sự hào sảng của người miền Nam với nhiều loại rau và thịt cùng nước dùng ngọt từ các loại xương và đường.

Đĩa rau đặc trưng của phở miền Nam: húng quế, ngò rí, giá….

Ngoài ra, ở Bắc, họ không hề ăn thêm tiết cùng phở. Có chăng, họ chỉ chọn thêm cho mình một chén trứng gà nếu thích. Đặc biệt hơn, người miền Nam có thể nguấy tan trứng gà vào bát phở để dùng kèm, nhưng người Bắc sẽ không “chấp nhận” kiểu ăn này, vì họ cho là làm như vậy sẽ mất đi giá trị của bát phở thật sự. Có thể nói, đó là một sự khác biệt cực kì đặc trưng so với miền Nam, nơi mà “chén tiết hột gà” hay cái cách ăn cho trứng hoà tan vào nước dùng (tuỳ sở thích thực khách) đã trở nên phổ biến tại mọi hàng phở.

Cùng chén tiết hột gà không lẫn đi đâu được của phở miền Nam

“Phụ tùng” ăn kèm phở cũng thể hiện sự khác biệt văn hóa rõ rệt với việc tại xứ Bắc, một bát phở thường được mang ra cùng 1 đĩa nhỏ với chanh và ớt, kèm theo đó là chai tương ớt trên bàn. Trong khi đó ở miền Nam, món phở của chúng ta luôn có tương đen và tương ớt song hành cùng với một rổ rau: húng quế, ngò gai, giá…..

Các loại bún

Có thể nói nếu Sài Gòn là nơi tập trung những nét văn hóa đặc trưng của nhiều nơi thì Hà Nội lại là nơi lưu giữ những bản sắc ẩm thực của người Việt. Với thói quen từ xa xưa, bạn có thể thấy ở Hà Nội có rất nhiều hàng bún: bún thang, bún chả, bún đậu, bún ngang, bún cá…. thay vì là những hàng cơm như Sài Gòn.

Bún cá thơm ngon với những miếng thịt cá tươi ngọt.

Bún ốc với nước dùng thanh ngon kèm thịt ốc tươi ăn là ghiền

Bún riêu với nước dùng chua thanh, 1 muỗng nước dùng kèm chút bún và thịt luôn làm nức lòng người ăn

Và tất nhiên, về nêm nếm trong từng món ăn cũng có sự khác biệt nhất định khi mà ở Hà Nội các món ăn được nêm theo vị thanh, ngọt nhẹ nhàng, với những ai từ miền Nam hay miền Tây thì sẽ thấy khá nhạt so với khẩu vị.

Tuy nhiên, nhờ phương thức nấu này mà hoàn toàn giữ được vị ngon tự nhiên của từng nguyên liệu như cái ngọt của thịt cá, đậm đà của nước dùng hay chỉ đơn giản là một muỗng nước dùng của hàng bún riêu được nấu bằng giấm bỗng nên vị chua rất nhẹ nhàng nhưng vẫn lưu vị về lâu.

Một sự đặc trưng khác có thể kể đến là ngoài Hà Nội, việc sử dụng mì chính (bột ngọt) thay cho bột nêm hay đường là gần như khá phổ biến so với miền Nam. Nếu không quen dùng bột ngọt, bạn cần phải có một lời nhắc trước với cô bán hàng để cô ấy không nêm quá nhiều vào phần ăn của bạn.

Xôi và ốc

Ngoài ra, nói đến Hà Nội phải nói đến những thứ đã làm nên tên tuổi trong bản đồ ẩm thực. Ví dụ như xôi xéo với hương vị đặc trưng của những món ăn kèm luôn làm mềm lòng bất kì ai nếm thử với cái bùi bùi của gạo nếp và đỗ xanh, mùi thơm nồng nàn của từng miếng thịt ăn kèm, và như một mũi tên bắn thẳng vào vị giác là sự đậm đà, thơm ngon của thịt, gan trong từng muỗng pate!

Thay vào đó, Sài Gòn lại có vô số kiểu xôi như: xôi bò trùm mền, xôi gà, xôi phá lấu, xôi nếp than, nếp cẩm,….

Xôi xéo - một trong những nét ẩm thực đặc trưng của Hà Nội

Xôi xá xíu chợ Bà Chiểu Sài Gòn

Xôi cade huyền thoại bán vài tiếng là hết veo tại quận 5

Hộp xôi gà đầy ụ đồ ăn đặc trưng cho sự hào sảng của người miền Nam

Những bát ốc nóng hổi vào đêm tối lạnh là một trải nghiệm đáng nhớ!

Song song đó nếu nói về Ốc thì không một nơi nào trên Việt Nam có thể vượt được Sài Gòn về độ tiêu thụ món này, với đa dạng từ loại ốc cho đến cách chế biến: ốc hương, ốc móng tay, ốc mặt trăng, ốc ngựa,… Tất cả được chọn lựa để chế biến phù hợp và hấp dẫn như: rang tỏi ớt, rang trứng muối, xào me, xào bơ, xào mì,…

Sò huyết cháy tỏi - một cách chế biến của Sài Gòn trong “ẩm thực ốc”

Ốc bưu nướng tiêu đặc trưng của miền Tây

Hàu và các biến thể như biểu tượng cho văn hóa ẩm thực Sài Thành

Với những ai là người mê ốc, bạn nên thử ăn món này tại Hà Nội. Không quá cầu kì trong cách chế biến như miền Nam, ốc Hà Nội chỉ đơn giản là những bát ốc luộc và chấm với một chén nước chấm gồm nước mắm đi kèm chút xả và lá chanh.

So với món ốc Sài Gòn, Hà Nội không đậm đà về mùi vị mà thiên về nhạt và thanh. Bạn nào thích đậm đà nên xác định về tâm lý “hụt hẫng” trước khi đặt chân ra Hà Nội.

Văn hóa giao tiếp và đời sống

Bún mắng, cháo chửi và chặt chém 

Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến các hàng quán “bún mắng , cháo chửi” - một nét văn hóa mà có lẽ chỉ đại đa số người Hà Nội là… có thể chịu được. Với việc khi đến ăn phải nghe chủ quán mắng, hay thậm chí là chửi thậm tệ nhưng vẫn ngồi thưởng thức đồ ăn ngon lành thì những người nơi khác tới lại thấy đây như một sự “nhịn nhục” để có được cái ăn, khi mà mình là khách đến thưởng thức trả tiền mà còn phải “chịu đựng” sự đối đãi không mấy thiện cảm.

Người Hà Nội vẫn có đó sự hiếu khách và thân thiện bên cạnh những hàng ăn nổi tiếng về độ “chửi khách”

Ngoài ra, sự kì thị vẫn tồn tại ở một số hàng quán khi mà chỉ cần nghe giọng của người xứ khác (đặc biệt là miền Nam) họ sẽ không tiếc tay “chặt chém” giá trên trời cho những khách hàng không may mắn này. Thậm chí, ở một số nơi còn xảy ra tình trạng lôi kéo khách thô lỗ vào sử dụng dịch vụ. Ngược lại hẳn với miền Nam khi mỗi khách hàng là thượng đế với người bán, bởi nếu dịch vụ không tốt, chắc chắn hàng quán đó sẽ không thể tồn tại được nữa.

Để nói về sự khác biệt giữa hai miền có lẽ sẽ phải viết thành cả một quyển sách, bởi miền nào cũng có cái hay riêng về văn hoá cũng như ẩm thực của mình. Nếu người Hà Nội vốn coi trọng văn hoá và có phần “kiểu cách” mà vẫn chấp nhận chịu “chửi” để thưởng thức trọn vẹn món ngon mình yêu thích, thì người Sài Gòn dù nổi tiếng phóng khoáng, dễ tính lại rất khắt khe trong dịch vụ ăn uống cũng như cung cách phục vụ khách hàng. Tựu chung lại, người Việt Nam ở mỗi nơi đều chọn riêng cho mình cách trải nghiệm ẩm thực sao cho đầy đủ, hài lòng nhất; dù đôi khi sự khác biệt văn hoá cũng đem đến không ít bất ngờ và “sốc” cho những người khác xứ ghé thăm.

Bài viết được viết dựa trên sự trải nghiệm của tác giả về Hà Nội trong 1 tuần du lịch.

Một số ảnh được lấy từ Internet

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết MINH.VO

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố