Sắc màu Cuộc Sống

Quán sách 'lộ thiên' của những người phụ nữ đã ở tuổi xế chiều

Nguyên Hằng
Chia sẻ

Cụ Trình, cô Thanh hay cụ Tư đều là cái tên quen thuộc với nhiều người yêu sách cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những quán sách vỉa hè của các cụ đều tạo nên một điểm nhấn khác nhau cả về thời gian, địa điểm và cả những câu chuyện ẩn sâu bên trong.

Bà cụ “gàn dở” bán sách như cho

Cứ ngày nào lướt qua đoạn đường Cách Mạng tháng Tám (quận Tân Bình, TP. HCM), ngay số 176 đập vào mắt mọi người sẽ là một bà cụ với vài đống sách xếp chồng lên nhau trên vỉa hè. Hồi không nhìn kỹ, ai cũng tưởng người phụ nữ ấy là ăn xin nhưng hỏi ra mới biết cụ bà chính là chủ của đống sách cũ này.

Cụ bán sách ở đây không kể nắng mưa, biết bao mùa Sài Gòn thay áo nhưng hôm nào cụ cũng lái con xe cũ kĩ của mình từ quận 8 qua địa chỉ quen thuộc này. Mái tóc cụ đã bạc dần theo tuổi tác nhưng hẳn chỉ có niềm đam mê với sách là không bao giờ ít đi.

Nụ cười lặng lẽ của người đàn bà bán sách “gàn dở” bên vỉa hè

Chị chủ shop gần nơi bà bán sách có kể: “Bà ấy bán sách đây lâu lắm rồi, ngày nào cũng bán tới 8-9 giờ tối vậy đó. Trước nay mọi người toàn gọi là cụ Trình chứ ít khi biết tên thật của bà lắm. Trọ thì tít bên kia cầu chữ Y (quận 8), nhưng không hiểu sao bà lấy nghị lực đâu mà không bỏ bán sách, đã thế sách bà bán cũng chỉ vài ba nghìn thậm chí ngày gom còn không đủ tiền cơm, cũng may mọi người xung quanh lâu lâu lại mua cơm cho bà.”

Mặc xe cộ qua lại tấp nập trên phố, tay cụ vẫn miệt mài với quyển sách trên tay, mãi khi có người hỏi mua sách cụ mới dừng đôi chút. Có người bạn ghé cùng mua sách với tôi định bụng mua đại cho bà một quyển rồi tiền dư cũng đưa cho bà luôn. Ấy thế mà bà trả lại không sót một đồng lẻ nào, đã vậy lại còn tặng thêm một quyển cho người bạn trẻ nọ.

Một bạn trẻ ghé mua sách chăm chú ngồi nghe cụ kể về những chuyện ngày xưa của thành phố.

Hơn 50 năm cuộc sống của cụ Trình dường như dầm mưa dãi nắng nhiều hơn là ở trong nhà.

Vì sự hiếu kỳ, tôi mạnh dạn hỏi chuyện, bà bảo rằng: “Bán sách thế này vui lắm, chí ít tôi có bán mới có sách để đọc, để thỏa lòng đam mê, chứ mua sách mới đắt lắm. Hơn nữa không bán sách lấy đâu tiền đóng trọ à cô”.

Cụ chia sẻ thêm: “Nhớ cái lần chạy từ bên nhà trọ qua đây, trong người không còn xu dính túi, xe lại hết xăng thế là tôi phải dắt bộ từ bển qua. Nặng và cũng có những lúc nản lắm nhưng biết sao được, cái nghề nó ăn trong máu rồi. Tôi chỉ lo hôm nào bệnh không ra ngoài đó được lại buồn thêm thôi.”

Cụ vừa kể chuyện vừa đặt quyển sách lên đùi. Những câu chuyện không đầu không đuôi tưởng như vô nghĩa nhưng nghe cụ tâm sự tôi cũng hiểu phần nào. Cụ không chồng không con nhưng cụ vẫn sống bằng chính cái nghề kham khổ này vì cụ yêu sách, yêu kiến thức. Có thể nó không đem lại cho cụ số tiền lớn lao nhưng nó là cả một đam mê, một niềm vui.

Xe sách chở giấc mơ gần 2 thập kỷ của cô Thanh

Cô Nguyễn Thị Thanh năm nay đã ngoài 64 tuổi là một người mẹ luôn đau đáu giấc mơ nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Những năm đầu thế kỷ 21, sau khi chồng mất tại quê nhà Quảng Nam cô Thanh một mình bồng con vào Sài Gòn để kiếm sống.

Nuôi con với đủ nghề, thế nhưng cô Thanh lại gắn bó lâu nhất với nghề bán sách dạo này. Ngày ngày đẩy chiếc xe ba gác cũ kỹ đến bên góc đường ngay đoạn giao Đồng Đen và Bàu Cát 5, quận Tân Bình, người phụ nữ ốm yếu, gầy nhom vẫn miệt mài với gánh sách của mình.

Cô Thanh bên xe sách đã gần 2 thập kỷ của mình.

Một quyển sách cũ cô bán chỉ bằng nửa giá bìa, dù số tiền sách không là bao nhưng chưa bao giờ cô nghĩ sẽ bỏ nghề.

Cô Thanh chia sẻ: “Tôi bán sách ở đây cũng gần 20 năm rồi, vì sức khỏe không được tốt nên không thể xin làm những công việc nặng nhọc như người khác được. Gắn bó từ đó đến giờ tôi thấy mình cũng có duyên với sách cũ lắm.”

Ngày bán được ngày không nhưng chưa bao giờ người phụ nữ đã ngoài 64 tuổi ấy nghĩ tới việc nghỉ bán sách.

Suốt 20 năm qua, chính những đồng tiền lẻ từ việc bán sách đã nuôi sống hai mẹ con cô Thanh giữa chốn thành thị hoa lệ này. Ôn lại chuyện cũ, cô nhớ nhất những ngày Sài Gòn trút cơn mưa, sức yếu đẩy chiếc xe Sách nặng tới nỗi bị trật khớp tay, đợt đó phải nằm viện không đi bán được cô lo sốt sắng cả lên cũng may nhờ cậu con trai luôn bên cạnh động viên vực tinh thần. Vừa đi học vừa đi làm thêm lại phải chạy vào viện chăm sóc mẹ.

Cô tâm sự: “Có đứa con trai cuộc đời tôi cũng vui nhiều, nó cũng ngoan lắm. Vì thế suốt mười mấy năm dù vất vả tới đâu vẫn ráng bán để cho nó nộp học phí được tới trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Giờ nó còn môt năm nữa thôi là ra trường, chỉ hy vọng sau này nó kiếm được cái nghề không phải khổ như tôi nữa.”

Dù phải dành cả đời đẩy gánh sách này đi bán, cô Thanh vẫn luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp sẽ đến với con trai mình.

Gửi ánh nhìn vào xa xăm, tôi biết cô Thanh vốn đang nghĩ về một tương lai tươi sáng cho cậu con trai. Đối với người phụ nữ ôm trên vai trọng trách vừa là mẹ vừa là cha này, có lẽ việc nhìn đứa con mình trưởng thành từng ngày đó là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Cụ Tư bán sách nuôi hai người thân bị bệnh

Không giống như cụ Trình hay cô Thanh, phải chạy một vòng thành phố vào lúc nửa đêm khi mà dòng người qua lại trên các con đường bắt đầu thưa dần người ta mới có thể thể ghé quán sách đêm đặc biệt. Ở phía trước bệnh viện Thống Nhất, nằm sát góc vỉa hè ngay ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, có cụ bà bắt đầu xếp từng tập sách từ trong giỏ nhựa ra bày biện, tiếng sách va với nhau tưởng dịu nhẹ mà trong đêm tĩnh lặng bỗng vang thành tiếng.

Được biết mọi người nơi đây vẫn hay gọi bà bằng cái tên thân thuộc là cụ Tư, năm nay cụ đã ngoài 65. Tuy sức khỏe hơi yếu nhưng chục năm qua cụ vẫn làm đủ nghề để nuôi người anh bị tâm thần và người em trai không được tỉnh táo vì hậu quả của tai nạn giao thông. Cụ không không chồng không con, cụ sống một đời như vậy tại một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình.

Cứ mỗi tối, cụ Tư lại xếp từng quyển sách ngay ngắn bày bán bên vỉa hè.

Tấp xe bên lề đường, hỏi thăm tôi mới biết rằng ban ngày cụ có dạy thêm cho một số em nhỏ nữa, ban đêm lại tất bật đem từng giỏ sách ra bày. Thế nhưng do đợt dịch vừa qua cụ không thể dạy kèm được, hơn nữa sách cũng không thể bán nên toàn quanh quẩn trong nhà. Cơm áo gạo tiền, thuốc than cho anh và em trai luôn khiến bà lo lắng từng cắc, từng đồng trong việc chi tiêu.

Dù nghèo khó nhưng suốt nhiều năm cụ chẳng bao giờ oán trách số phận. Thậm chí trong khoảng thời gian gần đây, khi hay tin về hoàn cảnh của cụ, nhiều người còn có ý định quyên tiền để ủng hộ nhưng cụ cũng khéo từ chối.

Cụ bảo: “Bản thân còn sức còn bán còn đi làm được là tốt rồi, từ ngày đi bán sách tinh thần tôi cũng sảng khoái hẳn. Ra ngoài này ít ra tâm trạng tôi vui và thoải mái, sách có thể ngày bán được ngày không nhưng cứ mỗi tối lại được trò chuyện với các bạn trẻ tới mua sách, bản thân như được mở rộng hơn về sự hiểu biết và theo kịp với sự phát triển của xã hội”.

Dù trời đã tối khuya nhưng quán sách của cụ Tư không bao giờ vắng khách.

Nói về cái duyên bán sách, cụ thiệt thà chia sẻ thật ra số sách này được một chủ quán sách cũ vừa bán vừa cho lại, vì họ không có ý định bán nữa nên để lại cho cụ và em trai mang ra bán, kiếm thêm vài đồng trang trải cuộc sống. Từ ngày được “ủy quyền” số sách, cụ ưng lắm, cuộc sống có hơi bận rộn nhưng cụ chỉ lo sau này có yếu hơn chẳng thể đem số sách cũ này bán nữa.

Lắm lúc cụ vẫn hay ngồi ngắm nghĩa lại từng quyển sách để dễ bề nhớ tên giới thiệu mỗi khi có người hỏi.

Đồng hồ vừa điểm 00 giờ, trời cũng đã vãn khuya, tôi đành chào tạm biệt cụ với quyển sách cũ đã ố màu nặng mùi năm tháng vừa tậu được. Bóng cụ xa dần theo tiếng xe máy giữa đêm của tôi.

Những ngày lang thang khắp thành phố, tôi chợt nghĩ không biết các cụ ấy còn bán thêm được đến bao giờ, nhưng cứ mặc vậy. Sài Gòn này vốn thế, chuyện gì tới rồi cũng sẽ tới thôi, chỉ hy vọng mỗi ngày các cụ vẫn còn khỏe vẫn nhiệt huyết với cuộc sống của mình. Bởi có một điều không phải ai cũng nhận ra được đó là nhờ các cụ, thành phố này mới được tô thêm nhiều mảng màu khác nhau.

Bà cụ nửa thế kỷ bán sách vỉa hè. (Video: Báo Thanh Niên)

Chia sẻ

Bài viết

Nguyên Hằng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất