Vpop 2022 đang sôi động hơn bao giờ hết không chỉ nhờ vào hàng loạt sản phẩm được phát hành hàng tháng mà còn bởi làn sóng làm mới các ca khúc cũ. Các bài hát được làm mới khá đa dạng, từ những bài ra mắt cách đây vài năm, cho đến những bài có tuổi đời tính bằng thập kỷ. Và thông thường, nghệ sĩ sẽ làm lại các bài hát cũ bằng cách hát cover hoặc remake - phối mới. Dù không còn mới mẻ, nhưng trào lưu làm mới bài hát cũ vẫn khiến giới chuyên môn và khán giả nghe nhạc tranh luận về việc nên hay không nên.
Làm mới nhạc cũ là thiếu tính sáng tạo?
Nhạc remake/cover có ưu điểm chi phí sản xuất thấp, dễ dàng thực hiện. Nhiều ca sĩ khi chưa sáng tác hoặc tìm được ca khúc ưng ý, thường lựa chọn cover để hâm nóng hoặc giữ nhiệt tên tuổi. Nhiều ca sĩ cực kì thành công với những bản cover và thành công “vượt mặt" bản gốc trở nên nổi đình nổi đám, điển hình như Trung Quân và Ai Chung Tình Được Mãi, đã trở thành “hit cover quốc dân” của năm nay.
Những ca khúc cũ được lựa chọn làm mới thường phải là bài hát đã có chỗ đứng trong lòng công chúng. Các nghệ sĩ trẻ khi chọn hát lại những ca khúc nổi tiếng của thế hệ trước thường được fan nhiều lứa tuổi đón nhận, đó có thể là fan của ca khúc và lượng người nghe mới khi được phổ biến lại ca khúc đó. Nhưng vì là âm nhạc có sẵn, sẽ có nhiều phiên bản cover/remake chỉ cho một bài hát nên không ít ý kiến cho rằng việc sa đà làm mới nhạc cũ sẽ khiến âm nhạc thiếu tính sáng tạo. Nếu không có những sáng tác mới, thị trường sẽ trở nên tẻ nhạt, nhàm chán. Một vài ý kiến gay gắt còn lên án trào lưu cover/remake chính là âm nhạc “tiến hóa lùi ".
Nói về tính sáng tạo khi làm mới ca khúc có sẵn, ca sĩ Đức Tuấn cho rằng: "Những bài hát cũ là một di sản văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà công chúng nhiều thế hệ mê say, đắm đuối một ca khúc cũ. Một nghệ sĩ trẻ như tôi là phải giữ gìn, nâng niu, tôn vinh, lan tỏa các giá trị đó cho hôm nay, cho mai sau. "Làm mới" là nâng các giá trị đó lên, không phải làm méo mó nó đi". Với Phương Thanh, trào lưu cover chính là một giải pháp hiệu quả giải quyết tình thế không thể tìm được ca khúc hay như ý. Thế nhưng, việc hát y sì lại những bản nhạc cũ hiện nay đã lỗi thời, buộc các ca sĩ trẻ phải sáng tạo làm mới ca khúc.
Làm mới nhạc cũ không chỉ là “ăn sẵn"
Công chúng luôn luôn tìm đến những điều mới mẻ, đó là sự thật. Âm nhạc không đủ thuyết phục sẽ không thể nào được đón nhận rộng rãi. Việc cover/remake trở thành một trào lưu đã phản ánh thị trường vẫn đón nhận những ca khúc cũ được hát lại, nhưng là một phiên bản mới. Ca sĩ Thu Minh đã khẳng định khi cover Mỹ Tâm: “Khi cover, tôi luôn chọn một góc nhìn khác của bài hát để nói lên tâm tư của nhiều cá tính khác nhau, như 2 đầu thái cực hoàn toàn khác của 1 vật thể." Dù hát cùng một bài hát, nhưng nhiều nghệ sĩ sẽ có cách thể hiện khác nhau.
Nhờ nhiều ca sĩ trẻ làm mới lại nhạc xưa, mà giới trẻ đã tiếp cận gần hơn với những tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam, điển hình có thể kể đến EP Gen Z và Trịnh. Dự án Gen Z và Trịnh không chỉ lan tỏa được giá trị của âm nhạc Trịnh Công Sơn đến nhiều hơn với giới trẻ mà còn được sự chấp thuận từ chính gia đình cố nhạc sĩ. Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết họ vui khi nhạc Trịnh bây giờ lại vang lên từ giọng ca của những người rất trẻ, đặc biệt là những MV này có lượt xem nghe lớn và phổ biến trên các nền tảng YouTube, TikTok…
“Anh tôi khi còn sống luôn tìm kiếm những giọng ca mới hát theo cách riêng của thời đại họ. Tôi ủng hộ các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh và cứ hãy mạnh dạn ra mắt sản phẩm của mình. Dòng chảy âm nhạc phải luôn được tiếp nối qua các thế hệ!”, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói.
Mới đây, ca khúc Mùa Thu Cho Em cũng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn “trẻ hoá,” nổi bật trong số đó là Juky San và Phương Mỹ Chi. Cùng cover tình khúc mùa thu của Ngô Thuỵ Miên, nhưng 2 cô nàng Gen Z đã mang đến 2 tinh thần hoàn toàn khác nhau. Nếu Phương Mỹ Chi mang âm hưởng disco, tươi trẻ năng động vào bản phối mới thì Juky San lại “chơi lớn" hát trên nền nhạc cổ điển Chopin. Dù bằng cách nào, thì những ca khúc này cũng đã đến gần hơn với giới trẻ thông qua các phiên bản cover.
Nói về quá trình làm mới Mùa Thu Cho Em, Juky San tiết lộ: “Như mọi người có thể thấy, San và ekip chọn những đoạn nhạc cổ điển rất quen thuộc và đã trở thành kinh điển với người yêu nhạc. Những giai điệu này San đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần từ nhỏ đến lớn, sự gắn bó về cảm xúc đó cũng tạo nên rất nhiều nguồn cảm hứng cho San trong quá trình thực hiện. San không dám nhận mình là một người am hiểu về nhạc cổ điển, San vẫn đang học hỏi và tìm tòi. San cũng không cố chứng tỏ điều gì quá lớn lao thông qua sản phẩm lần này, chỉ mong muốn làm ra một “đứa con tinh thần” chỉn chu, chuyên nghiệp nhất. Bên cạnh đó, San nghĩ nếu mình làm tốt và may mắn được đón nhận, có thể góp phần đưa khán giả trẻ đến gần với nhạc cổ điển hơn”.
Biến bài hát nổi tiếng cũ thành mới bằng tư duy âm nhạc hiện đại được đánh giá là cách làm khôn ngoan của các nghệ sĩ trẻ. AMEE đã chia sẻ khi cover Em Về Tinh Khôi: Cảm giác được hát một ca khúc có tuổi đời còn lớn hơn tuổi đời của mình khá là lạ và phấn khích. Em tin rằng không chỉ tụi em mà về sau sẽ còn nhiều người làm mới lại các bài hát bất hủ theo cách ở thời đại của họ nữa. Có như thế thì khán giả của những thế hệ sau mới có cơ hội thấy được giá trị của những bài hát xưa cũ và những bài hát ấy mới sống mãi với thời gian".
Để làm mới thành công, dù với bất cứ dòng nhạc nào, bên cạnh sự am hiểu về âm nhạc, các nghệ sĩ còn cần phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa, bối cảnh và tinh thần gốc mà ca khúc phản ánh. Làm mới ca khúc cũ không xấu, quan trọng là chúng ta nghiêm túc với việc này như thế nào.