Sau gần 3 tuần công chiếu, bộ phim Tiệc Trăng Máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn còn “làm mưa làm gió” ngoài rạp và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Cùng với nội dung sâu cay được đem ra bàn tán, phân tích, phần nhạc phim của Tiệc Trăng Máu cũng nhận được nhiều nhiều sự chú ý của khán giả.
“Không nghĩ đoạn nhạc trong Tiệc Trăng Máu lại gây sốt đến vậy”
Nhiều khán giả sau khi xem phim đều bày tỏ yêu thích với đoạn gần kết phim khi nhân vật Kathy (Kaity Nguyễn đóng) bước ra khỏi phòng Ánh Dương, xoay nhẫn và bỏ đi. Phân đoạn với phần nhạc nền cực kỳ ấn tượng được nhiều khán giả khen ngợi hết lời.
Công chúng đánh giá cao đoạn nhạc nền gay cấn, hấp dẫn và giàu cảm xúc này khi không chỉ thể hiện được sự kịch tính, cao trào của kết phim mà còn tăng thêm sự mạnh mẽ, quyết đoán cho nhân vật Kathy với quyết định từ bỏ người chồng sắp cưới bội bạc.
Ít ai biết, nhà soạn nhạc trẻ Trần Hữu Tuấn Bách là tác giả đứng sau làm nên thành công của bản nhạc nền của phân đoạn xuất sắc này. Anh bày tỏ sự bất ngờ vì không nghĩ phần nhạc này lại được mọi người chú ý và yêu thích đến như vậy. Bản nhạc nền này cũng là một trong những điểm nhấn thành công, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của Tiệc Trăng Máu dù vốn dĩ đây không phải là phim sử dụng nhiều nhạc nền. Nhiều người còn cho rằng đây là một trong những đoạn ấn tượng và xuất sắc nhất trên phim.
“Lúc bắt đầu, mình chỉ có một suy nghĩ là làm cho đoạn nhạc này phải “bốc” lên vì đây là lúc cao trào kết phim. Bên cạnh sử dụng nhịp trống mạnh mẽ, tôi có ý tưởng kết hợp màu sắc bán cổ điển vào phần hoà âm và nhạc cụ. Điển hình là phần mở đầu bài tôi dùng đoạn guitar solo nghệ sĩ Nhật Đông còn bước sang đoạn thứ hai, tôi muốn đẩy mạnh cao trào hơn nên đã sử dụng nhạc cụ violin, thể hiện bởi nghệ sĩ Thanh Tâm Lương - cũng là người chị trong gia đình”, Tuấn Bách cho biết.
Tiệc Trăng Máu có phần nhạc nền được đánh giá cao khi tạo được nhiều cảm xúc cho người xem. Dù phần nhạc nền với sự kết hợp của các loại nhạc cụ như piano, violin, trống, guitar được đánh giá không quá phức tạp về mặt hoà âm, phối khí nhưng lại rất hiệu quả và tạo được cảm xúc cho người xem. Phần âm nhạc đã đóng vai trò xuất sắc trong việc tăng độ kịch tính cho phim, đẩy cao trào, sự căng thẳng, mâu thuẫn của các nhân vật lên mức cao nhất.
Nhà soạn nhạc trẻ có trong tay 6 phim điện ảnh đình đám
Trần Hữu Tuấn Bách sinh năm 1989 tại TP.HCM. Từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê đặc biệt đối với nhạc không lời nói chung và nhạc phim nói riêng. Năm 18 tuổi, anh đã tự tập sáng tác các bản nhạc không lời.
“Lúc mới bắt đầu, tôi khá tự ti vì nhiều bạn hỏi sao không sáng tác nhạc có lời sẽ thịnh hành hơn và giúp mình đi lên nhanh hơn. Nhưng tôi tự nhận thấy bản thân không có khiếu viết nhạc có lời. Khi nghe nhạc không lời tôi lại có cảm xúc và cảm nhạc mãnh liệt hơn nhạc có lời. Sau này, cái duyên filmscore (nhạc nền trong phim) đến lúc nào không hay”, Tuấn Bách chia sẻ cơ duyên đến với nhạc phim.
Dù là một cái tên xuất hiện chưa lâu trong ngành làm nhạc phim khi mới chỉ bắt đầu viết nhạc phim từ năm 2014 nhưng đến nay Trần Hữu Tuấn Bách đã sở hữu “gia tài” đồ sộ với 5 bộ phim điện ảnh đình đám gồm Em Là Bà Nội Của Anh, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Anh Trai Yêu Quái, Bằng Chứng Vô Hình và Tiệc Trăng Máu.
Đặc biệt, bộ phim Em và Trịnh sắp tới do anh làm nhà soạn nhạc là lần thứ tư anh hợp tác với bộ đôi Nguyễn Quang Dũng và Phan Gia Nhật Linh sau Em Là Bà Nội Của Anh, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua và mới đây là Tiệc Trăng Máu. “Trong đó, phim Cô Gái Đến Từ Hôm Qua là tác phẩm nhạc phim tôi ưng ý và hài lòng nhất. Còn phim Bằng Chứng Vô Hình lại là nơi cho anh nhiều đất sáng tạo trong âm nhạc khi có thể sử dụng và thiết kế rất nhiều âm thanh điện tử (EDM) mới vào phim”, Tuấn Bách bày tỏ.
Không chỉ yêu thích nhạc điện tử, Trần Hữu Tuấn Bách còn là một trong những người tiên phong và khao khát trong việc làm nhạc nền theo hướng cổ điển phương Tây nhưng được kết hợp với những nhạc cụ truyền thống, dân tộc. Như trong phim Tiệc Trăng Máu, anh sử dụng nhạc cụ dân tộc Việt Nam cho nhạc chuông của nhân vật Hồ Xuân Hương (Mỹ Tâm lồng tiếng.
“Nhiều người vẫn chưa phân biệt được nhạc nền và bài hát chủ đề phim”
Nhạc nền trong phim là một câu chuyện đi song song với hình ảnh. Cũng quan trọng như âm thanh, các bản nhạc nền này giúp nâng tầm cảm xúc cho từng phân đoạn. Khi những lúc hình ảnh không thể hiện hết cảm xúc thì lúc đó chính là khi âm nhạc thể hiện vai trò quyết định. Nhưng ở Việt Nam, nhạc nền phim vẫn chưa thật sự được chú trọng cũng như không được nhiều khán giả đại chúng chú ý.
Tuấn Bách bộc bạch: “Đến bây giờ tại Việt Nam, thuật ngữ nhạc nền và bài hát chủ đề vẫn không được phân biệt rõ ràng. Khi mình nhắc đến “nhạc phim”, mọi người chỉ hiểu nhạc phim là bài hát trong phim chứ không chú ý nhiều đến nhạc nền trong phim”.
Dù từ nhỏ đã nghe rất nhiều nhạc phim của nước ngoài nhưng đến khi xem Dòng Máu Anh Hùng (2007) của đạo diễn Charlie Nguyễn, Tuấn Bách mới bắt đầu để ý nhiều hơn đến nhạc phim tại Việt Nam. “Thời ấy, nhạc nền không được chú trọng nhiều như hiện tại, đa số phim chiếu rạp trong ngành chỉ biết anh Đức Trí và anh Christopher Wong viết nhạc nền cho các phim là chủ yếu”, Tuấn Bách kể.
Tuy nhiên đến nay, điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hơn khi có sự xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu và tiềm năng trong ngành làm nhạc phim. Bên cạnh cái tên Trần Hữu Tuấn Bách còn có các đàn anh giàu kinh nghiệm như Tôn Thất An (Ròm, Song Lang,…), Nguyễn Hoàng Anh (Hai Phượng), Nguyễn Mạnh Duy Linh (Đảo Của Dân Ngụ Cư),…
Dù vẫn chưa phải là một cộng đồng làm nhạc phim đông đảo nhưng những nhạc sĩ này giúp thúc đẩy ngành làm nhạc phim vẫn còn khá non trẻ ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong vài năm trở lại đây, để giúp khán giả có thể chú trọng hơn và thưởng thức nhạc phim như một tác phẩm nghệ thuật chứ không còn là một bài nhạc nền thông thường.
“Tôi rất vui khi thấy các đạo diễn đã ý thức hơn tầm quan trọng của nhạc phim và cất công đi tìm các nhạc sĩ để viết thay vì sử dụng các bản nhạc của nước ngoài bỏ vào - điều rất nhạy cảm trong bản quyền âm nhạc. Tôi hy vọng ngành làm nhạc phim tại Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, dù chậm nhưng chắc cùng với tác phẩm chất lượng hơn là số lượng”, nhà soạn nhạc Tiệc Trăng Máu bày tỏ.