Sắc màu Cuộc Sống

Xử lý băng nhóm trộm SH đâm chết 2 hiệp sĩ cùng một dân thường như thế nào?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi của băng nhóm trộm SH đâm chết 2 hiệp sĩ cùng một dân thường thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng người khác, phạm tội giết người và trộm cắp tài sản.

Khoảng 20h ngày 13/5, bốn thanh niên chạy xe Exciter lòng vòng nhiều tuyến đường khu vực quận 3, TP. HCM. Đến một cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), nhóm này chia nhau canh chừng, áp sát chiếc SH của anh Phương dựng trước cửa hàng, phá khóa trộm xe.

Đội hiệp sĩ Tân Bình gồm 5 người đeo bám theo nhóm trộm từ trước, phát hiện vụ việc liền tri hô “cướp, cướp” rồi xông tới trấn áp. Nhóm trộm liền rút dao chống cự, đâm túi bụi vào nhóm hiệp sĩ. Một người đi đường hỗ trợ các hiệp sĩ cũng bị chúng đâm gục. Gây án xong chúng lên xe tháo chạy khỏi hiện trường. Các nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu nhưng hai hiệp sĩ tên Thôi và Nam đã tử vong.

Nhiều người dân tập trung tại hiện trường vụ việc.

Ông Trần Văn Hoàng trưởng nhóm đang nguy kịch, cùng hai hiệp sĩ còn lại đang được các bác sĩ tích cực cứu chữa. Đến rạng sáng 14/5, người đàn ông hỗ trợ các hiệp sĩ cũng tử vong do vết thương quá nặng.

Trước sự việc này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Nguyễn Anh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định.

Cảnh tượng kinh hoàng khi một hiệp sĩ bị đâm tử vong.

“Các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm mang theo tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong khi tham gia bắt quả tang trộm cắp tài sản. Hành vi phạm tội của chúng thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng người khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các đối tượng không những đã xâm hại đến tính mạng của nhiều người khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo vệ. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội giết người và tội trộm cắp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, n khoản 1 Điều 123 và Điều 173 BLHS 2015”, luật sư Nguyễn Anh Thơm bày tỏ quan điểm.

Luật sư Thơm cho rằng, hành vi đâm nhiều người của nhóm đối tượng thể hiện tính côn đồ, hung hãn.

Theo hướng dẫn của TAND Tối cao: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”.

Tại khoản 1 điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính… hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính…”.

Luật sư Thơm cho rằng, như vậy, các hiệp sĩ tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp này các hiệp sĩ đang thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng do công việc đó mà bị giết, thì các hiệp sĩ có thể được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ. Trong vụ án này, các đối tượng dùng hung khí đâm các hiệp sĩ là nhằm để tẩu thoát thì thuộc trường hợp phạm tội Trộm cắp tài sản.

“Trường hợp, các đối tượng sử dụng vũ lực chống lại nhằm mục đích tẩu thoát dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về Tội giết người nếu tác động vào các vùng trọng yếu trên cơ thể gây tử vong hoặc gây thương tích nặng.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

n) Có tính chất côn đồ;

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất