Âm Nhạc

Uyên Linh: 'Tết này con hát xa nhà…'

Chia sẻ

Bức thư đầy xúc động quán quân Vietnam Idol gửi cha mẹ được đăng tải trên mạng xã hội trước ngày đi lưu diễn xa khiến nhiều khán giả thích thú.

Đôi dòng trước thềm xuân, con kính dâng lên Cha Mẹ!

Sài Gòn, những ngày cận Tết Bính Thân (năm tuổi của Bố), đâu như 2 tuần nữa… 
Xin phép Bố Mẹ, Tết này mồng một cúng Gia tiên xong con lên đường đi làm xa. 

5 năm qua, chưa Tết nào con vắng nhà. Con cất những lời mời đi hát sang một bên để được gần Bố Mẹ ngày một già. Nhưng Tết Bính Thân này, năm tuổi của Bố, run rủi thế nào con lại đi hẳn ra ngoài biên giới Việt Nam. Khi con bay lơ lửng trên những tầng mây lạnh, ăn món Trung Quốc, uống cafe Mỹ, hẳn là con sẽ nhớ gà luộc và rau củ xào nhà Bố Mẹ biết bao.

Một đồng nghiệp thâm niên của con bảo: Tết, hát xa nhà, ăn mì gói trong khách sạn thì hai hàng nước mắt nhỏ tong tong như cái vòi hỏng van. Cô quạnh và có khi là mệt nhoài. Nghe cũng sợ! Nhưng cái chân con vốn ham đi, cái miệng con ham hát và thịt da con tỏa sáng trong ánh đèn, con đành dấn bước. Con đâu thể ngừng, hay lùi, vì con trót mang cái tên bố mẹ trao. Cuộc đời này, dù sau này con không còn một xu dính túi, con vẫn quyết đèo bồng chữ Nghệ tinh. Thân con, hẳn sẽ lúc vinh lúc nhục, chỉ riêng cái tên nhất định sao cho phải thơm. 

uyen-linh-tet-bao-tin-nhanh-4

10 ngày Tết trên đất phồn vinh, những đèn điện sáng loá, những công trình kiến trúc đồ sộ, những mùi hương, cũng chẳng thể nào làm con bàng hoàng hay ngạc nhiên bằng cảnh nghèo ngày nhỏ. Khách sạn nghìn đô con ngả lưng vài giờ, không nuôi dưỡng tâm hồn con bằng căn nhà sân sau chuồng heo đầy phân, sân trước nước ngập ễnh ương kêu não lòng. Ánh đèn không bao giờ tắt chốn phồn hoa không làm mờ được trong tâm trí con ánh điện ne-on trắng nhờ hút đầy mối mọt bay vào.

Công trình kiến trúc khiến nhân loại trầm trồ, trong tim con không bao giờ gợi niềm xưa bằng chiếc giường đẫm mùi nước tiểu, bởi cũng như chúng bạn, con bị bệnh đái dầm. Những pha ảo thuật trứ danh thế giới cũng không làm trái tim con lộn nhào bằng cảnh nhà nghèo lại vẫn bị trộm lấy mất cái nồi cơm điện, hay lấy mất chiếc cub 81 của Bố. Mùi hương thượng hạng cũng không xoa dịu tâm can con bằng mùi của nồi cám lợn, mùi của giấy vở bút mực trên những xấp bài kiểm tra tập làm văn Mẹ đem về từ trường học, hay là mùi quân phục của Bố được Mẹ ủi phẳng phiu. Những trận bài hồi hộp trong các casino cũng không thể làm con nghẹt thở bằng cái cảnh rết cỡ đại bò vào nhà, hay rắn lục chui vào thay da trong phòng ngủ… 

12366390_944355368947291_646479724892398971_n

Trên tàu bay mười mấy tiếng đằng đẵng đó, mồng một Tết, hẳn con sẽ nhớ vô cùng mùi pháo những năm 89, 90. Đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng vang dội bên những hàng dâm bụt đỏ, quê kiểng! Con sẽ nhớ đêm giao thừa đi lễ chùa cùng mẹ và em, ra về sẽ mua vé số. Trong khi con giết thời giờ bằng những bộ phim quốc tế chọn lọc, có lẽ con sẽ mơ màng về cái tivi đen trắng chiếu Tôn Ngộ Không ngày này tháng nọ… Đến nay, tuổi ta là 30, mà sao con không dứt được ký ức về những ngày con nằm nghe tiếng máy bay trên đầu nhà. Hàng bạch đàn xanh rì, bị đồn có nhiều ma cỏ; con suối nhỏ nơi con hay trốn ngủ trưa đi bắt cá lia thia; cái mương sau lưng nhà rợp dừa và bình bát, thối hoắc, chiều chiều con hay chạy ra đó chỉ để đi tới đi lui trên chiếc cầu ván…

Khoa học nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em dưới 3 tuổi mà biết nói dối, sẽ là đứa thông minh. Con nói dối sớm, quýt Mẹ cúng trên bàn thờ con mò lên ăn vụng, Bố hỏi đứa nào ăn trái đang cúng, con đổ cho mèo. Thế là Bố vừa hỏi “mèo mà biết bóc vỏ quýt!” vừa cho con vài roi! Con “yêu” sớm, lớp 7 đã quyết “sở hữu” bạn trai với cái tên “rồng xanh” đẹp trai nhất trường, nhưng học dốt nhất trường (còn con, Bố Mẹ nhớ chăng? học giỏi nhất nhì trường cấp 2). Đến nay 29 tuổi, con chỉ toàn hẹn hò với đàn ông thân vinh vì nghệ tinh, tuyệt không một ai có nhan sắc. Con tích luỹ vì mơ sắm được nhà vườn có ao cho Bố thả cá, có sân cho Mẹ trồng rau; nhưng con cũng thầm mong báo đáp cho người đàn ông bấy lâu nay đã dâng hiến tinh lực cho sự nghiệp của con. Anh ta, ngoài ra, còn biết kho cá, nấu cháo hành, ép nước cóc cho con gái của Mẹ; anh ta đem về cho con gái của Bố những cuốn sách và bày ra những cuốn film đầy tri thức. Anh ta còn có sở thích sắm cho con vô số thứ khác: thuốc trị ho, hoa khô thơm, chỉ nha khoa, mật ong, dầu cá, collagen… Bên cạnh đó anh ta hài hước. Hài hước là thước đo của sự thông minh thì phải? Đã bao lần con tự thấy mình cười như một con ngốc bởi những câu chuyện ngớ ngẩn của anh ta… (con chỉ chia sẻ một chút vậy thôi, chuyện cưới xin, bao giờ con lôi ai về nhà, ra lệnh chào Bố Mẹ tôi đi, thì lúc đấy hẵng hay ạ).

12540820_957084574341037_3989961382474836602_n

Quay lại chuyện nhà mình. Con hiện chỉ có 3 tâm nguyện. Một là phụng dưỡng Mẹ Cha, hai là làm rạng danh gia đình, ba là dạy dỗ đứa em út nên người. Mỗi thứ con chỉ làm được qua loa quýt luýt, còn điều thứ 3, sẽ là một chặng đường cam go. Bằng cách này hay cách khác, con sẽ chỉ bảo em út cho nên thân, nhưng có lẽ là khắc nghiệt và nhiều tổn thương. Con cũng nghĩ ngợi nhiều về cách thức, nhưng có lẽ không còn cách nào khác là con cứ là chính con: Khắc nghiệt, miễn nhiệt tâm và tận tuỵ. Bố Mẹ hẳn đôi chút phiền lòng vì thói cương cường của đứa con gái lớn. Bù đắp lại, con gái út thật mềm mỏng và kiệm ngôn. Điều bây giờ con cần, là hướng dẫn em gái có được trí lực mạnh mẽ, thông tuệ và có đôi tay lao động. Còn riêng thân con, chỉ mơ 2 tiếng Thanh-Tao.

Cuộc đời con, nếu sa cơ, con lại về rửa chén bát và bưng bê như ngày con học lớp 9. Nếu thiếu hụt, con lại đi dạy gia sư hoặc bán buôn váy áo như ngày con học năm 2 đại học. Còn nếu lên hương, con xin nguyện đánh đổi mọi thứ vật chất để có được 2 điều: 

1. Chữ - kính dâng Cha

2. Việc thiện nguyện - sao cho xứng với trái tim nhân hậu của Mẹ.

Ngày học cấp 3, con đã nào hiểu được chữ “Người tử tù” là gì. Nay con khao khát được học nữa, học mãi, để con có được ít chữ khôn ngoan và để cùng trò chuyện với Bố lúc tuổi về già. Là con mơ vậy thôi, chí lớn như đàn ông, nhưng trái tim con chỉ là thuộc phận đàn bà. Con viết ra, cho thoả ước mong, còn thực tại đi về đâu, con cho rằng rồi sẽ là vòng lẩn quẩn nơi cõi tạm mà thôi.

Càng cận Tết, con càng nghĩ mông lung về việc xa nhà. Những tưởng gái theo chồng mới vắng Tết nhà Mẹ Cha, dè đâu đời cơm áo cũng cuốn con đi khỏi ngôi bếp gia đình. Bước ra đời, con trang bị bộ mặt và khối óc của đàn ông trong hình hài phụ nữ, con cười to nói lớn, tiêu tiền như đàn ông thì khi rơi vào lưới tình, con dại dột hiện nguyên hình đàn bà. Con may mắn quá, con chưa ráo hoảnh. Con mơ mộng, con thương nhớ đau xót người xa lạ, rung động nó ngấm vào từng thớ thịt da… Chỉ có điều con không khóc nữa. Ngạc nhiên hơn, không hiểu sao con sớm nhìn ra lòng dạ con người. Khi đó, con buông bỏ trong đau khổ nhưng ngưng tự dằn vặt một cách thật nhanh chóng… 

12274396_931192513596910_8176697186056696452_n

Sao phải nghĩ suy quá nhiều thế này, hỡi Mẹ Cha con ơi? Chữ lót UYÊN nó đi vào tận cùng hang hốc của số phận khi mà chữ Y-Ê-U tồn tại trong U-Y-Ê-N nó vốn đã đảo ngược lẫn lộn. Tên cúng LINH nhiều đêm đem lại cho con những cơn mộng hãi hùng. Khi tỉnh giấc mơ, nỗi đau như thật! Mẹ đau đẻ con 2 ngày 2 đêm, cuối cùng con chào đời vào một giờ không thể đẹp hơn nữa: giờ Tý - Thân cư Mệnh. Con thuận tay trái. Mọi sự trên đời này con tự quyết, tự hứng chịu và tự hưởng. Tử vi phương Đông hay Chiêm tinh học phương Tây đều “báo” cho con một đời sống an nhàn. Giả tỉ có bần cùng, con vẫn cao ngạo chờ xem trải nghiệm đó sẽ ra sao? 

Đôi dòng trước thềm Xuân, con kính dâng lên Cha Mẹ!

Mang ơn Mẹ Cha ban cho con đời sống này, hình hài lành lặn, một cái tên, một đôi môi biết hát. Giả sử Tết này không đi xa, chắc con không nhiều đêm mất ngủ. Ra đi là để trở về, cách trở là để thêm trân quý những gì trong bàn tay. 

Mẹ ơi, Xuân này con vắng nhà! 

Sài Gòn, 1/2016.

Quán quân Vietnam Idol sẽ có chuyến lưu diễn tại Mỹ đúng dịp Valentine 2016 trùng với thời điểm Tết cổ truyền Bính Thân tại Việt Nam. Cũng nghe lại những ca khúc xuân tưng bừng của Uyên Linh. 

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất