Âm Nhạc

Băng Cassette hồi sinh trên thế giới nhưng liệu có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam?

Tố Như
Chia sẻ

Từ giữa thập kỷ trước, băng Cassette đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để quay trở lại được trên thị trường. Nhưng liệu nó có đủ sức để tiếp tục tăng trưởng thêm để cạnh tranh cùng thị trường CD, đĩa than và cả nhạc số?

Băng Cassette  - cụm từ khi nhắc đến chắc chắn sẽ làm dấy lên một nỗi niềm hoài niệm với những khán thính giả yêu âm nhạc từng sống ở thời 70s 80s của thế kỷ trước. Tưởng chừng sau khi bị chìm vào quên lãng, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của CD và nhạc số, băng Cassette sẽ mãi mãi nằm ở vùng đất dĩ vãng trong tâm trí của những người từng yêu nó thế thôi. Thế mà thời gian gần đây, trên thị trường âm nhạc hiện đại ngay lúc này, đã bắt đầu có những dấu hiệu khả quan cho ngày quay trở lại thống trị của những chiếc băng Cassette thời đại cũ thế này đây. 

Sự tái sinh của những chiếc băng cassette

Liệu đây sẽ là màn hồi sinh thật sự hay chỉ là cơn gió hoài niệm thoáng qua như một hiện tượng? Điều đó sẽ còn là dấu chấm hỏi lớn, mà câu trả lời sẽ phụ thuộc nhiều vào khán giả nghe nhạc thế hệ mới.  

HOÀI NIỆM VỀ BĂNG CASSETTE, KỶ NIỆM CỦA THẾ HỆ 8X

Băng Cassette, được gọi đơn giản là băng nhạc. Một băng Cassette được cấu tạo từ một cuộn băng có mang từ trường trong một vỏ băng bằng nhựa, trong đó thường được ghi bằng 4 rãnh âm thanh cho 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81mm, còn độ dài của cuộn băng và độ dày của băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt, băng dài 90m), C90 (45 phút mỗi mặt, băng dài khoảng 130m)... Cuộn băng từ trường này lúc đầu được làm từ một hỗn hợp ferric oxide (Fe2O3), nhưng sau có loại tráng thêm chromium dioxide (CrO2), hoặc vài hỗn hợp khác để tăng cường chất lượng âm thanh.

Băng cassette được phát minh bởi Dale Wiggins, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty điện tử Philips. Tháng 8 năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan đã cho ra mắt băng Compact Cassette và máy nghe Cassette (được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Triển lãm Phát sóng Funkausstellung tại Berlin). Từ năm 1965, những băng nhạc Cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường, lúc đầu chỉ có thể phát bằng chất lượng âm thanh mono (âm thanh đơn kênh, đơn loa), nhưng từ năm 1966 đã có băng Cassette stereo (đa kênh).

Cho đến năm 1988, riêng hãng Philips, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ của Hà Lan, bán được khoảng 3 tỷ băng Cassette. Những hãng sản xuất băng Cassette nổi tiếng khác có thể kể ra như TDK, Maxell, BASF, Sony, JVC, Nakamichi,… Những biến thể phát triển của băng Cassette sau này như Digital Audio Tape (DAT), Digital Compact Cassette (DCC) (phát triển trong những năm 1992-1996) ... Chưa kể đến Walkman và cả Boombox, những chiếc máy phát băng cassette đã trở thành những biểu tượng của văn hóa đại chúng,... Những dấu ấn đó từng tồn tại ở thời hoàng kim của băng Cassette, tuy nhiên với sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường kỹ thuật số, những sản phẩm này không đủ sức cạnh tranh lâu dài với những sản phẩm khác và dần dần bị quên lãng.  

Boombox gắn liền với hơi thở của hiphop thế giới.

MÀN HỒI SINH BẤT NGỜ VÀO NĂM 2015

Sự phát triển của Internet từ những năm 2000 đến nay đã làm thay đổi rất nhiều cách công chúng tiếp cận những sản phẩm âm nhạc, điển hình như sự phát triển mạnh mẽ của nhạc số, khi người nghe nhạc có thể dễ dàng tìm được bản nhạc yêu thích của mình trên mạng, lưu trữ lại sản phẩm âm nhạc đó qua các ứng dụng nghe nhạc trên điện thoại như Apple Music, Spotify, Itunes,... Tốc độ nhanh, tiện lợi, miễn phí nên nó cũng mau chóng trở thành mối đe dọa cho chính những chiếc đĩa than, CD, DVD hay cả băng Cassette cũng không ngoại lệ.  

Thời đại của nhạc số.

Tuy nhiên đến những năm 2015, tại thị trường Anh - một thị trường nổi tiếng về khoản hoài niệm, những năm gần đây thấy được rõ doanh thu băng cassette tăng mạnh theo thời gian. Theo báo cáo ghi nhận, tổng số băng cassette bán ra được tại Anh năm 2017 là 22.011 băng, năm 2016 là 10.912 và 2015 là 5.801... Doanh số đã tăng 125% trong năm 2018, lên tới hơn 50.000 album cassette được mua ở Anh - số lượng cao nhất trong 15 năm qua.

Đúng là những con số trên chẳng bõ bèn gì với thời hoàng kim năm 1989 của băng Cassette với con số khủng khiếp 89 triệu băng Cassette được tiêu thụ. Thế nhưng, chậm mà chắc, cùng với sự góp sức của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu cũng đang dần chú ý trở lại với món đồ hoài cổ này như Ariana Grande, Kylie Minogue, bộ đôi nhạc punk Sleaford Mods, nhóm rock huyền thoại AC/DC,... thì cũng là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường băng cassette dễ tiếp cận lại hệ thống khán giả trẻ tuổi thế hệ sau hơn.  

Ariana Grande là lứa ca sĩ trẻ sau này đã để ý sớm tới thị trường băng cassette

Được biết, băng cassette bán chạy nhất năm 2018, năm bùng nổ của sự trở lại là album Country/Dance Pop mang tựa đề "Golden" của nữ hoàng nhạc Pop châu Âu Kylie Minogue với thiết kế mang tính sưu tập cao. Bên cạnh đó, phiên bản cassette đặc biệt của album "Back in Black" của AC/DC dành cho sự kiện Record Store Day cũng lọt vào top 20 băng cassette bán chạy nhất. Album Pop gần gũi với khán giả trẻ "Thank U, Next" của Ariana Grande cũng được phát hành phiên bản Cassette đứng đầu bảng xếp hạng băng đĩa với 540 băng cassette bán ra ở tuần đầu. Những con số và cả sự liều lĩnh phát hành cassette vào thời điểm này của giới nghệ sĩ cũng đã là một điều đáng tuyên dương, còn doanh thu dù vẫn chưa thực sự ấn tượng. Nhưng với việc tăng bền vững thế này qua từng năm, ta hoàn toàn có quyền hi vọng.

THỊ TRƯỜNG CASSETTE TẠI VIỆT NAM

Xu hướng hoài cổ hoài niệm thực ra rất quen thuộc với ngành công nghiệp âm nhạc. Ta từng nhìn thấy sự hồi sinh trên bảng xếp hạng của các thể loại nhạc xưa cũ như Jazz, Disco, Funk,... hay đôi khi nghệ sĩ cũng thích tạo nét cổ điển cho những sản phẩm âm nhạc của mình, một làn sóng "retro" mà nhiều khán giả thời nay có vẻ vẫn đem lòng yêu mến. 

Ở thị trường Việt Nam lúc này, với làn sóng Indie Việt đang thu hút khán giả trẻ tuổi cùng phong cách làm nhạc cũng mang nét cổ điển như thế, đây cũng là một bước đi tốt nếu băng Cassette trở lại Việt Nam.  

Để biết rõ hơn về thị trường băng cassette tại Việt Nam lúc này, ta sẽ cùng trò chuyện với anh Lâm Thời Đại - chủ cửa hàng phân phối, mua bán đĩa CD, đĩa than Hãng đĩa Thời Đại đang rất được giới trẻ yêu mến và tin tưởng.  

Những chiếc băng cassette hoài niệm được bày bán rất nhiều tại Hãng đĩa Thời Đại.

" - Anh nghĩ sao về sự hồi sinh lúc này của thị trường băng cassette? Và liệu rằng sự trở lại này sẽ là lâu dài hay chỉ có thể là một xu hướng nhất thời?

Cassette có thể là sản phẩm vật lý đầu tiên mà rất nhiều bạn thế hệ 8x như mình sở hữu. Một ấn bản mang rất nhiều kỷ niệm. Những chiếc mix-tape tặng nhau hay là một món quà ý nghĩa cho bạn bè những dịp kỷ niệm, cho nên khi thấy sự trở lại của băng cassette mình rất vui và hạnh phúc. Các nghệ sỹ hiện giờ đều cho ra mắt album mới ở định dạng cassette. Sau sự trở lại của đĩa than thì cassette đã trở lại, âm ỉ như để thỏa mãn nhu cầu sưu tập các ấn bản vật lý của khán giả. Tại Việt Nam thì Hãng Đĩa Thời Đại cũng đã phát hành các băng cassette của Hoàng Thùy Linh, Nguyên Hà, Cá Hồi Hoang hay Nhạc Của Trang và đều có doanh số khá tốt."  

"- Băng Cassette đúng là đang quay trở lại, nhưng vẫn rất lạ lẫm với những bạn trẻ thế hệ sau này. Anh có thể giới thiệu vài nét đặc biệt về băng cassette so với CD và đĩa than? Tiếp theo sẽ là một vấn đề đang rất được giới nghệ sĩ và cả các bạn trẻ quan tâm, khi nhiều nghệ sĩ quyết định thay đổi thiết kế album của họ từ phần trang trí hộp nhựa sang giấy để bảo vệ môi trường. Câu hỏi là băng cassette liệu sẽ bảo đảm được vấn đề môi trường hay không?  

Theo ý kiến cá nhân thì Cassette khó bảo quản hơn các định dạng còn lại 1 chút. Tuy nhiên, trải nghiệm âm thanh trên băng cassette cũng rất đặc biệt mà CD hay nhạc số sẽ không thể hiện được, có thể tạm gọi là những chất âm xưa cũ.

Công bằng mà nói streaming gây ảnh hưởng đến môi trường còn nghiêm trọng hơn các ấn bản vật lý nghe nhạc tại nhà cho cả gia đình.

Theo báo Guardian, nhạc số là nguyên nhân gián tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường cao hơn cả CD, đĩa nhựa và cassette. Streaming tuy chỉ là dữ liệu được lưu trữ và được truyền tải qua các môi trường truyền dẫn, về hậu quả còn gây ra ra hiện tượng nhà kính cao hơn nhiều so với quy trình sản xuất và sử dụng đĩa vật lý.

Bên cạnh đó, nhạc số phát triển cũng làm cho ngành âm nhạc chuyển sang sử dụng máy móc cá nhân, kết quả nghiên cứu là lượng khí nhà kính tăng lên đến 200 triệu kg mỗi năm, hơn rất nhiều so với con số 140 triệu kg vào thời kỳ hoàng kim của đĩa vật lý khi nghệ sĩ có thể bán hàng chục triệu bản những năm 70'.

"Tại Việt Nam các nghệ sỹ đã bắt đầu mạnh dạn phát hành các phiên bản đĩa vật lý trở lại sau một thời gian dài chạy đua nhạc số. Với hi vọng cassette sẽ tồn tại cùng đĩa than, CD và cả nhạc số. Album vật lý chung quy lại sẽ là đích đến cho các nghệ sỹ, điều khiến người ta phải tự hào chứ không phải những single nhạc số."

Băng Cassette từng đi đến thời hoàng kim của nó suốt thập niên 80s trước đây, rồi gặp phải thời kỳ biến động bị đe dọa bởi giai đoạn Internet phát triển. Nhưng nay, nó đã thật sự quay trở lại cuộc chơi. Và rằng dù đúng là còn nhiều mối đe dọa khó khăn đến sự trở lại này, nhưng với sự yêu mến của khán thính giả và cả làn sóng hoài cổ đang tồn tại trong giới khán giả trẻ hiện nay, biết đâu được thị trường băng cassette có thể sẽ thật sự tồn tại được lần này, song song cùng CD và đĩa than cùng nhạc số. 

Chia sẻ

Bài viết

Tố Như

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất