Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tiền thân là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên cơ sở kế thừa từ Bảo tàng Louis Finot. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam. Nơi đây còn gìn giữ các hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, những kiệt tác của các nền văn hóa nổi tiếng như Văn hóa Đông Sơn, Điêu khắc đá Chăm Pa... Ngoài ra, bảo tàng này cũng sở hữu hơn 80.000 tài liệu, hiện vật quý về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Hiện bảo tàng có hai địa chỉ. Cơ sở 1: Số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trưng bày hiện vật thời tiền sử đến hết triều Nguyễn năm 1945.
Cơ sở 2: Số 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây tập trung từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay. Hiện nay cơ sở 2 đang tu sửa nên chỉ đón khách tham quan tại cơ sở 1 ở Tràng Tiền.
Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày thứ Hai đầu tuần. Buổi sáng: Từ 8h00 đến 12h00. Buổi chiều: Từ 1h30 đến 5h00. Giá vé người lớn 40.000đ/người.
Chủ nhân bộ ảnh là chị Đài Trang chia sẻ: "Học tập và sinh sống tại Hà Nội cũng gần một thập kỷ, vậy mà mỗi khi có ai đó hỏi: Hà Nội có gì chơi nhỉ? Mình lại ngơ ngác, ậm ừ rồi kể tạm vài cái tên thật phổ biến mà bất cứ ai dù chưa từng đặt chân tới Thủ đô hẳn cũng hơn một lần nghe tới: nào Hồ Gươm; Lăng Bác; Văn Miếu hay chợ Đồng Xuân… Những người trẻ thì chắc ghim thêm trong đầu dăm ba quán cafe đèm đẹp, vài địa điểm ăn uống ngon ngon rồi tha hồ sống ảo. Dẫu biết rằng tình yêu với một vùng đất đôi khi chỉ cần là vài ba nỗi nhớ được lặp lại theo mùa, theo mùi, theo tuần tự tháng năm. Song sẽ thật có lỗi với Hà Nội khi mỗi ngày vẫn được nương náu, cậy nhờ, và lớn lên từ nơi đây mà chẳng thể hiểu thêm một chút về chàng thi sĩ hơn ngàn năm tuổi đời.
Và rồi, chúng mình quyết định sẽ có những chuyến đi. Không xa xôi, không tốn kém. Những chuyến đi thật gần mà thật sâu để thêm yêu, thêm hiểu, thêm gắn bó và tự hào về thành phố - trái tim hồng của Tổ quốc.
Ấn tượng đầu tiên khi tới đây là bảo tàng vô cùng rộng, một màu vàng đặc trưng bao phủ tất cả các bức tường, ngỡ như đang ở một ngôi chùa nào đó. Tuy nhiên khu vực triển lãm chỉ ở 1 toà nhà, còn lại là khu vực hành chính. Bọn ình cứ rít ríu và há hốc mồm nhìn nhau khi tận mắt qua từng gian trưng bày. Một thứ cảm giác thiêng liêng và ngưỡng mộ vô cùng khi được chiêm ngưỡng từng kỉ vật còn sót lại đang được nâng niu và gìn giữ. Các hiện vật đều rất đa dạng, phong phú, thấm đẫm bóng hình của cha ông, văn hoá dân tộc và tình yêu quê hương xứ sở".
Chị cho rằng, kiến trúc pha trộn Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc nhưng rất nhuần nhuyễn, toát lên một phong cách châu Á thuần nhất. Các anh lính gác cổng rất nhiệt tình, chỉ cho bọn mình chỗ kia có cây gạo, chỗ này có cây đào trắng đào hồng vẫn xum xuê khoe sắc…
Chỉ duy nhất một điểm khiến chị bất tiện. Đó là mỗi hiện vật đều được đánh số để quét mã QR tìm hiểu thêm thông tin. Nhưng hình như đường link không được cập nhật nên không thể truy cập được.
"Khi các quán cafe, các trung tâm mua sắm, các toà nhà cao tầng hay các địa điểm check in sống ảo vẫn thu hút giới trẻ hơn hẳn, chúng vẫn mọc lên rồi lặn xuống theo thời cuộc của kinh tế thị trường, thì các di tích lịch sử vẫn hiên ngang với tháng năm. Chúng vẫn lặng lẽ và bao dung đứng nhìn từng lớp con cháu trưởng thành và một ngày nào đó biết tìm về cội nguồn", chị nói.
Chị mong rằng mọi người sẽ biết và tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam qua chuyến đi bảo tàng.