Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ hàng trăm trẻ nhỏ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Bệnh không quá nguy hiểm, người dân không nên quá lo lắng

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nêu rõ, việc trẻ bị nhiễm giun sán nói chung và sán lợn nói riêng không phải là bệnh cấp tính và không quá nguy hiểm. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ăn chín, uống sôi.

Trẻ nhiễm sán lợn có thể biểu hiện động kinh, ngã vật ra đường

Những ngày vừa qua nhiều phụ huynh đang rất hoang mang lo lắng khi hàng trăm học sinh mầm non ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có kết luận dương tính với sán lợn. Các phụ huynh này cho rằng, con họ mắc sán lợn là do ăn phải thịt lợn không đảm bảo một công ty cung cấp cho các trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành. Về vấn đề này, phía cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Cảnh rất đông phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con xuống Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xét nghiệm vì nghi nhiễm sán lợn.

Về sự nguy hiểm khi bị mắc sán lợn, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, sán lợn được chia làm 2 loại đó là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành.

Cả ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành đi vào cơ thể đều qua con đường ăn uống. Đó là ăn phải trứng sán hoặc nang sán trưởng thành có trong rau sống, thịt sống, thịt tái… Sau đó khu trú trong cơ thể con người. Đối với ấu trùng sán lợn có thể sẽ tấn công não, cơ hoặc dưới da. Còn sán trưởng thành khi đi vào cơ thể có thể bám ở thành ruột, sau đó đứt thành đốt và đi ra ngoài cơ thể qua phân.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Triệu chứng khi bị sán lợn tấn công, bác sĩ Thiều cho rằng về lâm sàng người mắc thường có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đi ngoài có đốt xám (của sán trưởng thành). Ngoài ra, những người bị ấu trùng sán lợn tấn công còn có biểu hiện co giật, động kinh…

“Đối với người nhiễm ấu trùng sán lợn phải tiến hành chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương. Ấu trùng sán lợn gây nguy hiểm nhất là khi tấn công vào não và vào tim, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và để lại biến chứng sau này.

Riêng đối với trẻ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập như giảm chú ý, mất tập trung, co giật. Thậm chí đang đi đường hoặc đi xe có thể bị ngã”, BS Thiều phân tích.

Điều trị vài tuần là khỏi

Về phòng bệnh sán lợn, BS Thiều cho rằng phương pháp hữu hiệu nhất đó là tránh ăn đồ tái sống, đặc biệt là các loại rau sống, thịt sống, thịt tái, thịt chua… Trong trường hợp bị nhiễm sán lợn thì cần phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu.

Đối với trường hợp nhiễm sán lợn trưởng thành thì điều trị nhanh hơn. Còn nhiếm ấu trùng sán lợn thì thời gian điều trị dài ngày, thậm chí kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày.

Bác sĩ Thiều cho rằng, bệnh sán hoàn toàn có thể chữa được.

Riêng đối với những trẻ nhiễm sán ở ở Bắc Ninh, bác sĩ Thiều cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang lo lắng. Khi nghi ngờ có giun sán nên đưa đến các bệnh viện để thăm khám. Kể cả khi phát hiện nhiễm sán lợn thì hoàn toàn có thể điều trị được.

Theo đó, đối với những loại thịt lợn mắc bệnh, nếu có chứa ấu trùng sán lợn nhưng được nấu chín thì cũng không thể nhiễm sán lợn được. Sán lợn sẽ bị tiêu diệt khi được nấu chín ở nhiệt độ trên 80 độ C. Vì thế, trong trường hợp thịt lợn bệnh có nhiễm sán mà được nấu chín với nhiệt độ cao thì sán cũng bị tiêu diệt.

“Tôi phải khẳng định rằng, kể cả là thịt lợn ốm bị nhiễm sán nhưng nếu đã được nấu chín ở nhiệt độ cao thì sán cũng vẫn bị tiêu diệt. Tuy nhiên, khi ăn thịt lợn ốm, thịt lợn bẩn dù không bị nhiễm sán thì cũng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe vì không đảm bảo an toàn thực phẩm”, bác sĩ Thiều nhấn mạnh.

Cảnh nhiều phụ huynh xếp hàng từ đêm đến sáng để làm xét nghiệm cho con.

Một số ý kiến cho rằng, bị nhiễm sán lợn từ rau sống nguy hiểm hơn là bị nhiễm từ thịt lợn, BS Thiều cho biết, sán lợn là từ gọi chung cho dễ hiểu. Còn thực tế có hai loại đó là sán lợn trưởng thành và ấu trùng sán lợn.

Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ nêu rõ, việc trẻ bị nhiễm giun sán nói chung và sán lợn nói riêng không phải là bệnh cấp tính và không quá nguy hiểm. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ăn chín, uống sôi.

Khi mắc bệnh, sán lợn nếu hoàn toàn có thể loại trừ bằng việc uống thuốc tẩy giun sán. Chỉ có những trường hợp sán đi lạc chỗ như lên não, vào gan hoặc các cơ thì mới cần phải điều trị nội trú theo phác đồ. Việc điều trị hoàn toàn có thể loại trừ được sán, tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị hợp lý.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài…; và các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Trong một vài ngày qua, có nhiều cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn. Các bác sĩ đã và đang tích cực khám chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.

Việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm Elisa kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?