Nếu như nhắc tới những nơi xa xôi ít người lui tới, bạn có thể nghĩ ngay tới bãi cát trắng bên biển Tahitian, hay một nơi nào đó thuộc vùng Caribbean. Nhưng ít người biết rằng, có một nơi tồn tại trên trái đất này, được coi là “cô đơn và hẻo lánh nhất”. Bouvet là một nơi như thế. Nó nằm ở giữa của Nam Phi và Nam Cực.
Đảo Bouvet trước đây có tên gọi là đảo Liverpool hay Lindsay, là hòn đảo núi lửa ở cận Nam Cực, về phía đông nam mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Bouvet là khu vực tự trị của Na Uy và không dính dáng tới Hiệp ước châu Nam Cực, vì nó nằm về phía bắc của vĩ độ giới hạn vùng hiệp ước.
Đây là hòn đảo nơi xa xôi nhất thế giới, cũng cô đơn nhất vì không có người sinh sống. Với diện tích 49 km2, tới 93% diện tích nơi này bao phủ bởi những dòng sông băng ngăn cách bờ biển phía nam và phía đông.
Khu dân cư gần nhất với Bouvet là đảo Tristan da Cunha. Nơi này có cư dân rất thưa thớt, chỉ 271 người. Trong khi đó, khoảng cách từ Bouvet tới Tristan da Cunha lên đến 1404 dặm (hơn 2200km). Điều này càng cho thấy Bouvet “cô đơn” đến mức nào.
Điều kiện tự nhiên trên đảo Bouvet rất khắc nghiệt, địa thế băng bao phủ và tập trung nhiều núi lửa. Thực vật chỉ giới hạn là rêu và địa y. Trong khi đó, hải cẩu, hải âu và chim cánh cụt là những cư dân duy nhất trên đảo. Bởi vậy, con người không hề sinh sống ở Bouvet.
Để đến được hòn đảo cô đơn là cả hành trình dài đầy khó khăn. Không dễ dàng tiếp cận Bouvet khi xung quanh nó là những tảng băng khổng lồ vây quanh. Để tới đây dễ dàng nhất, người ta chỉ có thể dùng máy bay trực thăng. Chính bởi địa hình hiểm trở, vị trí xa xôi và điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, nơi này hiếm khi đón khách tới tham quan, mà chỉ sử dụng với mục đích nghiên cứu.
Đến thời điểm này, rất ít người từng đặt chân tới đảo. Năm 1964, người ta phát hiện thấy xác một con thuyền bỏ rơi bên đảo. Tuy nhiên không ai biết chủ nhân của con thuyền là ai, và tung tích của họ ra sao, còn sống hay đã chết.
Dù không có người ở nhưng đảo Bouvet vẫn có tên miền quốc gia cao cấp nhất dù nó không được dùng.