Sắc màu Cuộc Sống

Triệu tập một số người nghi đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước nhà máy nước sạch sông Đà

Định Nguyễn
Chia sẻ

Cơ quan Công an tỉnh Hoà Bình đã triệu tập một số người liên quan để đấu tranh làm rõ việc xả thải dầu bẩn gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.

Sáng 18/10, thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết sau căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, tối 17/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một số người liên quan để đấu tranh, làm rõ việc xả thải dầu bẩn gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.

Theo thiếu tá Đức, hiện Công an tỉnh Hòa Bình đang tập chung làm rõ, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông tin sau. “Hiện, đơn vị đang đấu tranh với những người liên quan để làm rõ sự việc và mở rộng điều tra”, thiếu tá Đức cho hay.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, ngày 17/10, Ban tuyên giáo tỉnh uỷ Hoà Bình đã phối hợp cùng UBND tỉnh Hoà Bình và lực lượng chức năng tỉnh Hoà Bình tổ chức họp báo thông tin về vụ việc xả dầu thải ra môi trường gần khu vực nhà máy nước sạch sông Đà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người dân Hà Nội.

Theo đó, sáng ngày 9/10 Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà thấy nước có váng dầu tại suối Bằng, sau đó tiến hành kiểm tra ngược theo dòng nước suối và phát hiệ đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh có đổ thải dầu tràn xuống suối Trầm. Công ty đã báo cáo các cơ quan chức năng xử lý hiện tượng trên.

Những ngày qua người dân thủ đô cuộc sống bị đảo lộn vì thiếu nước sạch.

Từ đỉnh dốc đến điểm chảy xuống xuối khoảng 150m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống xuối Trầm và khu vực xung quanh. Công ty đã báo tới Công an xã Phúc Tiến chiều ngày 9/10 đồng thời xã Phúc Tiến thông báo cho Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu khối lượng thu gom khoảng 100 lít váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu khoảng 60kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy. Khoảng 3-4m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.

Cảnh người dân khổ sở nửa đêm chờ lấy nước.

Ngày 14/10, liên ngành gồm Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường); Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hòa Bình cùng các ban ngành liên quan đã kiểm tra thực tế, vị trí đổ thải trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh vẫn còn mùi khét của dầu thải; có cát đổ trên đường; khu vực sườn dốc xuống suối Trầm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 2-3m3.

Nước suối Trầm cách vị trí đổ thải khoảng 100m và cách vị trí đổ thải về phía hạ lưu khoảng 0,6km đều không có váng dầu, không có mùi, hai bên bờ không thấy váng dầu bám vào cây cỏ.

Tại suối Bằng (cách điểm đổ dầu khoảng 2,5km), điểm xả thải sau hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy nước sông Đà có màu đen. Theo báo cáo của công ty, đơn vị này sử dụng than hoạt tính trong hệ thống xử lý và rải 1 tấn than hoạt tính tại suối tiếp nhận nước thải của nhà máy.

Tại thời điểm kiểm tra, ao cá nuôi nhà ông Thắng (xã Phúc Tiến) không có váng dầu, không thấy dầu bám quanh ao; cá chết chưa xác định rõ nguyên nhân đã được thu gom và ủ vào trong 2 thùng để làm phân.

Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc đã lấy 4 mẫu nước mặt (gồm mẫu nước ở bờ suối Bằng cách điểm xả thải của công ty khoảng 50m về phía hạ nguồn); mẫu nước tại hạ nguồn suối Trầm, mẫu nước tại vị trí kênh lấy nước đầu vào của công ty; mẫu nước mặt tại suối Bằng sau khi tiếp nhận nước thải sau xử lý; 1 mẫu nước thải tại cống xả nước thải của công ty trước khi xả thải ra suối Bằng.

Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom, xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.

Cơ quan chức năng cũng đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ chất lượng nước thô đầu vào và nước đầu ra để có biện pháp xử lý phù hợp. Đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn theo quy định, không để hiện tượng nước thải đen sau xử lý chảy ra suối Bằng.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10 cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện, vận động quần chúng tham gia tố giác tội phạm cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.

Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định, hướng dẫn tại Điều 235 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;

d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;

e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;

g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;

h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam trở lên;

b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên;

d) Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

đ) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam trở lên;

g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;

h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần trở lên.

3. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;

b) Chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên;

c) Xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần;

d) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần;

đ) Xả ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày trở nước thải lên thuộc một trong các trường hợp nước có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

e) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;

g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kilôgam đến 200.000 kilôgam;

h) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;

i) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.0000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

‘’

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất