Lý giải những thiệt hại nặng nề khiến 23 người không bao giờ trở về trong đợt mưa lũ ở vùng núi Bắc Bộ vừa qua

Nguyệt (Tổng hợp)
Chia sẻ

Tính đến thời điểm hiện tại, đợt mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua đã làm 23 người chết, 10 người vẫn chưa được tìm thấy.

Từ đêm 23 đến ngày 25/6 trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, khu vực mưa to nhất tập trung ở các tỉnh vùng núi biên giới từ Cao Bằng đến Lai Châu. Mưa lũ đã làm 23 người chết, 10 người mất tích.

Nhiều tuyến đường bị chia cắt, có nơi sạt lở cả mảng rừng. Tính tới thời điểm này, thiệt hại về tài sản gần 490 tỷ đồng.

Đợt mưa này được đánh giá là bất bình thường vì mưa lớn hàng năm thường diễn ra vào cuối tháng 7 đầu tháng 8.

Mưa đặc biệt lớn gây ra lũ quét và sạt lở. Ảnh: Ngọc Thành.

Trở về từ tỉnh Lai Châu, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ, Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài thông tin trên Vnexpress, Lai Châu có địa hình dốc, núi cấu tạo chủ yếu từ đất nên khi mưa lớn dễ xảy ra lũ, sạt lở.

Ông nói, thực tế hiện trường cho thấy không chỉ sạt lở ở những vùng có người dân sinh sống, canh tác mà cả những khu vực rừng nguyên sinh.

Về nguyên nhân gây ra thiệt hại nặng nề, ông Hoài nhận định “mưa trái mùa trên diện rộng, tần suất lớn và kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phạm vi rộng, đặc biệt ở một số khu vực của Lai Châu”.

Thông tin trên Tiền Phong, ông Hoài cho rằng, cần có một chương trình toàn diện về phòng chống thiên tai ở miền núi phía Bắc, nhất là vấn đề lũ quét, sạt lở đất.

Theo ông Hoài, đợt mưa từ 23-26/6 vừa rồi ở các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục lập những kỷ lục ở khu vực này. Đây là đợt mưa trái mùa, gây ra lũ ống, lũ quét trên diện rộng, sạt lở ở nhiều tỉnh, đặc biệt ở Lai Châu, Hà Giang…

“Mùa này, thường mưa lớn ở vùng Đông Bắc, nhưng đợt mưa này ở phía Tây Bắc, thượng nguồn sông Đà, thậm chí bên Trung Quốc cũng có mưa lớn diện rộng.

Đặc biệt, ở khu vực Lai Châu có địa hình dốc, chủ yếu là núi đất, dễ bị sạt trượt. Những khu vực bám theo tuyến đường sạt lở nghiêm trọng”- ông Hoài nói.

Đợt mưa lớn diện rộng vừa qua, không chỉ diễn ra ở khu vực rừng trồng, mà ngay cả rừng nguyên sinh cũng sạt. Vấn đề là mưa kéo dài, hạt đất bở rời, địa hình dốc, cùng đó lũ từ các con suối tuồn ra rất lớn.

Chưa kể, ngoài việc Trung Quốc xả lũ, ngay cả lượng mưa rất lớn trong vùng cũng khiến mực nước các hồ thủy điện dâng 4-6 mét trong vòng vài tiếng.

Cùng với vấn đề thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, do quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hạ tầng, nên hệ thống sông suối ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nước dâng cả mặt cầu, lột cả tấm bê tông áp phan.

Cùng với đó, hiện hệ thống dự báo, cảnh báo mưa lũ chưa đáp ứng được so với yêu cầu.

Để hạn chế những thiệt hại do thiên tai, cần có một chương trình toàn diện về phòng chống thiên tai ở miền núi phía Bắc, nhất là vấn đề lũ quét, sạt lở đất. Sắp xếp lại khu dân cư, gắn với phát triển kinh tế của người dân cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Chia sẻ

Bài viết

Nguyệt (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất