Yên Tử (Quảng Ninh):
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 130km, khu di tích Yên Tử thuộc địa phận thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Từ chân núi Yên Tử, du khách sẽ bắt đầu lộ trình hành hương các điểm suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, tượng đá An Kỳ Sinh và chùa Đồng. Hiện nay, Yên Tử đã có hệ thống cáp treo để rút ngắn quãng đường leo núi khoảng 6km với giá vé khứ hồi 2 chặng là 280.000 đồng/người lớn và 200.000 đồng/trẻ em.
Là nơi khởi phát của dòng thiền Trúc Lâm - do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13, Yên Tử ngày càng thu hút khách phương xa tìm đến để cầu may phúc, tìm hiểu và khám phá về một trung tâm Phật giáo có bề dày lịch sử của nước ta. Theo truyền thống, mùng 10 âm lịch hàng năm lễ hội Yên Tử sẽ được khai mạc.
Chùa Hương (Hà Nội):
Là một quần thể kiến trúc gồm nhiều đền, chùa nằm rải rác quanh dòng suối Yến. Hàng năm, từ ngày mùng 6 tháng Giêng, hàng triệu du khách từ khắp nơi đổ về trẩy hội. Đây được xem là lễ hội lớn và kéo dài nhất Việt Nam.
Lễ hội chùa Hương quy tụ tất cả các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo của người Việt. Vào khoảng thời gian diễn ra lễ hội, hàng trăm thuyền nhỏ đưa đón khách vào ra tạo nên một khung cảnh tuyệt vời giữa non nước hữu tình.
Chùa Bái Đính (Ninh Bình):
Bái Đính là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với khuôn viên lên đến 539 ha. Hiện nay, đây cũng là ngôi chùa giữa nhiều kỷ lục nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả của khu vực châu Á. Trong đó, nổi bật nhất là tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á cao 10m, đặt trên bệ cao 1,5m và nặng hơn 100 tấn.
Bên cạnh đó, chùa Bái Đính còn có hệ thống 500 tượng La Hán bằng đá nguyên khối cao từ 2m - 2,5m, tạo thành hai dãy hành lang ôm toàn khu chùa 250 gian. Giá vé xe điện để đi từ cổng chùa vào phía bên trong nội điện là 30.000 đồng/lượt. Vé tham quan là 50.000 đồng/người. Từ chùa Bái Đính, du khách có thể tiếp tục tham quan khu du thắng Tràng An và khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư.
Đền Trần (Nam Định):
Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thượng (đền Thiên Trường), đền Hạ (đền Cố Trạch) và đền Trùng Hoa. Nhiều năm gần đây, lễ hội khai ấn đền Trần thường có nhiều hình ảnh xấu do một bộ phận du khách hiểu sai về ý nghĩa, gây mất trật tự, hỗn loạn. Thế nhưng, bất luận gì đi chăng nữa, đền Trần đang là điểm đến được người Việt lựa chọn cho chuyến du xuân đầu năm.
Chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM):
Chùa được khởi công từ năm 1964 trên một khuôn viên rộng khoảng 6000m2. Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, mỗi ngày chùa Vĩnh Nghiêm đón một lượng khách lớn đến vãn cảnh chùa, cầu khấn… Đặc biệt, vào các dịp lễ Tết, chùa còn được lựa chọn là điểm chụp hình của nhiều văn nghệ sĩ, những bạn trẻ muốn tìm đến những khung cảnh yên bình, an lạc.
Chùa Giác Lâm (TP HCM):
Chùa Giác Lâm là một di tích lịch sử lâu đời tại TP HCM, được xây dựng từ năm 1744. Trong chùa hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý như 113 pho tượng cổ được làm bằng gỗ, hoặc 7 tượng đồng có giá trị thẩm mỹ cao như: Tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc Bồ Tát, Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng Cửu Long…
Trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo, chùa Giác Lâm vẫn giữ được nét kiến trúc xưa theo kiểu chữ Tam, gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Trước chùa có bảo tháp 7 tầng hình lục giác thờ xá lợi Phật.