Kỳ công trong từng khâu chuẩn bị
Với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời, từ những ngày xa xưa, bánh cuốn đã gắn liền với cuộc sống của người dân từ những nguyên liệu tự sản xuất là bột gạo thơm ngon và phần nhân dễ làm. Phần gạo phải là loại chất lượng, bột gạo tẻ mới thơm và trắng phau, được ngâm trong nhiều giờ liền rồi vo kỹ, sau đó là xay bột thật nhuyễn, tốn rất nhiều thời gian để có được phần bột đúng chuẩn, không chút gợn.
Dù đi qua nhiều vùng miền nhưng kiểu tráng bánh cuốn thì chỉ có một mà thôi, phải luyện tập nhiều mới có thể làm ra được phần vỏ mỏng tang mà nhấc ra không bị rách đôi ba chỗ. Món ăn được biết đến như một đặc sản từ phương Bắc, nơi mà những cái tên gắn liền với bánh cuốn như Phủ Lý hay Thanh Trì đã phần nào giúp lan truyền món ăn ra khắp trên mọi miền đất nước.
Bánh cuốn thịt nướng Phủ Lý
Không ai là không biết đến bánh cuốn Phủ Lý, nơi đã thu hút biết bao khách du lịch ghé lại để thưởng thức món ăn trứ danh này, thử xem vì sao lại nổi tiếng đến như vậy. Bánh cuốn ở đây đặc biệt ở chỗ là không có nhân. Sau khi tráng, bánh được gấp gọn và xếp lên thành một mâm lớn. Khi khách có nhu cầu thưởng thức họ mới bóc từng thớ bánh ra và bày lên đĩa riêng.
Chính vì vậy mà bánh cuốn Phủ Lý có phần cứng và dày hơn bánh cuốn ở những nơi khác. Ăn kèm với nước chấm và hành phi vàng ươm trên mặt bánh. Hơn nữa, bánh cuốn ở đây sẽ ăn kèm với thịt nướng, hay còn gọi là chả nướng, chứ không ăn kèm cũng các loại giò. Thịt nướng được nêm nếm vừa ăn, tỉ lệ nạc và mỡ vừa phải, thơm mùi than nướng, ăn vào sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng mộc mạc này.
Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là một trong những cái tên thân thuốc luôn được nhắc đến mỗi khi người ta nghĩ về bánh cuốn. Người dân làng Thanh Trì cũng không giấu được niềm tự hào về thức quà đã lay động bao nhiêu lòng người này. Bột gạo phải là bột gạo ngon và chất lượng được xay nhuyễn kỹ càng thì bánh mới láng bóng, óng ả, không chút gợn.
Bánh cuốn nóng nhân thịt phổ biến khắp mọi vùng miền
Phổ biến nhất mà chúng ta hãy dễ dàng bắt gặp là bánh cuốn nóng nhân thịt, từ Bắc chí Nam, vùng miền nào cũng có. Bánh cuốn nóng nhân thịt cũng được cho rằng bắt nguồn từ bánh cuốn Thanh Trì mà ra. Không cao sang, cầu kì, sự bình dị, tự nhiên ấy đã đi vào cuộc sống của người dân như một lẽ thường tình. Đi đến đâu lại khiến người ta nhớ thương đến đó.
Ở Huế, bánh cuốn được ăn kèm thịt nướng vàng ươm, chấm cùng thứ nước lèo béo sóng sánh, mà người ta hay gọi là bánh ướt thịt nướng. Ngoài ra còn có cả bánh ướt tôm chấy với phần bánh cũng làm từ bột gạo, tráng mỏng dính, rắc ít bột tôm và cuộn lại. Bánh ướt thực chất cũng giống bánh cuốn về phần vỏ đặc trưng, cách kết hợp rất phong phú và đa dạng, tạo nên tính độc đáo riêng biệt.
Không thể thiếu phần tinh hoa nhất của đĩa bánh cuốn - nước chấm
Bánh cuốn ngon còn phải kể đến phần nước chấm được pha vô cùng hài hòa. Nước mắm, chanh, đường được hòa quyện ở một tỉ lệ nhất định, điểm thêm vài miếng ớt, mỗi nơi lại có một bí quyết riêng để khiến phần nước chấm trở thành điểm chính níu chân mọi thực khách. Dù bánh cuốn thịt nướng hay bánh cuốn nhân thịt và nấm thì đều cần có nước chấm ăn kèm. Thứ nước chấm không quá mặn, cũng không quá ngọt hòa cùng vị thơm ngon của bánh khiến món ăn thêm phần đậm đà hơn rất nhiều.
Ngoài những loại bánh cuốn kể trên, đến với từng vùng miền lại có một biến thể khác nhau, chẳng hạn như Lạng Sơn với món bánh cuốn trứng nổi tiếng gồm trứng gà và thịt nạc được chà nhuyễn từng sợi rất bông, dùng cùng nước chấm là nước thịt hầm nêm thêm nhiều gia vị đậm đà. Dù ở bất kì vùng miền nào, ăn sáng hay ăn tối, dùng nóng hay dùng nguội thì cũng không ai có thể phủ nhận được sự hiện diện của món ăn này trong đời sống hằng ngày. Màu trắng của phần vỏ, sắc nâu của nhân thịt đậm đà, màu vàng từ hành phi, màu xanh từ các loại rau ăn kèm, thêm màu hổ phách của phần nước chấm, chỉ vậy thôi mà đã khiến bao nhiêu người phải lưu luyến, nhớ mãi cái hương vị giản dị, quen thuộc đó.