Năm 2018 vừa qua, chưa bao giờ làng giải trí thế giới sục sôi với sự đoàn kết tới từ phái nữ như vậy.
Hàng loạt những phong trào lớn như #Metoo chống đối hành vi lạm dụng tình dục phía sau hậu trường của showbiz, hàng loạt những vụ lật mặt những ông trùm truyền thông tới những bộ phim liên tục đẩy cao chiến trường nữ quyền nóng hơn bao giờ hết như Lady Bird, The Beguiled, …. Nếu làng điện ảnh nóng tới thế, thì lãnh địa âm nhạc cũng không thể vô tâm dửng dưng đứng ngoài cuộc chiến với hàng loạt những ca sĩ liên tiếp ra mắt những ca khúc thúc đẩy cuộc chiến lên cao trào hơn nữa.
Trái với những phong cách xây dựng hình tượng nữ quyền khác như Beyonce rực cháy với BEYONCE - phát súng mạnh mẽ bắn thẳng vào vấn đề, hay như Rainbow của Kesha - vị tha, chân thành cũng thâm sâu. Ở đâu đó, mạnh mẽ là thế, cháy bỏng là thế, năm 2018 này, chúng ta tiếp tục đón nhận Liberation của Christina Aguilera - sau 6 năm biến mất khỏi làng nhạc.
Accelerate tạo nên một sự hoang mang, có phần thất vọng…
Đầu năm nay, giọng ca pop vang dội một thời đánh tiếng quay lại với bộ hình mặt mộc đã gây sốt mạng xã hội. Xóa bỏ vết trang điểm đậm đặc đã trở thành thương hiệu bao nhiêu năm qua, vứt bỏ bộ tóc giả nặng trịch trên đầu, Christina Aguilera quay lại mộc mạc nhất có thể với Liberation. Vậy nên hãy dẹp bỏ những gì bạn nghĩ là bạn hiểu về “giọng ca thế hệ” này, tạm biệt với hình ảnh ngông cuồng trong Stripped, tạm biệt nàng thơ cổ điển trong Back To Basics, tạm biệt cô gái tân thời trong Bionic, nay ta sẽ cùng gặp người đàn bà từng trải Maria.
Fall in Line cùng với Demi Lovato
Cách đây 16 năm trước, ở độ tuổi 22 tuổi đầy sức sống, Christina Aguilera đã cho ra mắt siêu phẩm Stripped. Mở đầu album đó là lời xin lỗi tới tất cả những người hâm mộ dõi theo cô vì những gì cô đã, đang, và sẽ làm để thoát khỏi hình tượng ngây thơ.
“Tôi muốn các bạn đến thật gần đây, tôi muốn các bạn sẽ hiểu tôi, hơn một chút nữa. Xin lỗi vì các bạn chẳng thể đoán định được tôi. Xin lỗi tôi sẽ phá bỏ hình tượng này. Xin lỗi vì tôi đã nói thật lòng mình. Xin lỗi vì không làm những gì tôi đã hứa. Xin lỗi tôi sẽ chẳng giả tạo”
Twice nhẹ nhàng và day dứt
Thì ở album Liberation, Christina Aguilera đã gửi tâm thư tới …. chính bản thân mình. Nội dung tâm thư lại là những lời xin lỗi, nhưng lần này là tới chính bản thân cô khi cô đã truyền cảm hứng cho biết bao người yêu vẻ đẹp nơi bản thân nhưng cô thì chưa bao giờ yêu khuôn mặt mộc của mình:
“Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại phải tự làm đau bản thân mình chỉ để làm vừa lòng người khác. Tôi xin lỗi hình ảnh bản thân tôi trong gương kia, tôi xin lỗi vì đã hạ bạn xuống, tôi xin lỗi vì đã phải chật vật chấp nhận vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mình. Tôi xin lỗi đã che đi những vết tàn nhang này, cả những vết sẹo nữa. Nhưng bây giờ tôi đã sẵn sàng để bạn được là chính bạn, Tôi sẵn sàng để bạn được tự do, bay đi.”
Hành trình tìm lại bản thân và khơi gợi tuổi thơ.
Như một cuộc hành trình đứng từ góc nhìn của một bà mẹ hai con, của một người vợ, của một người con gái trong một gia đình không yên ấm, và cũng của một nghệ sĩ thực thụ đứng vững hơn 20 năm trời trong làng âm nhạc - Christina Aguilera như thả mình trôi đi tới một nơi thật yên bình trong Liberation. Nơi có bãi biển xanh ngát, cát vàng, nắng nhẹ. Nơi mà chẳng còn những áp lực sau ánh hào quang của một ngôi sao nữa.
Trái với Stripped và Bionic bị đánh giá là tạp nham khi lai quá nhiều chất nhạc, thì với Liberation Christina đã rút kinh nghiệm trong việc chọn bài, không có một bài nào bị dư hay thiếu trong album. Tất cả đều có liên quan mật thiết và tạo thành tầng ý nghĩa sâu cho album. Với những người nghe album, đây sẽ là tấm vé cho bạn được bước trên cuộc hành trình tìm về ấu thơ qua đó tìm lại chính bản ngã của mình, của cả bạn và của Xtina.
Liberation intro mở đầu album là màn đêm trong tâm trí nữ ca sĩ. Xtina trong vùng tối của tâm trí, tìm lại ấu thơ, tìm lại cô bé Maria (hiện thân của cô ngày bé). Dòng thời gian tua lại đưa cô và cả người nghe quay về thời đó, những tiếng cười hồn nhiên. Xtina giơ tay ra gọi với theo hình bóng tuổi thơ mình : “Em ở đâu? Em có ở đó không? Xin hãy nhớ”. Có khi nào bạn nhớ sự hồn nhiên của bạn năm 7 tuổi? Có khi nào bạn mong muốn mình được quay trở lại là cô cậu bé ngày ấy? Có bao giờ bạn gần như sống lại khoảnh khắc tua ngược lại, bạn thấy bạn đang ngồi đó chơi bắn bi hay chạy rượt bắt với những người bạn bé thơ, như chưa bao giờ mất đi sự hồn nhiên trong sáng? Nếu có, bạn chắc chắn đã cảm nhận được nỗi lòng của nữ ca sĩ.
Ở sâu trong vùng tối của mình, Xtina tiếp tục cất tiếng ca khúc hát ru để Maria bản thân cô năm ấy nghe thấy. Du dương nhẹ nhàng và gây sốc tới mức chả ai nhận ra giọng nữ ca sĩ còn có thể tốt đến thế, Xtina cất lên nỗi lòng của mình
“Làm sao bạn có thể sửa chữa những vấn đề giỏi như Maria? Làm sao bạn có thể bắt được đám mây kia, và đùa giỡn với nó như Maria?”
Khi ta lớn, ta sẽ chẳng còn hồn nhiên, ta bắt đầu suy nghĩ phức tạp mọi thứ hơn. Chính những điều đó đã gây nên áp lực vô hình xung quanh mỗi con người, từ công việc học hành tới những chuyện ti tỉ khác. Câu hát ru Xtina hát vang đó để lại cho người nghe một sự thật cần được công nhận : làm sao ta có thể giải quyết những vấn đề khó khăn giỏi bằng những đứa trẻ con, với đầu óc đơn giản và tự nhiên của chúng. Khi lớn lên, ta cũng mất đi sự tưởng tượng, sao ta có thể thả mình bay đến những vùng đất tưởng tượng được như tụi trẻ được nữa?
Cách Christina đi tìm cô bé gái trong mình cũng giống như chúng ta khi mệt mỏi nhìn lại mình của quá khứ, để tìm kiếm chút gì đó an yên trong lòng, chút gì đó sức mạnh để bước tiếp. Christina có thể tìm lại được Maria trong sâu thẳm hay không?Ta đều biết là không. Cũng như chúng ta, ta quay đầu nhìn lại, ta thấy được hình bóng của ta thời bé nhưng ta chẳng thể chạm tay vào. Đó là màn sương mỏng manh như thể đụng vô nhẹ cũng sẽ tan biến đi.
Câu trả lời đó đã rõ ràng trong Maria - ca khúc thứ 3 của album. Không còn du dương, giọng của nữ diva thế hệ mới này trải đầy tâm sự, cô đơn và nghe thấy cả sự nức nở buồn phiền. Bài hát như thể một cuộc độc thoại nội tâm của Xtina : “Làm sao mà chị đoán định được trước rằng, nó sẽ phải đánh đổi bằng cả linh hồn này? Không gì là cho không cả, em ơi. Chị chỉ muốn được hít thở, không áp lực. Làm sao chị có thể đối mặt với cuộc sống cô đơn chính chị tạo ra?” Những nỗi ưu phiền chẳng thể nói ra cùng ai đành gửi tạm qua những dòng chữ hát lên cho mình. Áp lực từ doanh số, áp lực từ hãng đĩa, áp lực từ chính truyền thông - những thứ đó đã chèn ép quá nhiều trong lòng của nữ ca sĩ.
“Hình bóng chị mờ dần qua tấm gương kia. Maria ơi, em ở đâu? Tại sao chị chẳng thể thấy em? Em có nghe chị gọi tên không? Cả thế giới nơi chị đang sụp đổ, chị chẳng thế thấy em, chị cần em hơn ai hết. Xin đừng bỏ chạy đi, xin đừng”
Quay lại, Xtina vẫn cần bản thân cô hơn ai hết. Chẳng phải là những người đàn ông, người phụ nữ cần chính bản thân họ hơn ai khác. Sự tự tôn và sức mạnh của một người phụ nữ - khi họ tìm thấy được chính mình - có thể dựng xây lên cả một đế chế. Maria bé con trong tiềm thức Xtina là cô của bé thơ, nhưng cũng là nguồn sức mạnh mà cô cần đến khi cô yếu đuối. Kết bài hát với giọng Xtina nhỏ dần “ Maria ơi em ở đâu? Chị cần em. Maria ơi….?” câu hỏi kết như những nốt nhạc trầm ngân nga trên phím piano sau một bản tình ca buồn, day dứt, để lại cho người nghe những cảm xúc ngổn ngang. Như sự hối tiếc khi ta quay lưng bỏ lại tuổi thơ sau lưng, rồi một ngày khi quá nhiều áp lực ta tìm về nó thì ta chẳng còn được chào đón nữa.
Nữ quyền là khi
“Người phụ nữ kề vai sát cánh cùng những người phụ nữ”
Thoát khỏi hành trình tìm kiếm bản ngã, dù chẳng thể chạm tay vào, chẳng thể quay về làm cô bé con của năm nào. Nhưng Xtina đã nhận ra bản thân mình trong dòng chảy của tiềm thức từ đó nhận ra con đường mình nên đi và của cả những người phụ nữ khác. 3 track tiếp theo trong album Dreamers/ Sick Of Sittin’/ Fall In Line liên tiếp gợi dậy sự mạnh mẽ của tính nữ. Mở đầu là giọng nói của những cô bé gái về những khát vọng, những ước mơ cháy bỏng và những ước muốn ngây thơ, đầy tự tin và dõng dạc để làm dẫn cho ca khúc Fall In Line.
Với Fall In Line, có lẽ đã quá quen thuộc với nhạc nền là tiếng xiềng xích, nó đã không gì rõ hơn nói về chiến dịch #Metoo chống lạm dụng tình dục nơi Hollywood, cũng nhắn gửi tới những cô gái chẳng tự tin vào nhan sắc của mình. Sự kết hợp của hai giọng ca xuất sắc đến từ hai thế hệ kế thừa nhau Christina Aguilera / Demi Lovato càng lắm mọi người trông ngóng hơn, với chất giọng mạnh mẽ, ca khúc đã không khó được tán tụng là “Quốc ca nữ quyền năm 2018”.
“Thanh xuân phơi phới ngoài kia nào có thể cứu chúng ta khỏi sự già nua, và sự thật sâu bên trong một cô gái quá quý giá để bị tước đi” chẳng quá rõ là đang nói về chiến dịch MeToo đây sao? Xtina đã khuyến khích những người phụ nữ tay yếu chân mềm tại Hollywood xa hoa nói riêng và cả thế giới nói chung cùng đoàn kết với nhau để chống lại những điều xấu xa. Ngoài ra, ca khúc còn là lời nói mong các cô gái soi rọi lại chính bản thân mình, hãy cứ là bản thân mình, đừng để những định kiến xã hội ngoài kia chèn ép tính nữ và con người của các bạn. “I Wasn’t Made To Fall In Line” - Tôi chẳng sinh ra để tuân theo định kiến của các người. Nhìn lại lịch sử của những người phụ nữ chỉ riêng ở Việt Nam, chúng ta bị ảnh hưởng khá nhiều dưới những định kiến xa xưa của nho giáo : một người con gái phải giỏi việc nhà, và không được phép có tiếng nói cho riêng mình. Dù nay đã ít nhiều phụ nữ đã tiến lên, nhưng ở vài nơi quan niệm đó vẫn còn, và thêm những định kiến mới về nhan sắc, về tài năng, quá nhiều thứ để chèn ép những cô gái chúng ta. Nếu bạn là con gái và bạn đã đọc tới đây, hãy tin vào bản thân mình, hãy phá nát những định kiến đã đặt nặng lên cánh nữ chúng ta bao lâu nay để được sống thật nhất có thể. Yêu cơ thể mình, yêu tâm hồn mình, sát cánh cùng những người phụ nữ khác, ta sẽ làm nên một thể chế nữ quyền, công bằng cho tất cả.
Tiếp với Sick Of Sittin’, đây là câu trả lời cuối cùng cho hành trình tìm bản thân mình ở đầu album và cũng là lối ra cho mọi chuyện, cũng đã lâu lắm rồi, chúng ta mới nghe lại giọng rock của Xtina. Bị ảnh hưởng bởi phong cách sống của Janis Joplin, Jim Morrisson,…. Xtina đã biến Sick of Sittin' thành một hồi chuông cảnh tỉnh trong tiềm thức của những ai đang cảm thấy mình bị giam cầm trong một không gian bó hẹp của cuộc đời , những kẻ phải sống chỉ để làm những gì người khác mong muốn. Bị ép buộc bởi những lý tưởng và luật lệ sẽ làm giá trị của bạn giảm đi, theo đó là những sự tủi nhục, xấu hổ từ sâu trong bạn ngăn bạn có được một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Đây là lời vạch trần xã hội được bao bọc bởi vòng lặp tuần hoàn của cỗ máy tiền bạc. Hãy bỏ qua những thứ tầm thường như vật chất của cải, gây dựng nên một thứ gì đó chân thực và trong sạch, để rồi ta có thể trở về với một tâm hồn nguyên vẹn nhất, tràn đầy những ước mơ.
Sau tất cả sóng gió 20 năm sự nghiệp, hành trình dần khép lại, Xtina lại một lần nữa thoát xác. Các ca khúc Like I Do, Accerelate, Right Moves tiếp tục việc cho người nghe cảm nhận được sau khi tìm lại được bản thân mình thì Xtina có những sức mạnh mới, vui tươi hơn và tận hưởng cuộc sống. Masochist, Unless It's With You hay Twice, Deserve tiếp tục nói lên những quan điểm của cô về tình yêu đôi lứa - thứ giúp cô tìm lấy niềm vui mỗi ngày. Những ca khúc trên dù ít ỏi sau 6 năm trông chờ đã trở thành những tâm tình của Xtina nhân dịp kỉ niệm 20 năm sự nghiệp kể từ ngày đầu tiên Reflection.
Lần đầu tiên Christina Aguilera cho cả thế giới thấy 1 bản thân mộc tới thế, tự do thanh bình và từng trải ở độ tuổi 37. Qua album này, các fan hâm mộ đã suýt khóc khi đã lâu lắm rồi từ thời Bionic, họ mới được thấy lại một Xtina chuyên tâm vào công việc, đầu tư hết mức cho âm nhạc như xưa. Có thể với người ngoài thì khác, nhưng Xtina thật sự đã đốn tim được các fan hâm mộ sau 6 năm im hơi lặng tiếng rồi đấy.
Liberation ngay từ khi ra mắt đã chiếm được cảm tình của giới phê bình khi nhận được 4/5 sao từ The Rolling Stone, 71 điểm từ Metacritics - trở thành album cao điểm nhất của cô tại trang web phê bình nhạc uy tín này. Với những thành tích đó, chúng ta nên ngó qua album này một chút xíu chứ nhỉ?