Sắc màu Cuộc Sống

Người phụ nữ sống chung với những đứa trẻ có HIV, 30 năm không ăn Tết cùng chồng con

Định Nguyễn
Chia sẻ

Lập gia đình gần 30 năm cũng là từng đó thời gian vợ chồng cô Minh chưa một lần ăn Tết trọn vẹn bên gia đình, con cái. Bởi lẽ hằng ngày cô cùng nhiều người “mẹ” khác vẫn tận tuỵ bên những số phận gần 80 đứa trẻ mang HIV.

Những mảnh đời bất hạnh có trái tim đồng cảm

Nhiều năm nay, cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) trở thành ngôi nhà chung gắn bó của gần 80 đứa trẻ bị có HIV. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhiều trẻ nhỏ từng bị chính những người thân yêu nhất ruồng bỏ, luôn ao ước có một ngày được gia đình đến đón về hay chí ít là một lần đến thăm nuôi nhưng vô vọng…

Tại đây, các em được những cán bộ, giáo viên dù không mang nặng đẻ đau, không chung máu mủ nhưng luôn yêu thương, chăm sóc như chính con đẻ của mình. Giữa họ, cũng không có khoảng cách.

Những đứa trẻ có HIV đang được các “mẹ” tại trung tâm chăm sóc.

Cô T. bên những đứa con không may mắn tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2.

Có mặt tại khu chăm sóc trẻ sơ sinh, cô Lê Thị T.(52 tuổi, quê Tuyên Quang) cùng các “mẹ” khác đang chơi đùa với các con. Cô T. có hoàn cảnh vô cùng trớ trêu khi bản thân và con ruột của mình cùng bị phơi nhiễm HIV từ chồng.

Chồng cô trước vốn là lái xe đường dài. Sự việc chỉ được phát hiện sau khi người chồng đã mất. Nỗi đau quá lớn đổ ập xuống gia đình vốn đã từng rất hạnh phúc ấy. Sau một thời gian tự vấn bản thân, hai mẹ con cô tới cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 và cô cũng dần trở thành “mẹ nuôi” của những đứa trẻ.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 hiện có gần 80 đứa trẻ bị mang HIV đang được chăm sóc.

Vui vẻ bên cạnh 3 “con” của mình tại trung tâm, cô T. cười bảo, trước đây bản thân rất tự ti sau khi biết mình phơi nhiễm “H”. Thế rồi, sau khi xem chương trình Người xây tổ ấm với câu chuyện về tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng của những người “mẹ” ở cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, cộng thêm đó bản tính thương yêu trẻ nhỏ, cô đã quyết định về đây.

“Thời gian đầu, tôi phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Có lúc tôi nghĩ, mình không thể ở lâu được nơi này. Nhưng rồi những tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gọi “mẹ” của các con… dần khiến tôi thấy gần gũi và muốn gắn phần đời còn lại của mình ở đây”, cô T. tâm sự.

Các em đều có mảnh đời bất hạnh, thậm chí không có người thân nhưng luôn lạc quan trong cuộc sống.

Hơn 10 năm gắn bó với cơ sở từ khi chỉ có vài ba đứa trẻ, chưa có bất kỳ cơ sở vật chất nào, tiền ăn thậm chí mình cũng phải tự bỏ ra, đến nay, khi cơ sở vật chất đã khá ổn định, cô T. không đếm được mình đã chăm sóc bao nhiêu đứa trẻ có HIV.

Cũng không biết bao lần, cô tất tả cõng các con đi trong đêm để tìm xe xuống bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu vì sức khỏe của những đứa trẻ mang “H” luôn có những biến động bất thường.

Suốt 10 năm chăm sóc cho những đứa bé tại cơ sở, cô T. có rất nhiều kỷ niệm.

“Các con nằm viện nhiều lắm. Đến giờ, tôi vẫn không quên được giây phút nhìn một đứa con mới vài tháng tuổi, chỉ đưa vào ngôi nhà chung được ít ngày đã mất. Khi đưa vào đây, con yếu quá, căn bệnh tim bẩm sinh, cộng thêm cả nấm não nên con không thể qua khỏi.

Những đứa trẻ đưa vào đây, đứa đã được bố mẹ đặt tên, đứa chưa có tên vì bị bỏ rơi. N.H cũng là một trong số ấy. Con vào đây khi mới 1 ngày tuổi, bị ai đó đặt trong chiếc làn và bỏ ở cổng của Cơ sở. Lúc đó con cũng yếu. Nhưng giờ con đã được gần 10 tháng tuổi rồi, con ngoan lắm”, cô T. nghẹn ngào nói.

Khi chúng tôi chia tay cô T. và các “mẹ” cùng các con ở khu chăm sóc trẻ sơ sinh, có em cứ gọi theo mãi: “Mẹ ơi!”, “Bố ơi!” bởi lâu rồi chúng luôn khao khát tình cảm ruột thịt, kể cả khi thấy người lạ khi vào trung tâm.

30 năm không được ăn Tết cùng chồng

Cũng như cô T., cô Nguyễn Thị Minh (55 tuổi, quê Yên Bài, Ba Vì) dành trọn tình yêu của mình cho những đứa trẻ tại đây. Cô Minh hiện đang phụ trách thư viện trường tiểu học của cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, nơi có 19 em học sinh của Cơ sở đang theo học.

Suốt gần 30 năm qua vợ chồng cô Minh chưa được ăn Tết trọn vẹn, hằng ngày cô chăm sóc cho những đứa trẻ tội nghiệp tại đây.

Những ngày mới vào công tác tại cơ sở, nhìn các con da bị bong tróc rồi rất nhiều các bệnh kèm theo có lúc cô Minh cũng thấy sợ. Nhưng sau khi được đi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, cô Minh dần hiểu hơn về những gì các con đang trải qua, hiểu hơn về cách bảo vệ mình khi tiếp xúc với những người mang “H”, và cô thấy gắn bó với các con. Các con ở đây đều thân mật gọi cô là bác.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, hình ảnh bé Lan (tên một bé gái mang HIV) từng được cô Minh thương yêu lại hiện hữu. Thế nhưng số phận không may Lan đã vĩnh viễn lìa khỏi cõi đời này. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn đáng yêu ngày ấy dần hiện về trong ký ức của cô.

Đối với các cô giáo, tình yêu cho những đứa trẻ kém may mắn luôn bao la và như chính con ruột của mình.

“Lúc con ra đi mới có 5 tuổi, con đã ở giai đoạn cuối. Thời điểm nằm viện, con đau lắm, cứ lăn lộn suốt cả đêm. 3h sáng con mất. Trước khi mất, con không nói được gì, chỉ đòi ăn, đòi uống. Lúc ấy, cô H. cũng là một “mẹ” bị mắc căn bệnh này, nắm tay con dặn dò: “Các mẹ” ở đây luôn yêu thương và mong con được sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nếu số phận con không may mắn, con phải ra đi sớm thì con chọn giờ lành mà đi…”, rồi con lịm dần, lịm dần trong giọt nước mắt của chúng tôi”, cô Minh tâm sự.

Những ngày cô Minh làm ở đây, chiều chiều, các con ở các nhà Hoa Mai, Thỏ Đế… vẫn ra xin bút, xin vở. Rồi cô và các con lại trò chuyện cùng nhau. Mỗi sáng, khi nghe tiếng gọi: “Hoa Mai ơi dậy đi! Thỏ Đế ơi dậy đi!”, các con đồng loạt thức dậy vệ sinh cá nhân để bắt đầu ngày mới.

Hình ảnh lũ trẻ sau giờ tan học.

Nề nếp là vậy, nhưng trong một số con đều có những cái tôi rất riêng. Chính vì thế, với những người làm mẹ, làm bác như cô Minh, phải hiểu được tính cách của từng đứa trẻ, đôi khi thì thầm tâm sự cùng các con như những người bạn.

Xây dựng gia đình gần 30 năm nhưng cũng gần 30 năm ấy, chưa một năm nào, hai vợ chồng cô Minh được ăn Tết cùng nhau. Bởi lẽ, chồng của cô Minh cũng công tác tại cơ sở Cai nghiện ma túy. Những ngày Tết như thế, phải chia tay các con để vào trực tại ngôi nhà chung của cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, cô Minh thấy buồn nhiều.

“Nhưng lúc vào đây, được ăn Tết cùng các bé mồ côi, những phận đời bất hạnh tôi lại quên đi nỗi buồn ấy. Còn với các con, năm hết Tết đến, các con không khóc vì nhớ nhà, bởi lẽ, từ bé, các con đã là những đứa trẻ không có nhà. Mỗi con là mỗi số phận. Nhiều năm gắn bó với cơ sở, tôi đã có biết bao câu chuyện buồn về mỗi em. Sau này khi nghỉ hưu, có lẽ, ngồi cả tháng tôi cũng không thể kể hết chuyện về những ngày gắn bó với ngôi nhà chung này”, cô Minh trải lòng.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất