Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Âm nhạc

Ca khúc Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến bất ngờ bị cấm lưu hành ở Tiền Giang

Phan Trần Đạt Theo dõi Saostar trên google news

Thậm chí, các địa điểm kinh doanh karaoke tại tỉnh Tiền Giang chỉ có đúng 30 ngày để gỡ bỏ ca khúc này khỏi tất cả các dịch vụ của mình.

Mới đây, thông tin ca khúc Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến bị dừng lưu hành và cấm hát tại tỉnh Tiền Giang đã gây xôn xao. Cụ thể, trong công văn số 120/SVHTTDL-Tr của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 7/2/2017 có nội dung đề nghị phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành và phổ biến theo quy định của pháp luật. Và trong 354 ca khúc bị cấm lưu hành có sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Thuận Yến: Màu hoa đỏ.

Ca khúc Màu hoa đỏ bất ngờ có tên trong danh sách cấm lưu hành tại tỉnh Tiền Giang.

Trả lời về sự việc khó hiểu này, ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang cho biết nguyên nhân việc cấm lưu hành Màu hoa đỏ là bởi “ca khúc khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung”.

Tuy nhiên câu trả lời của ông thực sự vẫn chưa thể làm hài lòng những khán giả đã thuộc nằm lòng Màu hoa đỏ - Một sáng tác nổi tiếng được cố nhạc sĩ Thuận Yến từng viết nên khi hồi tưởng lại những kỷ niệm về một thời bom đạn ngoài trận mạc, để trả món nợ tinh thần với những người đồng đội đã hy sinh và chính tay ông chôn cất nhưng sau này vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Màu hoa đỏ từng được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng vào năm 1994.

Trả lời với VOV.VN, NSƯT Thanh Hương - vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết: “Tôi chỉ biết rằng bài hát “Màu hoa đỏ” đã được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến. Ca khúc thường được biểu diễn trong dịp 27/7 hàng năm. Ca khúc được ra đời trong khoảng thời gian chiến tranh Biên giới phía Bắc cùng dịp với các bài như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”. Tuy nhiên, từ những năm 1963 - 1964, ông ấy đã ấp ủ và tha thiết viết được một bài hát nói về chiến tranh và người mẹ một cách sâu sắc mà chưa tìm được tứ. Cho đến lúc nhạc sĩ Thuận Yến bắt gặp bài thơ của tác giả Nguyễn Đức Mậu. Hình ảnh màu hoa đỏ đã gợi nguồn cảm hứng cho ông viết nên ca khúc này”.

Màu hoa đỏ từng được rất nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công như Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương,… Tuy nhiên, phiên bản do Thanh Lam thể hiện vẫn là một trong những bản được người nghe yêu thích suốt thời gian qua. Đây cũng chính là 1 trong những ca khúc làm nên tên tuổi của ca sỹ Thanh Lam. Khi biết được thông tin này, ca sỹ Thanh Lam cho biết chị vô cùng bất ngờ và khó hiểu khi Sở VH TTDL Tiền Giang ra quyết định này và không muốn bình luận gì thêm.

Màu hoa đỏ - Thanh Lam

Mới đây nhất, Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục nghệ thuật biểu diễn đã gửi một công văn hỏa tốc yêu cầu Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang khẩn trương báo cáo về sự việc này cùng các văn bản có liên quan về Cục nghệ thuật biểu diễn trước ngày 26/3/2017 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

Công văn hỏa tốc từ Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục nghệ thuật biểu diễn ban hành ngày 24/3.

Saostar sẽ cập nhật những diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phan Trần Đạt

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?