Bài hát Việt là chương trình âm nhạc có tác động tích cực đối với thị trường nhạc Việt trong 11 năm qua. Không sôi động như nhiều chương trình truyền hình thực tế hay các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng Bài hát Việt vẫn chứng tỏ được vị thế của mình với nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Chương trình là cái nôi sản sinh ra lứa ca sĩ, nhạc sĩ đáp ứng được thị hiếu khán giả (cả về mặt âm nhạc thị trường và hàn lâm).
Chương trình Bài hát Việt vừa nói lời chia tay khán giả sau 11 năm phát sóng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định - nhạc sĩ Quốc Trung tuyên bố trong đêm Gala diễn ra ngày 22/1 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM: “Kể từ năm nay, Bài hát Việt sẽ chính thức khép lại…” khiến những người yêu nhạc Việt không khỏi tiếc nuối.
Ca khúc Về với đông - biểu diễn Nhật Thủy
Nhạc sĩ Quốc Bảo, người gắn bó nhiều năm với chương trình Bài hát Việt cũng bộc bạch: “Bài hát Việt không chỉ là nơi chắp cánh cho những tác giả trẻ mà còn là nơi thúc đẩy những nhạc sĩ đã trưởng thành như chúng tôi phải tìm tòi hơn nữa, mang đến cho chúng tôi thêm nhiều cảm xúc lẫn cảm hứng tươi mới trong công việc sáng tác, hòa âm - phối khí, sản xuất âm nhạc của mình”.
Đúng như vậy, hơn một thập kỷ tồn tại, Bài hát Việt là nơi ghi nhận những giá trị lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Đây là “sân chơi” gần như duy nhất cho nghệ sĩ sáng tác tại Việt Nam; đồng thời đưa khái niệm nhạc sĩ hòa âm phối khí đến gần hơn với công chúng yêu nhạc. Cống hiến của chương trình với nền âm nhạc đương đại Việt Nam là không hề nhỏ.
Những cái tên trưởng thành từ Bài hát Việt phải kể đến như Thanh Tâm, Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Bảo Lan, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Thành Vương, Sa Huỳnh, Nguyễn Xinh Xô, Lê Cát Trọng Lý… Đây đều là những tên tuổi sáng giá trong làng nhạc Việt hiện tại, có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng, chỉn chu.
Điển hình như Lê Cát Trọng Lý, xuất phát điểm không phải là sinh viên Nhạc viện hay một trường nghệ thuật nào đó nhưng chính sân khấu Bài hát Việt đã giúp cô đến gần hơn với khán giả và âm nhạc.
Năm 2008, giọng ca đến từ Đà Nẵng mang Chênh vênh lên sân khấu, biểu diễn với cây đàn ghi-ta giản dị. Chính năm đó, ca khúc của Lý đã nhận được “cơn mưa” giải thưởng của Bài hát Việt như Bài hát của tháng 12, Bài hát của năm 2008. Đặc biệt, bản hit này cũng giúp cô giành được danh hiệu Nhạc sĩ trẻ triển vọng.
Chênh vênh - Ca khúc của năm 2008, giải thưởng Bài hát Việt
Với Lưu Thiên Hương, chương trình Bài hát Việt mang lại cho cô nhiều cơ hội với vai trò nhạc sĩ sáng tác. Năm 2007, cô giành giải Ca khúc mang phong cách pop - rock đương đại nổi bật cho nhạc phẩm Quạt giấy (thể hiện ca sĩ Đoan Trang). Một năm sau đó, cô tiếp tục giành được giải Bài hát được khán giả yêu thích nhất với ca khúc Em sẽ là giấc mơ. Năm 2010, chị gái Lưu Hương Giang lại một lần nữa được vinh danh trên sân khấu Bài hát Việt với giải thưởng Nhạc sĩ ấn tượng và Bài hát mang phong cách pop đương đại nổi bật với ca khúc Hồ Gươm sáng sớm.
Ca khúc Hồ Gươm sáng sớm - Biểu diễn Hoàng Hải, sáng tác Lưu Thiên Hương
Bài hát Việt có lẽ là một trong những chương trình tôn vinh ca khúc Việt dài hơi nhất tính đến thời điểm này. Mỗi năm, có hàng trăm ca khúc mới được giới thiệu đến khán giả và có nhiều ca khúc tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Hơn nữa, chương trình còn để các nhạc sĩ thể nghiệm các sáng tạo nghệ thuật của mình. Điển hình là dòng nhạc dân gian đương đại với những tên tuổi như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An, Giáng Son… Nhờ có chương trình mà dòng nhạc dân gian đương đại mới trở thành xu hướng nghe nhạc trong 5 năm trở lại đây, trước đó dòng nhạc này ít được biết đến.
Con cò - Tác phẩm dân gian đương đại - Bài hát của tháng 9/2007
Ở các mùa Bài hát Việt có những tác phẩm gây được tiếng vang lớn, được nhiều thí sinh truyền hình thực tế chọn thể hiện như Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), 12 giờ (Nguyễn Duy Hùng), Chuông gió (Võ Thiện Thanh), Quạt giấy - Ngọn cỏ lau (Lưu Thiên Hương), Con cò (Lưu Hà An), Góc tối (Nguyễn Hải Phong), Chênh vênh (Lê Cát Trọng Lý), Em trong mắt tôi (Nguyễn Đức Cường), Vì em nhớ anh (Phạm Hải Âu), Bốn chữ lắm (Phạm Toàn Thắng), Phai (Vũ Cát Tường), Về với đông (Vũ Minh Tâm)…
Với ca khúc Chuông gió biểu diễn trên sân khấu Bài hát Việt, Thu Minh được mệnh danh “Chuông gió của làng nhạc Việt. Sở hữu chất giọng soprano (nữ cao) 4 quãng 8 cùng âm vực rộng, cô mang đến chương trình một tiết mục đầy sôi động và cảm xúc.
Bài hát Việt không chỉ là nơi để các nhạc sĩ - ca sĩ gạo cội thể hiện mà đây còn là sân chơi cho nhiều nhạc sĩ trẻ thỏa sức sáng tạo. Có những ca sĩ - nhạc sĩ thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x được giới phê bình âm nhạc đánh giá rất cao bởi khả năng hát, sáng hiện đại như Phạm Toàn Thắng, Lê Đức Hùng, Tiên Tiên, Vũ Cát Tường, Đồng Lan, Đinh Mạnh Ninh, Mai Khôi… ở những ca sĩ - nhạc sĩ này không chỉ có sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ mà còn sở hữu tư duy âm nhạc văn minh, bắt kịp xu hướng âm nhạc của thế giới.
Vũ Cát Tường cũng là tên tuổi gây chú ý trong suốt năm 2015. Ca khúc Phai cùng loạt hit khác của cô như Yêu xa, Mơ… đã chinh phục nhiều trái tim khán giả. Ca khúc đoạt giải Bài hát được khán giả yêu thích nhất.
Những đóng góp của Bài hát Việt cho nền âm nhạc Việt Nam là không hề nhỏ. Sau 11 năm tồn tại, chương trình “cho ra lò” nhiều nhạc sĩ trẻ tài năng, cống hiến loạt hit “khủng” cho V-pop. Tuy nhiên, vị nhạc sĩ gạo cội Quốc Trung tỏ ra tiếc nuối khi phải nói lời chia tay chương trình sau nhiều năm gắn bó: “Đây là chương trình không thực tế nhất, rất hồn nhiên, ít toan tính, ít scandal”.
Mặc dù có nhiều cống hiến, nhưng phải sòng phẳng nhìn nhận rằng, mấy năm gần đây, chương trình nhạt và thiếu vắng ca khúc hay. Trong khi đó, có nhiều ca khúc bị giới chuyên môn đánh giá là thảm họa vẫn được đề cử vì thiếu ca khúc. Hơn nữa, đúng như lời nhạc sĩ Quốc Trung nhận xét: “Trong cơn bùng nổ của các chương trình ca nhạc truyền hình thực tế, những sân chơi như Bài hát Việt sẽ rất khó để duy trì.
Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn nhạc sĩ trẻ rằng truyền hình thực tế không phải là con đường duy nhất để nghệ sĩ đến với công chúng. Có thể đó là con đường nhanh nhất, nhưng đó cũng là con đường dễ bị lãng quên nhất”.