Suốt 20 năm qua, ngày nóng cũng như khi lạnh, hàng bánh đúc ở cuối con phố Minh Khai luôn tấp nập người ra, kẻ vào và tấm biển “hết bánh” vẫn thường xuyên được dùng đến. Giá rẻ, chỉ 7.000 đồng là có bát bánh ngon, ngọt… có lẽ chính là lý do nhiều thực khách tìm về đây.
Sâu ở ngõ hẻm hoặc ẩn mình trong những khu tập thể cũ kĩ, có những hàng quán nhìn bên ngoài thì hết sức tuềnh toàng nhưng sức sống lại rất bền bỉ. Trải qua 20-30 năm, các quán ăn như thế vẫn luôn đông khách và gây dựng được tiếng tăm riêng, dù đường đi đến đó đôi lúc ngoằn ngoèo, không phải ai cũng biết. Quán bánh đúc nằm ở đầu ngõ 296 Minh Khai, vẫn tồn tại gánh hàng có tuổi đời hơn 2 thập kỷ, giá rẻ giật mình mà ngon không gì tả nổi.
Quán nhỏ ngõ nhỏ, chỉ bán từ 4h chiều đến tầm 6h là dọn. Nếu không kịp tới ăn thì đành ngậm ngùi chờ mai quay lại, nhưng có khi quay lại cũng không có bánh đúc để ăn, vì khách tới quán rất đông, chỉ một loáng là không còn gì để bán.
Chủ gánh bánh đúc huyền thoại ấy là cô Hạnh, 53 tuổi, một người phụ nữ khéo tay chính gốc làng Mai Động.
Gánh bánh đúc nóng của cô khá gọn, một bên là nồi bột bánh dẻo thơm bằng gang to đùng, trên phủ bao lót vải để ủ ấm, một bên đựng các loại nguyên liệu, nước mắm, rau thơm, bánh nếp, bát, thìa, giấy ăn… Lủng lẳng bên cạnh là mấy chồng ghế con cho khách ngồi.
Bánh đúc của cô Hạnh làm thì rất đặc biệt, ăn ngày nóng hay lạnh cũng ít bị ngán. Lý do là nước dùng ở đây rất vừa ăn, không nặng nề vị mì chính hay đường mà dậy lên vị ngọt từ xương, thịt. Miếng bột bánh dẻo mịn và rất dai, thơm mùi gạo, khi ăn cùng với nhân thịt băm xào mộc nhĩ, rau mùi, hành khô, bỗng gợi lên hương vị rất riêng biệt.
Món bánh đúc giản đơn ấy đã làm say lòng bao thế hệ người dân Hà Nội, nhất là quanh khu Minh Khai, Hai Bà Trưng, rất nhiều người biết tiếng quán cô Hạnh, chỉ thích tới đây ăn vì ngon lạ lùng, ngon đến mức phát “nghiện”. Ngoài bánh đúc, cô Hạnh còn bán cả chè đỗ đen nóng và bánh nếp, tất cả đồng giá 5.000 đồng, cứ như thời bao cấp vậy, 2 thập kỷ qua chẳng đổi thay tí nào. Vốn là người làng ở đây, cô Hạnh được thừa hưởng bí quyết làm bánh và gánh hàng do mẹ chồng để lại.
Khách đến thường ấn tượng bởi phong cách bán hàng rất giống ở những khu chợ thời xưa: Đôi quang gánh đã cũ, chiếc nồi gang đựng bánh đặt gọn gàng trong chiếc thúng to, ủ ấm xung quanh bằng những thớ vải vụn lèn chặt. Có khách, bà chủ chỉ mở hé nồi bánh đang nghi ngút khói, múc bánh thật nhanh rồi đậy ngay vào cho ấm.
Bánh đúc nóng cảm giác loãng hơn bánh đúc nguội. Thớ bánh tuy lỏng nhưng vẫn kết dính với nhau. Khi xắn, cảm xác đưa thìa vào thấy hơi dai mà vẫn mềm, dễ chịu. Kết cấu này khiến nước mắm chan vào không làm loãng và vừa bánh. Nó cũng tạo so sánh khi múc thìa bánh lẫn cả thịt xào mộc nhĩ, hành phi và rau mùi. Bánh dẻo mềm, ngấm mắm mặn ngọt, thịt săn và thơm, rau mùi làm tất cả như tươi thêm. Đó cũng là hương vị riêng của quán bánh đúc nhà cô Hạnh mà không lẫn vào đâu được.
Một điều đặc biệt nữa mà quán bánh đúc của cô hấp dẫn thực khách đó là sự niềm nở, chân thành của người bán. Người phụ nữ ấy có nụ cười thật hiền hòa. Đông khách là thế, luôn tay luôn chân, mà cô không hề cáu gắt khó chịu, ngồi sau cả đống hàng hoá nồi niêu, mồ hôi đọng thành hạt, cô vẫn tươi cười chào mời khách, ai hỏi gì cũng nhiệt tình đối đáp hết lời.
Bảo sao, khách đến quán từ già tới trẻ ai cũng quý cũng yêu, khắp Hà Nội có cả trăm hàng bánh đúc nóng, nhưng họ vẫn thích lặn lội qua những con phố chật hẹp ùn tắc để tới bằng được hàng cô Hạnh, ăn một bát bánh rồi về.
Phố xá có đổi thay, nhà hàng quán ăn hiện đại mọc lên như nấm, thì người ta vẫn thích tìm về với hương vị truyền thống, bởi trong mỗi bát bánh, không chỉ là thức ăn ngon, nó còn là cả tâm huyết, sáng tạo, và tấm lòng của người làm ra.