Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Âm nhạc

Nhạc cụ cổ truyền của người Chăm: không chỉ đơn thuần truyền tải âm nhạc, mà là một thế giới quan rất riêng…

Âm nhạc Chăm truyền thống vẫn luôn giữ được sức sống mãnh liệt của mình, vẫn cứ là một viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân gian nói chung.

Ngày nay, khi dạo bước qua các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, ghé Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, ta có thể cảm thấy bầu không khí chộn rộn dễ chịu của những ngày sau lễ hội Katê của người Chăm. Suốt ngần ấy năm, trải qua bao cuộc dâu bể, dưới bóng tháp Chăm thì âm nhạc truyền thống của dân tộc họ vẫn được bảo tồn và phù trợ, như một tín điều thiêng liêng xác lập giữa các thế hệ người Chăm.

Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và thường được xếp thành ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây. Trong đó được sử dụng nhiều và phổ biến nhất là trống Gineng, trống Paranưng và kèn Saranai.

Trống Paranưng vừa là nhạc cụ vừa là vật tổ linh thiêng của ông Maduen (thầy vỗ). Thân trống làm bằng gỗ đục rỗng có đường kính khoảng 0,4 mét, một mặt trống được căng bằng da dê hay da nai và được căng bằng hệ thống dây mây với mười hai con nêm bằng gỗ. Mười hai con nêm này là bộ phận tăng giảm âm theo tùy người sử dụng.

Chiêm ngưỡng âm thanh từ chiếc trống Paranưng

Khi sử dụng trống Paranưng nghệ nhân đặt trống trước ngực, vành trống tỳ vào đùi trái trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân, cánh tay trái đặt lên vành trống vừa để giữ trống, vừa để vỗ, tay phải để tự do. Với thủ pháp rung ngón và đôi khi dùng cả bàn tay trái bịt mặt trống tạo thành âm thanh ngắt, tay phải vỗ vào mặt trống với thủ pháp vỗ trọn bàn để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay tạo âm thanh bổng… Tùy theo điệu nhạc mà nghệ nhân phối hợp các thủ pháp trên một cách thích hợp để tạo sắc thái âm điệu trầm bổng khác nhau. Pananưng là loại nhạc cụ đơn giản nhưng sử dụng khó nhất, để đánh thành thạo loại trống này, người đánh trống phải trải qua thời gian dài theo học ở thầy vỗ trống Maduen.

Trống Gineng có hình dạng giống như trống cơm của người Việt nhưng kích thước lớn hơn, thân trống làm bằng gỗ lim hay trắc dài khoảng 0,7 m, được bào trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống được căng da, mặt nhỏ thường được căng da dê hay da nai và đánh bằng tay không, mặt lớn được căng da trâu và đánh bằng dùi. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng.

Người Chăm có hẳn một bài hát riêng ngợi ca nhịp trống Ghi năng.

Với người Chăm, tiếng trống Gineng ngân lên, đó là âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến và ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi để hòa mình vào các lễ hội của cộng đồng. Để đánh được loại nhạc cụ này, học viên cần bái một nghệ nhân làm thầy với lễ vật bái sư gồm trứng, rượu, cau trầu. Sau khi bái sư, học viên sẽ được nghệ nhân dạy đánh từ âm cơ bản đến các điệu trống phức tạp. Muốn trở thành một nghệ nhân trống Gineng thành thục thì không hề dễ mà phải trải qua một quá trình tập luyện tích cực. Theo quan niệm người Chăm, những người có tâm hồn thanh thản, trong sáng thì đánh trống mới nghe rộn ràng, hùng hồn, còn những người có bụng dạ hẹp hòi, ích kỷ thì tiếng trống khó đi vào lòng người được.

Đặc biệt nhất trong hệ thống nhạc cụ Chăm là kèn Saranai. Đây là loại nhạc cụ có tên rất gần gũi với sarunai của người Ba Tư, surunai của người Mã Lai, nhưng Saranai của người Chăm có nét đặc trưng riêng. Kèn Saranai có ba phần gắn liền nhau gồm phần chuôi làm bằng đồng để gắn lưỡi gà bằng lá buông, phần thân làm bằng gỗ đục rỗng có bảy lỗ chính phía trên và một lỗ phụ phía dưới, và phần loa làm bằng gỗ quý, sừng trâu hay ngà voi đục rỗng ruột để khuếch đại âm thanh.

Thưởng thức tiếng kèn Saranai vừa réo rắt, vừa du dương…

Người Chăm có nền âm nhạc phát triển từ rất sớm và gắn liền với đời sống và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Thú vị hơn, người Chăm xem bộ nhạc cụ trống Gineng, kèn Saranai, trống Baranưng tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Gineng tượng trưng cho đôi chân, Paranưng là thân thể, Saranai là phần đầu của con người. Do đó mỗi khi sử dụng phải có đủ bộ các loại nhạc cụ này.

Bên cạnh ba loại nhạc cụ kể trên, thì người Chăm còn có đàn Kanhi, đàn Rabap, Hagar (trống cái), Cheng (chiêng) và không thể thiếu tù và. Tất cả đã tạo nên một không gian âm nhạc rất riêng của người Chăm, khác biệt hẳn với người Việt, tạo nên nét đặc sắc rất riêng trong tổng hòa văn hóa của 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất hình chữ S.

Khi các giai điệu Chăm hòa quyện lại với nhau, tạo ra một bản thanh âm của thiên nhiên và con người, vô cùng đặc sắc.

Hi vọng, âm nhạc Chăm truyền thống vẫn luôn giữ được sức sống mãnh liệt của mình, vẫn cứ là một viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân gian nói chung. Chắc chắn một ngày, viên ngọc ấy sẽ được trả lại đúng vị trí, và lại tỏa sáng rực rỡ, không chỉ gói gọn trong những tháp Chăm nghìn tuổi, mà cuộn với hơi thở đương đại, để dòng chảy âm nhạc của người Chăm vẫn mãi luôn cuộc chảy trong mạch nguồn sự sống…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất