Sắc màu Cuộc Sống

Xúc động bữa ăn trưa vội vã của các giáo viên mầm non, vừa ăn vừa bế trẻ và những tâm sự cay đắng về nghề

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Nhọc nhằn từ sáng đến tối để trông trẻ, nhưng chỉ vì một vài câu chuyện đáng buồn trong nghề, các cô bị đánh đồng, phải chịu nhiều áp lực từ công việc, phụ huynh học sinh.

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông liên tiếp xuất hiện thông tin về một số vụ việc cô giáo mầm non bạo hành trẻ ngay trong lớp học. Những câu chuyện này khiến dư luận hết sức phẫn nộ, lên án hành động của một bộ phận các cô giáo mầm non.

Chính tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến những cô giáo mầm non chân chính, có lòng yêu thương trẻ gặp không ít khó khăn.

Có lẽ, chỉ những ai từng trải nghiệm công việc giáo viên mầm non, dù chỉ một ngày mới thấy được có rất nhiều chuyện không dễ làm tí nào. Mỗi ngày, các cô phải trải qua biết bao công việc từ chăm bẵm trẻ ăn, lau rửa khi trẻ đi vệ sinh, đến việc dọn bàn, lau sàn nhà. Lớp đông, các cháu lại đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa biết kiềm chế cảm xúc, nên các cô càng vất vả.

Nhọc nhằn từ sáng đến tối để trông trẻ, nhưng chỉ vì một vài câu chuyện đáng buồn trong nghề, các cô bị đánh đồng, phải chịu nhiều áp lực từ công việc, phụ huynh học sinh.

Mới đây, một bức ảnh được chụp tại lớp mầm non, ghi lại bữa ăn trưa của các cô giáo bất ngờ được lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người hiểu thêm về nỗi vất vả của các cô giáo mầm non.

Có thể thấy, trên bàn ăn của các cô giáo là món ăn đơn giản được đựng trên chén đĩa sơ sài. Thậm chí, nồi canh còn chưa kịp múc ra tô. Đáng chú ý là hình ảnh một cô giáo dù đang ăn cơm nhưng vẫn bế đứa trẻ đang ngủ say sưa trong lòng.

Hẳn những ai từng là giáo viên mầm non hay đang làm nghề này mới thấu được hết những nổi vất vả. Chưa kể, đồng lương của giáo viên mầm non không cao lại nhiều áp lực. Chính điều này khiến không ít giáo viên mầm non bỏ nghề, dù vẫn còn rất yêu trẻ, đam mê với nghề giáo.

Bữa cơm ăn vội của các cô giáo mầm non.

Ngay sau khi bức ảnh được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của mọi người. Trong đó, bài viết như nói hộ nỗi lòng của các giáo viên mầm non, rất nhiều người đã bày tỏ ý kiến, những suy nghĩ của mình về công việc của các giáo viên mầm non.

Đủ thứ áp lực

Một giáo viên mầm non tâm sự đã đăng tải tâm sự về những góc khuất của công việc trông trẻ, tưởng chừng dễ nhưng lại gian truân vô cùng này.

“Các bậc phụ huynh có bao giờ thấy được cảnh này đâu nhỉ?

Mỗi tháng, giáo viên còn phải làm hàng tá các loại sổ sách. Nào sổ theo dõi chất lượng, theo dõi sức khỏe các kế hoạch năm, tháng, tuần, giáo án, đồ dùng lên tiết dạy, trang trí trường lớp liên tục theo chủ đề, văn nghệ hàng tháng và các ngày lễ, rồi thì thi, lên tiết kiểm tra…

Nhiều phụ huynh không hiểu, họ nghĩ rằng giáo viên mầm non nhàn rỗi lắm, suốt ngày chỉ ngồi buôn chuyện, nhưng thực sự thì các cô thậm chí còn phải “căn ke” cả thời gian… đi vệ sinh của mình.

Trong khi trông lớp, chỉ cần các con sơ sẩy chơi đùa va chạm vào nhau là các cô “lĩnh đủ”. Phụ huynh luôn yêu cầu cô phải chăm con mình chu đáo nhất có thể, không xảy ra sai sót gì nhưng đến mức, con không ị được cũng hỏi cô, con đi ị nhiều cũng hỏi cô, rồi tại sao ngày nào con cũng ị ở nhà cũng mang lên ban giám hiệu để hỏi thì thực sự càng ngày càng nhụt ý chí và tình yêu của giáo viên đối với nghề, với trẻ.

Giáo viên đánh trẻ: Một người làm, hàng ngàn người chịu. Hôm qua mình đi ra chợ mua đồ, thấy các bà ngồi túm tụm nói chuyện với nhau về vụ việc giáo viên đánh trẻ. Họ gọi giáo viên là “con này, con kia”, “bọn giáo viên mầm non”, “mấy đứa trông trẻ”… thực sự mình cảm thấy tim thắt lại như bị ai bóp nghẹt, vô cùng đau đớn cho nghề.

Còn vô vàn điều nữa… Nói đến đây chắc các bố mẹ hiểu cái khó, cái khổ của các cô thế nào”.

Một giáo viên mầm non khác để lại vài dòng suy nghĩ: “Tôi cũng là cô giáo mầm non, ra trường và đi làm đã được 10 năm qua. Trong 10 năm qua có biết bao nhiêu nỗi bức xúc mà giáo viên như tôi phải gánh chịu. Nào là áp lực công việc, công việc quá tải so với quỹ thời gian của một người giáo viên giống như tôi và các bạn đồng nghiệp khác. Không những áp lực công việc mà còn áp lực từ phụ huynh, có những phụ huynh thật sự là dễ mến, nhưng cũng có những phụ huynh rất sổ sàng. Chỉ mong các phụ huynh sẽ hiểu được nỗi vất vả của các cô giáo là giáo viên như chúng tôi. Hãy thông cảm và chia sẽ cùng chúng tôi là những giáo viên mầm non nếu như chúng tôi có chút gì đó sơ sót”.

Những người trẻ càng lúc càng chán nghề

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đang theo học ngành sư phạm mầm non, thế nhưng, thời gian qua có liên tiếp xảy ra những vụ bảo mẫu ở các trường mầm non tư thục bạo hành trẻ nhỏ. Cũng chính bởi thế, dư luận có cái nhìn đầy khắt khe với những giáo viên mầm non. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý của các giáo viên tương lai, đến những sinh viên sư phạm mầm non còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nữ sinh viên T. L tâm sự: “Sau khi đọc những thông tin về ngành mầm non, em thực sự chới với. Sau hai năm học trung cấp của một trường dạy nghề, em đã quyết định làm lại từ đầu bằng việc quyết tâm thi vào Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH SP TPHCM. Không biết sau này sẽ như thế nào khi ước mơ làm cô giáo sẽ biến thành Ôsin có bằng cấp? Em đã được kiến tập ở trường mầm non khi đang học học kì 3, và đã chứng kiến công việc của một giáo viên mầm non, một Ôsin không hơn không kém, thật không hề như tưởng tượng của chúng em cách đây 2 năm. Em hy vọng một ngày gần nhất, giáo viên mầm non sẽ được làm đúng vai trò của mình như những giáo viên các cấp học khác. Nếu tình trạng như hiện nay cứ tiếp diễn, thì những thông tin rằng thiếu giáo viên mầm non đã có câu trả lời, không cần sự thắc mắc gì thêm”.

Nhiều người trẻ băn khoăn đến bao giờ nghề giáo viên mầm non được nhìn nhận khách quan. Ảnh minh họa.

“Tôi là một sinh viên đại học mầm non, tôi thật sự chán nghề mặc dù tôi chưa ra trường nhưng qua kiến tập tôi đã thấy chán nghề, mới bước chân vào học bao mơ ước, rồi hi vọng cuối cùng sụp đổ. Năm nay tôi ra trường, tôi cũng có ý định xin về tư thục dạy nhưng khi đọc bài của bạn tôi càng hoang mang hơn thật sự tôi không biết phải đi về đâu có lẽ phải bỏ nghề vậy. Bao giờ cho ngành của chúng ta được nhìn nhận đúng và có cơ hội thật tốt để chúng tôi được phát huy đươc hết năng lực đây”, 1 cô giáo mầm non chia sẻ suy nghĩ.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất