Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Những điều chưa kể về người dân xóm đường ray và chuyện ở bến ga chờ

Hình như người dân xóm tàu đã xem tiếng xe lửa ầm ầm kia cũng quen thuộc như hơi thở, như gió trời, như việc mỗi sáng thức dậy phải đánh răng rửa mặt rồi vội vã đến chỗ làm, vậy thôi.

Nghe xe chạy riết rồi cũng quen:

3h chiều, tiếng chuông báo động inh ỏi vang lên ở đoạn Trần Khắc Chân giao với Chiến Thắng. Hai phút sau tiếng còi hú lên từ xa, xe dần dần xuất hiện rồi chạy băng băng như một con thú hung mãnh. Đứng nép sát vào những ngôi nhà cạnh đường ray vẫn cảm nhận rõ tiếng đất rung dưới chân mình. Cái âm thanh nghe qua đã thấy sợ đó từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân xóm đường ray suốt mấy mươi năm qua.

Tuyến đường sắt cắt ngang nhiều giao lộ như Phạm Văn Đồng, Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ,.. và len lỏi qua những dãy nhà, những ngã tư trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Ở nơi nó đi qua, đôi khi chỉ cách nhà dân chừng 5, 6 mét. Đường ray vì thế trở thành nơi mọi người sinh hoạt, trồng rau, người lớn ngồi trò chuyện dăm ba câu còn trẻ con thì vô tư chạy nhảy. Hình như người dân xóm tàu đã xem tiếng xe lửa ầm ầm kia cũng quen thuộc như hơi thở, như gió trời, như việc mỗi sáng thức dậy phải đánh răng rửa mặt rồi vội vã đến chỗ làm, vậy thôi.

Cách đường ray vài bước chân là chợ ga, nơi người dân quanh đó tụ tập buôn bán mà thành. Đoạn Trần Khắc Chân giao với Chiến Thắng xe cộ vẫn tự nhiên đi lại, những gánh hàng rong bước chậm rãi và trẻ nhỏ thì tung tăng băng qua đường sắt. Chỉ khi có tiếng còi tàu báo hiệu thì mọi hoạt động mới thật sự dừng hẳn và chờ cho tiếng xình xịch đi xa thì mọi thứ lại tiếp diễn, như chưa hề có một chuyến xe nào vừa ngang qua đây.

Hỏi sợ không, ai cũng cười rồi bảo: “Nghe nó chạy riết rồi cũng quen, có gì đâu mà sợ”. Nhiều người còn quen thuộc tới nỗi biết được giờ chạy của xe lửa, cứ tầm đó thì sẽ có tiếng còi tàu. Họ lặng lẽ nhìn dòng người đi về trên những chuyến xe, thầm gửi một lời chào tới quê hương qua các ô cửa kính sáng màu và đèn lấp lánh. Rồi họ ngồi chờ cho tiếng tàu đi qua, để trả lại cho xóm đường ray sự bình yên vốn dĩ. Chỉ còn đâu đó vài ba câu chào của người hàng xóm: “Trời nóng quá, chút cà phê hén?”

Kí ức sân ga và những chuyến tàu:

Theo cụ Phác, người đã sống ở xóm đường ray hơn nửa thế kỉ cho biết, người dân tại đây hầu hết đều di cư từ Bắc vào hồi những năm 54. Ngày đó không có nhà cửa, trường học và những dãy phố, những ngôi chợ nhộn nhịp tiếng người. Chỉ có mỗi đường ray bao bọc bởi cánh đồng bao la mà ở đó, chiều chiều lũ trẻ hay chạy ra chơi đùa. Nào là nhảy dây, banh đũa, nào là bắn bi, đánh quay, những trò chơi giản dị ngày ấy cứ vui và hồn nhiên như một lời tình tự của tháng năm: em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình yên!

Còn với những người sinh ra và lớn lên cạnh đường tàu, mỗi ngõ ngách đều là một phần của kí ức. Dù đã hơn 50 tuổi nhưng anh Hương vẫn nhớ rõ mồn một từng câu chuyện ở xóm đường ray: “Ngày bé hay cúp điện, bọn anh thường chơi năm mười, trốn tìm. Đôi khi thì đánh gà hay đánh quay gì đó. Nhưng thích nhất là ngồi với mấy anh lớn nghe đánh đàn, cả chục người ngồi tụm lại dưới đường ray xe lửa. Vui lắm. Giờ kể lại vẫn còn thấy sướng.”

Bởi với họ tiếng tàu lửa cũng như tiếng còi xe hay vài ba âm thanh náo nhiệt của đường phố, cái ồn ào của nó chỉ xuất hiện vài giây ngắn ngủi rồi đi mất. Anh Hương kể: “Nhiều lúc đang xem phim có câu thoại hay hoặc nghe điện thoại mà xe lửa đi qua thì ảnh hưởng thật. Còn lại thì thấy bình thường. Buổi tối cũng chẳng ảnh hưởng gì, nói vui, nhiều lúc anh xem nó như tiếng nhạc Beethoven”.

Hỏi sao không dời đi, anh cười: “Dời đi đâu nữa, nhà mình ở đây thì mình ở thôi. Sống đâu thì quen đó. Như thằng con trai anh hồi lúc mới sinh được một tháng, về đây nghe tiếng xe lửa chạy mà không khóc gì hết. Chắc đã quen từ trong bụng mẹ rồi”.

Ngày nay người ta ít đi xe lửa vì ồn và mất thời gian, chỉ những ai thật sự thích thú mới có nhu cầu trải nghiệm. Đường sắt xuống cấp cộng với sự phát triển của hàng không khiến lượng khách giảm dần, những toa tàu chỉ lưa thưa ánh đèn chứ không sặc sỡ đủ màu như chuyến xe đi qua phố huyện không tên của Thạch Lam.

Cách đây nhiều năm rồi ở những sân ga người ta vẫn còn thấp thỏm đợi chờ nhau, tìm trong vô vàn ngoài kia một hình bóng người thân lưu lạc trở về. Và cách đây nhiều năm rồi ở những sân ga tiếng trò chuyện vẫn còn râm ran, người nối người mua vé đợi chờ lên chuyến tàu tới một miền đất hứa. Kì thực giữa đi và về chỉ cách nhau chỉ có một sân ga mà cảm xúc lại quá chừng khác biệt, như đời người cách nhau bằng cách chớp mắt mà sáng ra đã hóa người dưng. Tháng năm như đang ca bài ca của những ngày đã cũ:

“Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa
Ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn
Phố mờ sương, mái ngói mờ sương
Thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nghĩa CoCo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc