Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Âm nhạc

Chung kết Sao mai dân gian 2017: Chiến thắng dành cho những ‘chiến binh’ dũng cảm

Họ là những thí sinh dám chọn ca khúc mới, hoặc biết cách “làm mới” những giá trị cũ – đó là những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng, giúp họ ghi tên mình vào top 4 chung kết xếp hạng.

Đêm chung kết dòng nhạc dân gian Sao Mai 2017 đã diễn ra khá tưng bừng tại Thanh Hoá. Năm nay, chất lượng thí sinh khá đồng đều cả về giọng hát lẫn ngoại hình. Với 11 thí sinh tham gia dự thi, BGK đã chọn được 4 thí sinh bước vào chung kết xếp hạng. Những thí sinh này không hẳn có giọng hát nổi bật, nhưng họ đã biết cách làm “trọn vẹn” nhất phần thi của mình cả phần nghe lẫn phần nhìn, trong đó, yếu tố “mới mẻ” được cho là quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của các “chiến binh” này.

Top 4 thí sinh Đêm chung kết dòng nhạc dân gian Sao Mai 2017.

Cái mới được ủng hộ

Trong số 4 thí sinh được chọn đi tiếp vào đêm chung kết xếp hạng, có tới 3 thí sinh chọn bài mới và có những phần thi tương đối hoàn chỉnh. Trong số này, có thể một vài giọng hát chưa thực sự hay, không hẳn đã tốt hơn những thí sinh bị loại, nhưng họ là những người dám đương đầu với những thử thách khi gạt bỏ những bài hát cũ, thể hiện những ca khúc mới ít nhiều tạo được sự hứng khởi cho khán giả.

Sèn Hoàng Mỹ Lam đã có một tiết mục được cho là hấp dẫn nhất đêm thi. Ca khúc Theo câu Khao Sluong tìm về (Nhật Minh) là một tác phẩm mới mang âm hưởng hát Then vùng Tây Bắc. Mỹ Lam có giọng hát tốt và phong cách trình diễn tự tin, tình tứ tạo được sức hút, phá tan đi sự “nặng nề” trước đó của nhiều thí sinh.

Thí sinh Sèn Hoàng Mỹ Lam- số báo danh 18

Chấp chới sông Lam cũng là ca khúc khá lạ tai của nhạc sỹ Nhật Minh được thí sinh Mai Thương lựa chọn. Mặc dù phần trình diễn còn khá “căng” nhưng Mai Thương cũng đã thể hiện được cái “tình” trong giọng hát, sự ngọt ngào cần thiết của một giọng ca dân gian.

Nguyễn Mai Thương- số báo danh 14

Phan Ngọc Ánh - một thí sinh rất trẻ cũng đã dám thử sức với cái mới khi chọn Khúc xưa thành Thăng Long (Ái Nhân, phổ thơ Nguyễn Du). Một ca khúc mang âm hưởng ca trù nói về thân phận của một ca nương thời xưa ở kinh thành Thăng Long mang nhiều giá trị lịch sử. Mặc dù còn trẻ và không phải là người có giọng hát “khủng” nhưng Ngọc Ánh cũng đã tái hiện khá sinh động hình ảnh ca nữ thời xưa với cây đàn tì bà.

Phan Ngọc Ánh - số báo danh 19

Người duy nhất lọt vào top 4 chọn một ca khúc cũ đó là Lương Mỹ Anh với Câu hát quê hương (nhạc Hồ Hữu Thới, thơ Nguyễn Trọng Tạo). Đây là một bài hát từng được rất nhiều thế hệ ca sỹ trình bày, tuy nhiên Mỹ Anh với chất giọng khá ngọt ngào, mượt mà đậm chất dân ca đã thể hiện khá tốt ca khúc này.

Lương Hà Mỹ Anh (Lương Thị Nhuận) - số báo danh 15

Có thể nói 4 thí sinh được BGK chọn vào chung kết xếp hạng là những người có “màu” dân ca tương đối đậm nét và cũng khá hoàn chỉnh trong việc thể hiện tác phẩm, đó có thể là yếu tố quan trọng để các thành viên BGK quyết định cho họ cơ hội đi tiếp.

Còn đó những tiếc nuối

Ngoài 4 thí sinh được vào chung kết xếp hạng, một số giọng hát khác cũng đã dám đương đầu với thử thách, tuy nhiên họ chưa may mắn thành công. Bên cạnh đó, vẫn còn những thí sinh với tư duy cũ kỹ không tạo được sự hấp dẫn trong các phần thi của mình.

Một số thí sinh chọn bài khó, cần nhiều vốn kỹ thuật thanh nhạc để xử lý, trong khi họ đều còn rất trẻ và đa số vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường. Đó là lý do, có nhiều bạn hát chênh phô, hụt hơi,… hoặc có “tròn trịa” thì cũng không còn sức để “thăng hoa” về mặt cảm xúc vì đã dồn hết cho việc sử dụng kỹ thuật nhằm hoàn thiện tác phẩm.

Top 11 thí sinh Đêm chung kết dòng nhạc dân gian Sao Mai 2017.

Một số ca khúc khá “căng” như Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), Xúc cảm non thiêng (Tuấn Phương), Thạch Bi sơn (Ngọc Quang),… đã được các thí sinh lựa chọn. Đồng ý việc chọn những tác phẩm khó để thể hiện “đẳng cấp”, tuy nhiên trong một đêm thi quan trọng, quyết định việc thắng - thua trực tiếp thì việc chọn những bài hát quá sức không phải là lựa chọn thông minh.

Cách suy nghĩ: chọn bài khó để trưng trổ kỹ thuật thực ra đã lỗi thời. Việc hát “chỉn chu” quá, trau chuốt quá, nắn nót quá cũng làm mất đi cái mộc mạc, giản dị, tinh tế, ngọt ngào sâu lắng - những yếu tố làm nên màu sắc đặc trưng của âm nhạc dân gian. Chưa nói, nhiều thí sinh hát quá căng thẳng, lên những nốt cao không được mượt mà tạo cảm giác mệt mỏi cho khán giả.

Một số khác chọn những bài hát đã rất quen thuộc nhưng lại không thể hiện được sự ngọt ngào, da diết vốn có, hoặc như hát sai lời nên làm giảm hiệu quả của bài hát. Những sự “bắt chước” các ca sỹ thành danh vẫn còn xuất hiện, điều đó chứng tỏ những thí sinh này chưa thể hiện được cá tính - bản sắc riêng của mình.

Ngoài một số nhược điểm thuộc về tư duy của thí sinh, điều đáng quý nhất là các giọng hát trẻ vẫn dành nhiều tình yêu cho dòng nhạc truyền thống giữa “cơn bão” nhạc mới đang chiếm lĩnh mọi sân khấu như hiện nay. Bằng chứng là trong 3 dòng nhạc thì dòng nhạc dân gian có số lượng thí sinh tham dự vòng chung kết đông nhất, đó thực sự là điều đáng mừng.

Hôm nay các thí sinh còn vụng về, mắc lỗi chuyên môn, nhưng họ còn rất trẻ và còn nhiều cơ hội để chỉnh sửa và nâng cấp kỹ thuật thanh nhạc cũng như kinh nghiệm biểu diễn. Điều quan trọng là tình yêu dòng nhạc dân gian của các em vẫn luôn hừng hực, cháy bỏng. Chính vì thế, sân chơi Sao Mai thực sự ý nghĩa khi tạo điều kiện cho các giọng ca trẻ thể hiện đam mê của mình, cũng là một môi trường “thử lửa” khắc nghiệt để các viên ngọc thô biết cách mài dũa bản thân trở thành những viên ngọc sáng trong tương lai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới