Chuyến bay dài 4 tiếng, ẩn sau màn mây, những ngọn núi bắt đầu hiện ra. Tôi bắt đầu say mê từ cái nhìn liếc qua cửa sổ máy bay, chờ đợi sự kỳ diệu xuất hiện phía sau những dãy núi.
Có một cuộc sống đơn giản và một năng lượng thiêng liêng bao bọc không khí, nơi mà dãy núi Hy Mã Lạp Sơn với những con sông hùng vĩ chảy qua, những pháo đài cổ xưa, những kiến trúc phật giáo, với những con người hạnh phúc.
Tôi không dám gọi Bhutan là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Hạnh phúc tuỳ theo quan điểm, lòng tin, kỳ vọng xã hội và địa lý. Bạn có thể nói một quốc gia mà GDP cao và mức độ bất bình đẳng thấp, phúc lợi xã hội tốt, tuổi thọ cao , tự do quyết định cuộc sống, tỉ lệ tham nhũng thấp hơn, người dân hào phóng hơn… là một lý tưởng cho hạnh phúc.
Còn với Bhutan đo hạnh phúc bằng “kích thước của trái tim”. Với người dân nơi đây, hạnh phúc là sự giác ngộ trong tâm hồn, không nằm ở những “thỏa mãn” về vật chất. Hạnh phúc ở Bhutan giống như 1 căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan trong không khí, nụ cười và những lời cầu nguyện. Để bị “nhiễm bệnh”, hãy đến đây và bao quanh mình bởi những con người hạnh phúc.
Máy bay với 122 hành khách chuẩn bị đáp xuống Paro, Bhutan. Đây được mệnh danh là sân bay chỉ dành cho những phi công lão luyện nhất (hiện tại chỉ có 8 phi công đủ tiêu chuẩn cho máy bay hạ cánh ở đây).
Sân bay này nằm trong một thung lũng dốc bên bờ một con sông, với độ cao 5500 m và bao quanh là các đỉnh núi, có các luồng gió nghịch, việc hạ cánh xuống sân bay này là một thách thức cho các phi công đáp xuống trên một đường băng hẹp, dài 6.500 bộ. Máy bay chỉ được phép cất cánh và bay ban ngày vì chuyến bay đêm đã bị coi là quá nguy hiểm.
Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới đo lường sự tiến bộ của mình thông qua chỉ số hạnh phúc (Gross National Happiness) chứ không phải là tổng sản phẩm quốc gia.
Đèn bơ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Bhutan và hầu hết mọi người bắt đầu ngày mới bằng việc thắp đèn.
Quốc phục cho nam giới thì được gọi là “Gho” - một bộ trang phục gồm chiếc áo khoác rộng tay, dài đến gối, buộc thắt ngang hông, bên trong mặc quần, chân mang giày với vớ cao đến gối. Còn quốc phục của nữ giới được gọi là “kira” gồm áo dài tay và váy dài đến gót chân. Trang phục truyền thống của dân tộc này tạo nên tính đồng nhất giữa con người và kiến trúc kiểu Dzong với sự hiện diện của gỗ và những mái nhà dốc, những đường nét trang trí màu đỏ, vàng…
Họ ngồi cười đùa nói chuyện với nhau một cách nhẹ nhàng giữa buổi trưa, tiết trời mùa đông làm cái nắng dễ chịu hơn bao giờ hết.
Bảo tàng quốc gia Bhutan. Có thể nhìn những dãy núi và cánh rừng ở bất cứ đâu !
Jomolhari, đỉnh núi cao thứ 2 ở Bhutan thuộc dãy Himalaya (7,326 m).
Hai bà cháu đi cầu nguyện ở tu viện. Họ ngắm nhìn thích thú và cười với những vị khách xa xôi. Sự trải nghiệm đến từ 2 phía, không chỉ từ những khách du lịch.
Một nơi linh thiêng bậc nhất ở Bhutan là Taktsang Palphug (còn gọi là Tiger's Nest). Đối với người dân Bhutan, Tiger's Nest là nơi họ phải cố gắng đến đây ít nhất một lần trong đời.
Cờ Lungta nghĩa là Ngựa gió vì thế còn được gọi là cờ phong mã. Ngựa gió giống như người vận chuyển vậy đó, vừa mang những lời cầu nguyện lên trời, mà còn mang những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.
Cổng trời Dochula (cao 3150m) với góc nhìn toàn cảnh của dãy Hymalayas. Dochula được trang trí với 108 ngồi đền tưởng niệm Druk Wangel Chroten, xây dựng để kỷ niệm sự ổn định và phát triển, đã mang tới cho Bhutan do nhà Vua Jigme Singye Wangchuck, vị vua đời thứ tư.
Khoảnh khắc ấm áp trước một tu viện, vị sư trẻ này đang xoa đầu và trò chuyện với một chú chó hoang. Bhutan là nơi an lành cho những chú chó lang thang.
Pháo đài Punakha - cái tên có nghĩa là “Cung điện của niềm hạnh phúc lớn”. Pháo đài này đứng đó nguy nga trong vùng đất nới mà hai con sông (Sông Pho và Sông Mo) gặp nhau.
Với người dân nơi đây, hạnh phúc là sự giác ngộ trong tâm hồn, không nằm ở những “thỏa mãn” về vật chất. Và có lẽ cũng vì vậy, tỉ lệ phạm tội ở Bhutan luôn nằm ở nhóm thấp nhất thế giới.
Ảnh: Nhị Đặng