Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tâm bão số 9 ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10. Sau khi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Campuchia.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 5h50 sáng 25/11, TP Vũng Tàu đang có mưa nhẹ, gió mạnh lên từng đợt và đang ngày một lớn hơn.
Đến 7h, gió giật mạnh hơn, mưa cũng lớn hơn. Ở cảng Bến Đình, hầu hết tàu thuyền đã neo đậu, không hoạt động. Đường sá cũng thưa người qua lại, chỉ một vài tiệm tạp hóa, hàng quán mở bán.
Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 2-4m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.
Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.