'Người trẻ hiện đại đi làm 18 tiếng/ngày, nhưng dành 100 triệu/năm cho các chuyến đi là chuyện bình thường!'

So với nhiều người bạn đồng trang lứa đã trở thành ông chủ, bà chủ hay giám đốc… chắc chắn tôi có sự thua kém. Nhưng cảm giác thua kém thì chưa bao giờ. Không nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, cuộc sống ổn định… Nhưng tôi có một tuổi trẻ rực rỡ!

Bài viết Huy Hậu
Chia sẻ

Tuổi 31, không nhà cửa, không xe cộ, không cuộc sống ổn định,… nhưng Nick M (Nguyên Minh Ngọc, SN 1987) vẫn tự hào đã có một tuổi trẻ rực rỡ đặt chân trên trăm thành phố khắp thế giới. Anh luôn quan niệm: tuổi trẻ là hữu hạn, và tại sao chúng ta phải ngồi đắn đo suy nghĩ mãi về vấn đề cơm-áo-gạo-tiền, mà không đánh đổi bằng cuộc sống nhiều màu sắc, rực rỡ nhất.

Chính châm ngôn sống hết mình vì những chuyến đi của Nick M ấy khiến đông đảo giới trẻ yêu thích. Vào đầu năm mới, tạp chí Saostar cũng đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với Nick M và cảm hứng xê dịch bất tận của anh.

31 tuổi, 25 quốc gia, 100 thành phố trên khắp thế giới

31 tuổi, Nick M đã đặt chân đến bao nhiêu quốc gia rồi nhỉ?

À! 10 năm nay, tôi đã tới 25 quốc gia, 100 thành phố rồi. Lần đầu đặt chân ra nước ngoài của tôi là năm 20 tuổi, khi đang là sinh viên năm 2 và điểm đến là Trung Quốc.

Tổng kinh phí anh bỏ ra cho những chuyến đi của mình?

Chắc là khoảng 1 tỷ đồng. (Cười)! Nghe thì có vẻ là khủng nhưng nếu tính ra thì mỗi năm, tôi dành 100 triệu đồng để cố gắng đi 10 thành phố mới, mỗi nơi chỉ là 10 triệu đồng thôi.

Nơi nào khiến anh nhớ nhất?

Mỗi điểm đến đều cho tôi một trải nghiệm riêng, nhưng 2 nơi luôn mang đến nguồn cảm hứng bất tận chắc là châu Âu và Nhật Bản. Tôi có thể đi 2 nơi đó hàng chục lần không biết chán. (Cười).

Tôi nhớ nhất là chuyến đi Ý và Đông Âu vào mùa hè 2018. Tôi đã có khoảng thời gian sống trong những ngày “hội hè miên man” (như tên một tác phẩm của nhà văn Hemingway thực sự) bằng cách ngồi uống rượu vang trên mái nhà nước Ý, leo lên cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest (Hungary) vào buổi sáng sớm…. Tất cả đều là trải nghiệm tuyệt vời.

Thú “ham” xê dịch này của Nick M có từ đâu?

Tôi sinh ra ở thế hệ 8X, trong giai đoạn đất nước vừa qua thời bao cấp và mới bắt đầu đổi mới thôi. Thời đó, thế hệ chúng tôi bắt đầu được tiếp cận nhiều với văn hóa phương Tây, tìm hiểu thế giới qua sách báo, tranh ảnh,… rồi “thời kỳ” MTV, phim bộ ở cửa hàng thuê đĩa… đã khiến tôi có sở thích xê dịch từ lúc nào không hay.

Nhưng ngày bé, sức khỏe của tôi không được tốt lắm, đặc biệt là hay bị say tàu-xe. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ: “Thế giới sẽ mãi chỉ là những bức ảnh (của người khác) nếu không tự chiêm ngưỡng bằng đôi mắt của chính mình”. Ý nghĩ đó đã thôi thúc tôi dấn thân vào những chuyến đi.

Bạn bè và gia đình có phản đối anh?

Tôi giống mẹ ở khoản thích đi đây đi đó lắm. Nhưng mẹ tôi vốn là người của thế hệ cũ nên vẫn chuộng sự ổn định. Còn bố tôi thì chỉ đi “du lịch qua màn ảnh nhỏ” thôi. Bạn bè thì cũng ít người có máu đam mê lớn cho “xê dịch”. Số đông cuộc sống của họ vẫn là đi làm, tích góp mua nhà, mua xe, lập gia đình, sinh con và rồi tận hưởng sự ổn định.

Tôi thì khác. Tôi là người thích phiêu lưu và luôn muốn thử những cái mới để trưởng thành và nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan hơn. Lúc đầu thì quan điểm của tôi cũng gặp khá nhiều phản đối, vì mọi người cho rằng “có điều kiện” thì mới làm thế được. Tôi chỉ nghĩ là khi bạn muốn một thứ thì bạn sẽ làm tất cả mọi thứ để đạt được nó.

Tôi không sống trong gia đình giàu có, nhưng để phục vụ cho đam mê của mình, tôi có thể làm việc hùng hục 12-18 tiếng một ngày. Nhưng ngay sau đó, sẽ tự thưởng cho mình một chuyến đi bằng với số bằng số ngày tôi đã tập trung kiếm tiền.

Không nhà cửa, không xe cộ, không nhiều tiền bạc, không cuộc sống ổn định… Nhưng tôi có một tuổi trẻ rực rỡ!

“Đánh đổi một cuộc sống ổn định, mua nhà cửa, xe cộ, tiết kiệm tiền bạc… để thay bằng những chuyến đi tuổi trẻ”, anh đang sống với quan điểm này?

Đúng vậy! (Cười). 

Nếu ước mơ của bạn là một ngôi nhà thật to, một chiếc xe thật xịn và dùng toàn đồ hiệu thay vì những chuyến đi thì đó quyền lựa chọn của bạn. Mỗi người đều có một quan điểm sống riêng mà, tôi cũng thế thôi. Vậy nên chúng ta không thể phán xét hay bắt ép người khác phải giống mình được!

Để có sự đánh đổi này, anh đã mất gì?

Ngày trước, gia đình cũng hướng tôi đến một cuộc sống “ổn định”: làm viên chức nhà nước, rồi lập gia đình, mua nhà, xe rồi sinh con, nuôi con… Nhưng đó chỉ là lý thuyết mà ai cũng nghĩ trong đầu, trên thực tế thì “đời có bao giờ như mơ”. (Cười).

Tôi cũng từng gặp vô số thất bại, rồi mất phương hướng khi mới tốt nghiệp đại học. Nhưng ai cũng có “vùng an toàn” (Comfort Zone) cho bản thân cả. Khi đã bước qua nó rồi thì nhiều điều thú vị mới sẽ đến với bạn.

Tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có một cuộc sống ổn định, cái mất đi nhiều nhất chắc chắn là tiền bạc, rồi đến thời gian, sau đó là sức khỏe, tuổi thanh xuân…. Nhưng đổi lại, tôi có một tuổi trẻ rực rỡ.

Nhưng “chuyến đi tuổi trẻ” chắc chắn đã mang cho anh những trải nghiệm mới mẻ?

Đôi khi tôi thấy mình giống như nhân vật chính của George Clooney thủ vai trong bộ phim “Up in the Air” ấy, vì có những giai đoạn tôi bay liên tục.

Là một phóng viên mảng văn hóa - giải trí, những chuyến đi đã cho tôi cơ hội gặp gỡ hơn 100 ngôi sao quốc tế, trong đó có những người mà khi bắt đầu biết đến họ cách đây nhiều năm, tôi không bao giờ tưởng tượng được có ngày mình sẽ được bắt tay, trò chuyện với họ. Tôi đã gặp gỡ Tom Cruise, Keanu Reeves, Meryl Streep, Jason Statham, Will Smith, Triệu Vy hay thậm chí cả ngôi sao phim cấp ba Nhật Bản đình đám một thời - Sora Aoi… Những chuyến đi ấy lại truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều để tiếp tục viết để đi, đi để viết.

Không xê dịch vì người trẻ chưa đủ can đảm để bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình

'Người trẻ hiện đại đi làm 18 tiếng/ngày, nhưng dành 100 triệu/năm cho các chuyến đi là chuyện bình thường!'

“Bạt mạng bỏ tiền vào những chuyến đi, mà không tích góp cho mình nổi 50 triệu trong tài khoản để ổn định về già”, anh phản ứng sao nếu có người nói về anh như vậy?

Tôi sẽ không ngần ngại đáp trả: “Liệu có còn sống đến già để mà tiêu hay không?” (Cười lớn). Nói đùa vậy thôi chứ chắc chắn tôi sẽ không đáp trả mà chỉ mỉm cười. Đó là một câu nói phán xét người khác và tính tôi thì nói ít, làm nhiều. Tôi chưa bao giờ bỏ tiền cho những cuộc vui chơi mà không tính toán khai thác được gì từ đó.

Bạn có tin là những chuyến đi cách đây 5 năm mà tôi vẫn khai thác được trong các bài viết để gửi báo kiếm nhuận bút không? Việc tích góp là tốt nhưng cá nhân tôi luôn nghĩ là phải cân bằng với việc tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn chỉ lo tích tiền thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ chẳng còn thời gian để tiêu xài. Ngược lại, nếu bạn chỉ lo hưởng thụ thì đến một ngày, tiền hết và cuộc sống sẽ rất khó khăn. Tại sao không kết hợp cả hai cái và hướng đến sự cân bằng?

So với nhiều người bạn đồng trang lứa đều đã trở thành CEO, ông chủ, bà chủ hay giám đốc, chắc chắn tôi có sự thua kém. Nhưng cảm giác thua kém thì với tôi là chưa bao giờ. Mỗi người có một lựa chọn, một cuộc sống riêng và bạn hài lòng với nó là được.

Ước mơ và thực tế rất khác nhau. Hầu hết người trẻ đều ước mơ xê dịch, nhưng thực tế công việc, cuộc sống, thu nhập,… không cho phép họ. Anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ước mơ mãi là ước mơ khi ta không thực hiện nó, thực tế mãi khô khan nếu không có chút mơ mộng và liều lĩnh. Mỗi cá nhân sinh ra đều có quyền lựa chọn khi trưởng thành. “Người trẻ muốn được xê dịch nhưng họ bị chi phối bởi công việc, cuộc sống, thu nhập…” - tôi nghĩ sẽ có 1001 lý do để kìm hãm cho việc xê dịch được đặt ra như vậy.

Nhưng chúng ta đã sống ở thế kỷ 21, trong thời đại Công nghiệp 4.0 rồi việc đi lại không còn quá phức tạp và tốn kém như trước? Thậm chí có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ “xê dịch” ở ngay nơi mình sinh ra và lớn lên hay chưa? Hầu hết người muốn nhưng đều ngụy biện bằng nhiều lý do khác cho sự “chưa được” của mình là vì họ không đủ can đảm bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân mà thôi.

Làm thế nào để đạt sự cân bằng của tuổi trẻ-sức khoẻ-cuộc sống thực tế cho mỗi người?

Tôi nghĩ tuổi trẻ là một thứ tài sản, nó được sinh ra và sẽ mất đi theo thời gian một cách nhanh chóng nếu ta không biết tận dụng nó. Tôi luôn cố gắng cân bằng tuổi trẻ bằng việc vạch ra những mục tiêu rõ ràng cho bản thân. Tôi không bao giờ vì mải làm mà quên ăn hay vui chơi quên tháng ngày, mặc kệ công việc ra sao.

Nhiều người trẻ ngày nay đi theo trào lưu cảm hứng sống YOLO (viết tắt của cụm từ “You Only Live Once”, mang ý nghĩa rằng bạn chỉ sống một lần trong đời nên hãy sống cho bản thân mình thay vì sống cho người khác, sống cho hiện tại thay vì cho tương lai). Song rất tiếc, tôi không đi theo phong cách sống YOLO đó được. Bản thân tôi chỉ hướng đến việc trở thành một người tử tế, biết tận hưởng cuộc sống nhưng vẫn quan tâm tới những người xung quanh và truyền sự lạc quan, năng lượng tích cực đến họ.

Tôi thích uống đến say khướt bên những người bạn thân, làm những trò điên rồ của tuổi trẻ như hát vang trong cả quán bar, trèo ban công thay vì đi cửa chính… Nhưng tất cả vẫn phải trong khuôn khổ của sự an toàn. Tôi rất sợ kiểu “quậy tới bến” một lần rồi thôi, không cần biết đến ngày mai. Chính vì thế, hãy đủ tỉnh táo để đón nhận nó.

Sắp qua năm mới, Nick M còn dự định gì năm 32 tuổi không nhỉ?

Tôi đang thực hiện cuốn sách thứ 4, dự kiến ra mắt vào tháng 4 năm nay. Sau cuốn sách này, tôi có dự định đi du học một thời gian để có thêm những trải nghiệm mới. Tôi nghĩ đã đến lúc mình cần một sự thay đổi lớn hơn về môi trường sống, bước chậm lại để tiến dài hơn cho những nguồn cảm hứng mới.

Tôi vẫn đang hài lòng với cuộc sống tự do, phiêu lưu của mình!

Cám ơn Nick M vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ