Sắc màu Cuộc Sống

Tết đặc biệt của dâu phố cổ, sống trên nóc nhà vệ sinh: 'Không dám mời người thân đến nhà ăn Tết'

Định Nguyễn
Chia sẻ

Hơn 30 năm qua kể từ khi lấy chồng phố cổ Hà Nội nhưng bà Sâm chưa năm nào dám mời người thân nội ngoại đến nhà mình ăn Tết. Nghĩ đến cảnh hằng ngày phải sống trên nóc nhà vệ sinh cũng khiến vợ chồng bà ái ngại.

Hơn 40 năm cơ cực sống trên nóc nhà vệ sinh

Mấy ngày cận Tết, ông Nguyễn Phùng Hải (86 tuổi) lại chuẩn bị đồ nghề bơm vá ra đứng ngoài đầu ngõ phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để kiếm thêm thu nhập. 

Căn nhà nhỏ rộng 10m2 trên nóc nhà vệ sinh công cộng nằm sâu trong ngõ 107 phố Hàng Bạc tối tăm bao năm qua vẫn là nơi ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sâm (76 tuổi) sinh sống.

Vợ chồng ông Hải ngồi co ro trong nhà khi cái Tết cận kề.

Ngôi nhà của ông Hải là một căn gác mái, được dựng bởi những tấm inox cũ và vài ba tấm bạt nhặt về. Với dân phố cổ, nhà siêu nhỏ là chuyện hết sức bình thường, nhưng nhà dựng trên nóc nhà vệ sinh tập thể của 6 hộ gia đình là chuyện hiếm gặp. 

"Căn nhà xiêu vẹo" nằm trên nóc nhà vệ sinh như vậy, nhưng gia đình ông Hải đã ở từ năm 1975. Đến khi hai con của ông trưởng thành thì gia đình với 4 nhân khẩu vẫn sống chung ở đây, chia sẻ từng phân vuông trong không gian chật hẹp.

Ngôi nhà của ông vô cùng đặc biệt khi nằm trên nóc nhà vệ sinh công cộng.

Phía trước căn nhà được ghép từ những tấm tôn đã gỉ sét cùng vài tấm phông bạt che nắng mưa. Hai bên là hai bức tường gạch xây cũ với những vết sơn loang lổ. Theo chia sẻ của ông Hải: "Căn nhà nhỏ đến nỗi chẳng còn một chỗ nào để có thể chen chân, cũng không có chỗ để mời khách ngồi uống nước".

Vì căn nhà quá chật hẹp nên đâu đâu cũng thấy đồ đạc ngổn ngang. Là người Hà Nội gốc, cũng là những người đầu tiên sống tại khu dân cư này, trước đây, ông từng có một căn nhà riêng, nhưng vì số phận đẩy đưa, bỗng chốc, ông thành kẻ không nhà cửa, phải sống trên nóc nhà vệ sinh. Thời trai trẻ ông tham gia chiến trường, lo làm ăn nên mãi hơn 50 tuổi mới lập gia đình. 

Hằng ngày vợ chồng ông Hải phải thay phiên nhau lau dọn sạch sẽ.

“Hồi đó có người mai mối cho tôi với vợ bây giờ. Họ bảo không lấy vợ đi còn chờ tới bao giờ. Lúc đầu tôi cũng mặc cảm lắm vì mình mang tiếng trai phố cổ nhưng nhà chẳng có phải ở nóc nhà vệ sinh. Nhưng sau kệ cứ đến cùng bà mối gặp gỡ xem, ai ngờ nên duyên với bà nhà tôi thật”, ông Hải chia sẻ.

Nghe chồng nói, bà Sâm chỉ biết thở dài. Bà kể: “Ai cũng bảo tôi dũng cảm mới dám về đây sống. Kể từ khi lấy ông ấy về đây, tôi xác định số phận mình khổ cả đời rồi”.

Do đường tình duyên lận đận nên 37 tuổi bà Sâm mới lấy chồng. Bà vốn quê làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trước đây thì con gái có chút nhan sắc, được nhiều người mai mối nhưng bà cũng chẳng ngó ngàng, để ý tới ai.  Thời gian cứ thế trôi đi đến khi “quá lứa lỡ thì” bà mới lo.

Bà Sâm kể mang tiếng làm dâu phố cổ nhưng bao năm qua phải cắn răng chịu đựng.

“Khi đó do tuổi đã cao rồi được mai mối ông nhà tôi. Hồi đó tôi chỉ biết ông ấy sống ở phố cổ Hà Nội. Tôi cũng chẳng quan tâm đến gia đình, nhà cửa của người bạn đời ra sao và chưa một lần về thăm nhà chồng trước khi cưới. Ông ấy về nhà tôi một hai lần chia sẻ tuổi đời cũng đã lỡ thì nếu được thì cả hai nên duyên vợ chồng. Hồi đó nghe xong tôi cũng gật đầu đồng ý”, bà Sâm kể lại. 

Khi đám cưới được tổ chức ở nhà gái xong, bà theo ông Hải về phố Hàng Bạc và tất cả vượt quá sức tưởng tượng của bà. Được chồng chỉ trên nóc nhà vệ sinh là nơi vợ chồng sinh sống khiến bà Sâm bị “choáng, không tin vao mắt mình”.

Mọi thứ hiện hữu trái ngược với suy nghĩ khiến bà Sâm không tin vào mắt mình. "Ngôi nhà vợ chồng ở để tính chuyện tương lai, con cái lại trên nóc nhà vệ sinh sao?", bà đặt câu hỏi. Đêm tân hôn bà Sâm khóc nức nở bỏ về nhà bà dì ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. 

Đồ nghề ông Hải làm nghề bơm vá.

Tại đây, người thân khuyên "lấy chồng thì phải theo chồng, sướng hưởng khổ chịu". Phận con gái giờ công việc đã xong phải chấp nhận. Nếu bỏ về nhà bố mẹ đẻ sẽ mang tiếng... Nghe người thân khuyên ngăn xuôi tai bà lại quay lại bắt đầu cuộc sống với chồng.

Không dám mời bạn, người thân đến nhà ăn Tết

Cuộc sống của cả hai cứ thế tiếp diễn. Hằng ngày bà gánh hàng bún riêu đi bộ bán dọc quanh các ngõ phố cổ, chồng thì bơm vá xe đạp. Hai con một trai, 1 gái lần lượt chào đời. Đến nay con trai bà Sâm đã lập gia đình và sinh 1 đứa cháu, con gái cũng đã học xong và đang đi làm. 

Nhiều lúc bí bách, vợ chồng ông Hải cũng không tránh những chuyện tranh cãi. Có lúc mọi chuyện trở nên căng thẳng tột độ, thế nhưng sau đó nghĩ đến con cái cả hai đành nín nhịn nhau để sống. 

Kể về cái Tết đang kề cận, bà Sâm bảo gia đình cũng không sắm sửa gì nhiều. Bao năm qua gia đình bà cũng không sắm cành đào, cây quất nào vì nhà quá chật hẹp.

Tết đến vợ chồng ông Hải cũng không dám mời ai đến nhà.

"Gần Tết thì em trai tôi gói rồi gửi cho 10 chiếc bánh chưng. Vợ chồng mua cân giò, vài đồ dùng là đủ cho Tết. Đào, quất thì không sắm sửa gì cả. Ở đây chật hẹp chỗ ở cũng chẳng có nữa là nơi để đào quất", bà Sâm kể. 

Kể từ khi lấy chồng hơn 30 năm nay bà Sâm cũng chưa từng một lần dám mời người thân đến nhà chơi. Nghĩ cảnh nhà không ra nhà khiến vợ chồng bà mặc cảm, tự ti. 

"Tết hằng năm con trai đưa vợ con sang chơi, ăn cơm một hôm rồi chúng nó đi chúc Tết. Con gái thì nó cũng đi làm xuyên mấy ngày Tết. Hai vợ chồng tôi thì dành 1 ngày tranh thủ về quê ngoại thắp hương gia tiên, chúc Tết anh chị em trong nhà. Thế rồi hai vợ chồng lại quanh quẩn ở đây. Tết năm nào cũng có vợ chồng người cháu đến chơi xong cuối cùng chỉ côi cút hai vợ chồng”, bà Sâm kể.

Ngoài công việc vợ chồng ông Hải cũng chỉ quanh quẩn trong nhà.

Với bà Sâm, những cái Tết trôi qua thật đặc biệt với cả hai vợ chồng. Đó đều là kỷ niệm đáng nhớ, không bao giờ quên. "Vợ chồng tôi cũng có bạn bè nhưng nghĩ cảnh mình sống trên nóc nhà vệ sinh công cộng chẳng dám mời ai đến nhà. Cứ thế dần dần bạn bè cũng khoảng cách. Về sau này thì chẳng còn mấy ai chơi. Có công có việc thì hẹn nhau gặp bên ngoài", bà nói.

Số phận làm dâu phố cổ chật hẹp nên bao năm qua bà Sâm luôn cam chịu, cùng chồng vun vén lo cho các con nên người. Nhiều lúc bà cũng động viên các con cố gắng làm ăn sau đỡ khổ hơn bố mẹ.

"Trước con trai lập gia đình tôi cũng khuyên con ra ngoài ở riêng còn cháu nhỏ. Vợ chồng nó ở cách đây không xa. Cả hai vợ chồng cũng chịu khó làm ăn để sắp tới tính chuyện mua nhà cửa đỡ khổ. Con gái thì nó cũng đi làm suốt. Vì ngại nên chẳng Tết năm nào nó mời bạn đến nhà chơi", bà Sâm chia sẻ thêm.

Nghe vợ nói dứt lời, ông Hải lại lủi thủi bước xuống dưới lau dọn toàn nhà vệ sinh. Với vợ chồng ông Hải công việc này diễn ra thường xuyên ngày vài lần. Ông bảo "Mọi người thế nào cũng được chứ vợ chồng tôi dù nắng, mưa, gió rét đều phải cắt cử nhau dọn dẹp mới yên tâm ở bên trên được".

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất