Sắc màu Cuộc Sống

Vụ nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin: Cần xử lý hình sự về hành vi đầu độc người tiêu dùng

Định Nguyễn
Chia sẻ

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đã lên án hành động nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin vì cho rằng đây là hành vi huỷ diệt đồng loại, khi con người sử dụng loại cà phê nhuộm tẩm này có thể mắc bệnh ung thư…

“Sử dụng cà phê phế phẩm được ngâm, tẩm, nhuộm bằng pin có thể mắc bệnh ung thư”

Mới đây, từ ngày 15-17/4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer) đã dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước với pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.

Công an tỉnh Đắk Nông ngay sau đó đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Tại hiện trường còn có 40 lít dung dịch màu đen, 35kg pin đập dẹp, 129kg lõi, nắp và vỏ pin.

Không chỉ nhuộm phế phẩm cà phê với nước lõi pin, cơ sở bà Nguyễn Thị Thanh Loan còn trộn cả đá nhuyễn - (Ảnh: ĐD) .

Về vấn đề này, trả lời báo chí, đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết bà Loan mới khai nhận chỉ bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước, ngoài ra chưa khai bán ở đâu khác.

Theo đại tá Quy, hiện công an tỉnh Đắk Nông chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan và người làm công. Cơ quan công an cũng đang làm rõ mục đích, động cơ chế phế phẩm cà phê.

Việc nhuộm cà phê bằng pin không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu uống phải loại cà phê này, mà còn tác động tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê của Việt Nam.

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải lên án hành vi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người trên.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải người được gọi bằng cái tên “Ông già Ôzôn” đã lên án hành động vì lợi nhuận mà bất chấp sức khoẻ người tiêu dùng.

“Phải nói rằng, chủ cơ sở ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê biết rõ, con người không thể uống nước ruột pin được. Thế nhưng họ khai nhận đã mua 3 triệu đồng tiền ruột pin thì số này nhuộm không biết bao nhiêu cà phê. Nếu 12 tấn bị ngâm tẩm pin thì có bao nhiêu người bị tẩm độc bởi trong pin có Mangan, Kali… đầu tiên con người bị hại chính con đường hô hấp, trên hệ thống tiêu hóa như gan, phổi, thận. Họ biết rõ nhưng vẫn làm như vậy”, Tiến sĩ Khải nhấn mạnh.

Tạp chất vỏ cà phê nhuộm than pin. Ảnh: Ngọc Ánh.

Theo Tiến sĩ Khải, để nhận biết rõ cà phê có bị ngâm tẩm ruột pin không, chỉ cần đem hạt cà phê đã tẩm pin cho hòa vào nước nóng khuấy đều thì ruột pin sẽ lắng xuống kể cả cà phê đã xay rồi vì bột pin đen, bột cà phê nâu.

“Nhưng tất cả mọi người quên mất rằng trong quá trình đập pin còn có keo, cái keo đó có thành phần gây ung thư (Khi đập ra thỏi pin có Niken, Kali Manganat tạo ra bột thỏi than). Đây là huỷ diệt đồng loại”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải lên án.

Qua sự việc này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đề nghị bổ sung vào Bộ luật hình sự những điều khoản nghiêm trị những người tẩm độc thực phẩm và ô nhiễm môi trường và phải phạt thật nặng để răn đe nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư: Chủ cơ sở nuộm phế phẩm cà phê bằng pin đã “gián tiếp giết người hàng loạt”

Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đánh giá đây là hành vi vô nhân tính của chủ cơ sở đã “gián tiếp giết người hàng loạt”.

“Ngay tại địa bàn nổi tiếng không chỉ trên cả nước mà cả thế giới về cà phê mà lại có hành vi chế biến, sản xuất các sản phẩm cà phê bằng các nguyên liệu rất độc hại cho con người như mua pin thải về đập dẹp, dùng bột màu đen trong lõi pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê.

Số cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Chỉ vì lợi nhuận mà đối tượng đã bấp chấp pháp luật, đạo đức kinh doanh đầu độc người tiêu dùng bằng cách đưa ra các sản phẩm cà phê rất độc hại với chi phí giá thành không đáng kể để lừa dối người tiêu dùng”, luật sư Thơm nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, chỉ vì lợi nhuận mà chủ cơ sở đã bấp chấp pháp luật, đạo đức kinh doanh đầu độc người tiêu dùng.

Luật sư Thơm cho rằng, xét hành vi của đối tượng đã xâm hại khách thể bộ luật hình sự điều chỉnh đó là xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của công dân và xâm hại đến quyền và lợi ích, lừa dối người tiêu dùng.

Về nguyên tắc, khi xem xét hành vi phạm tội, cần định tội danh theo khách thể cao nhất trong vụ việc này đó là chế độ quản lý nhà nước về an toàn toàn thực phảm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Do đó, hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 317 BLHS 2015.

Pin được dùng để ngâm với phế phẩm cà phê. Ảnh: Vietnamnet.

“Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Nghĩa là phải có hậu quả thiệt thại về sức khỏe, tính mạng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên mới có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một điểm mới so với Điều 244 BLHS 1999 (Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm) chỉ có thể xử lý hình sự được khi buộc phải có hậu quả thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Do vậy, trước thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 thì rất khó để xử lý được được hành vi này mà chủ yếu chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Thơm nêu.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý hình sự đối với đối tượng về hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015. Có như vậy mới có thể là hồi chuông cảnh báo, răn đe những đối tượng vì lợi ích mà đã và đang có hành vi đầu độc người tiêu dùng qua việc đưa vào lưu thông các sản phẩm gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người đang có xu hướng gia tăng và rất nóng bỏng hiện nay.

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất