Sắc màu Cuộc Sống

Vụ iFan bị hàng chục nghìn người tố lừa 15.000 tỷ: Những người tham gia góp vốn cần khởi kiện để đòi lại tiền

Định Nguyễn
Chia sẻ

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, những người tham gia góp vốn trong vụ việc iFan bị tố lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng có thể đòi lại tiền của mình thông qua việc khởi kiện tại Tòa án.

Người góp vồn cần khởi kiện tại Tòa án để đòi lại tiền

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc iFan bị tố lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng. Dự án iFan đã sử dụng một loại tiền ảo, biến tướng với việc bán hàng đa cấp để lừa đảo, qua đó có thể đã chiếm dụng số tiền lớn từ các nhà đầu tư.

Hàng chục người tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tố cáo bị lừa đảo. Ảnh: FB

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước việc sản xuất, lưu thông các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam, hoàn toàn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Vì vậy việc huy động vốn bằng tiền ảo cũng là hành vi bị cấm theo quy định.

“Trong vụ việc xảy ra tại TP. HCM, trên góc độ dân sự tôi cho rằng, những người tham gia góp vốn có thể đòi lại tiền của mình thông qua việc khởi kiện tại Toà án, yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 (BLDS 2015). Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng sẽ khó xử lý khi mà hợp đồng hai bên ký kết lại “lách luật” không đưa việc đầu tư “tiền ảo” vào hợp đồng mà thay đổi bằng một đối tượng khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Lúc này, có thể kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng theo hợp đồng hai bên đã ký kết.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Mặc dù vậy, trên thực tế, với hàng nghìn nạn nhân như trong vụ án này thì việc những người tham gia góp vốn có thể đòi lại tiền của mình sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, qua việc cung cấp thông tin cho báo chí, tư vấn của các Luật sư nếu vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì người tham gia góp vốn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để điều tra, xác minh”, luật sư Trương Anh Tú nêu rõ.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, qua các vụ lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị phát hiện ở Việt Nam, chúng ta đều hiểu rằng các vụ án như thế ở Việt Nam đều có đặc điểm chung là nạn nhân thông thường cũng chính là đồng phạm, họ bị lôi kéo vào đường dây đa cấp và chính họ lại lôi kéo người khác vào đường dây này.

Trước dự án tiền ảo iFan, đã có nhiều dự án tương tự bị tố lừa đảo khiến nhiều người tán gia bại sản. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay đổ tiền vào các mô hình này. Ảnh: Medium.

“Vụ huy động vốn bằng tiền ảo này cũng thế, đối chiếu quy định của pháp luật thì hành vi của họ có dấu hiệu của tội phạm tuy nhiên, rất khó để xử lý những trường hợp này bởi số lượng rất đông. Chưa kể bản thân họ cũng là nạn nhân, bị thiệt hại”, luật sư Trương Anh Tú nêu ra.

Nhà đầu tư nên cân nhắc khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo

Theo luật sư, đối với các vụ án liên quan đến việc huy động vốn trái phép, Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tình tiết vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu phạm tội, tuỳ từng trường hợp Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can với các đối tượng trong công ty về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” . Khung xử phạt sẽ tùy thuộc vào tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Trên thực tế, một doanh nghiệp, tổ chức hoạt động chịu sự điều chỉnh, quản lý của rất nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ UBND đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra… Chính vì vậy, nếu xét trách nhiệm cơ quan quản lý thì đó là tổng thể trách nhiệm của rất nhiều cơ quan.

Lê Ngọc Tuấn, người kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia dự án iFan, bị nhiều người lên tiếng tố cáo lừa đảo.

“Tôi cho rằng, chúng ta có thể xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh chung cho các hoạt động như: game online hay các hoạt động công nghệ thông tin nhưng không thể thừa nhận pháp lý đối với tiền ảo. Chỉ có duy nhất ‘đồng Việt Nam’ được thừa nhận và lưu thông với chức năng là công cụ thanh toán tại Việt Nam, kể cả trên đời sống thực tế và hay trên hoạt động công nghệ thông tin. Các loại ‘tiền ảo’ như bitcoin mang danh ‘tiền ảo’ nhưng thực tế đều phải dùng tiền để chuyển đổi, mua bán như vậy rất dễ xảy ra các vụ việc lừa đảo, qua mắt người tiêu dùng.

Nhà đầu tư nên cân nhắc khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mang tính chất ‘ảo’ đồng thời khung pháp lý đối với hình thức tiền này chưa có và rất khó có cơ sở để nhà nước công nhận pháp lý. Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc huy động vốn bằng tiền ảo này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, luật sư Trương Anh Tú nói thêm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất