Sắc màu Cuộc Sống

Người 15 năm trông ngôi mộ tập thể lớn nhất Việt Nam chết vì nạn đói năm 1945: 'Đây là việc tâm linh nên tôi muốn làm sao cho trọn vẹn'

Định Nguyễn
Chia sẻ

Ít ai biết rằng, ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội lại có một ngôi mộ tập thể, được cho là lớn nhất Việt Nam chôn vô số người chết vì nạn đói kinh hoàng năm 1945.

Những hồi ức về nạn đói kinh hoàng năm 1944-1945

Cứ đều đặn mỗi sáng, ông Đặng Văn Tuyến (69 tuổi) dậy sớm tập thể dục vài vòng rồi bắt đầu mở cửa nghĩa trang Hợp Thiện nằm trong ngách sâu hun hút của ngõ 559, đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội quét dọn toàn bộ khuôn viên.

Nghĩa Trang Hợp Thiện rộng 158m2, nơi đây chẳng có gì ngoài tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu với những lời ai oán: “Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”. Bức tường đơn sơ đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”; bệ đặt bát hương, ngôi nhà thờ và bể chứa xương người lớn nhất Việt Nam.

Nghĩa trang Hợp Thiện nơi tưởng niệm các nạn nhân chết đói năm 1944-1945.

Ông Tuyến đã 15 năm trông coi khu tưởng niệm.

Sau khi thắp hương, ông Tuyến bắt đầu kể những câu chuyện về ngôi mộ tập thể với vô số người chết vì đói này. Trong ký ức người Việt Nam, nạn đói năm Ất Dậu vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. Thảm họa ấy bắt đầu từ tháng 10/1944 kéo dài đến giữa năm 1945. Nạn đói đã “càn quét” qua 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. Trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa…

Cái đói năm ấy không buông tha một ai, những người dân nghèo, người lao động, đặc biệt là nông dân không có ruộng đất chuyên đi làm thuê và nông dân ít ruộng đất đã phải bỏ mạng.

Cảnh người sống ngắc ngoải trong nạn đói 1945. Ảnh tư liệu.

Để chống lại nạn đói, cái chết cận kề, người dân ăn từ rau dại, đến củ chuối, vỏ cây, nhiều vật nuôi cũng bị giết để lấy thịt… Khi không còn gì ăn thì nhiều người ngồi chờ chết, để người nhà mang đi chôn hoặc chết ở bờ bụi khi đi kiếm ăn. Cái chết đến từ từ, thảm khốc, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần.

Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót. Tháng 3/1945, nạn đói lên đến đỉnh điểm khiến nhiều người khiếp sợ.

Hình ảnh xương người chất lên xe bò.

Người dân đào hố sâu chôn mộ tập thể.

Bể chứa xương người chết đói ở nghĩa trang Hợp Thiện.

Hàng vạn người lũ lượt chạy đói đến các thành phố lớn. Có người bán cơ nghiệp, có người ôm con nhỏ tha hương đầu đường xó chợ… Người dân Hà Nội khi ấy đã phát động Ngày cứu đói, lập trại tế bần phát cháo. Người sắp chết thì được đưa về trại Giáp Bát, còn người chết đói thì xác chất đầy xe bò đem đến đổ chất đống tại nghĩa trang Hợp Thiện.

Theo ông Tuyến, ngôi mộ không thể biết chính xác có bao nhiêu người chết nhưng có rất rất nhiều người đã bỏ mạng. Hàng chục nghìn sinh linh chết không gỗ ván, không bia mộ tìm được nơi mai táng trong một nấm mồ chung. Bể mộ sâu 4m và rộng gần 40m2. Phần trên bể mộ có bức tường xây dựng lần đầu năm 1951.

Trên tường, nơi khách thắp hương treo những hình ảnh quy tập xương cốt đồng bào do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ghi lại. Đây là thân hình xác xơ vì đói, nhìn không ra đàn ông hay đàn bà; kia là chồng chất xương sọ được xếp lại trong hầm đem chôn mà người yếu bóng vía sẽ không dám ngắm.

15 năm ngày đêm tình nguyện dọn dẹp khu mộ tập thể chung

Theo ông Tuyến, Khu tưởng niệm hơn 2 triệu đồng bào này suýt bị rơi vào quên lãng, nếu như năm 2001 không có 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945”. Sau đó, vào tháng 9/2003, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu vực này. Trong đó, bể xương chứa hàng vạn hài cốt của đồng bào nằm ở chính giữa.

Tấm bia tưởng niệm những đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945.

Quanh mộ ông Tuyến trồng nhiều chậu cây xanh.

Ông Tuyến vốn sống từ nhỏ ở đây nên hiểu tường tận về khu mộ tập thể này. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn rất hoang vắng. Những năm đầu thập niên 90, bể xương còn nằm lộ thiên. Sau này, mọi người xây dựng thành bể kiên cố, để lại một lỗ thông âm – dương. Tuy nhiên, trải qua mưa gió gây ô nhiễm mọi người đã bịt kín.

Năm 2001, thấy nhóm sinh viên đến làm đề tài, ông Tuyến ra xem. Nhưng không hiểu sao, sau lần đó, trong ông bỗng thấy lòng thương cảm, muốn mình “gắn bó” với những hài cốt này vô cùng.

Tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu đặt trong khuôn viên.

“Năm 2005 sau khi nghỉ hưu tôi tự nguyện đến đây trông nom, chăm sóc, thắp những nén nhang cho những linh hồn xấu số được siêu thoát. Công việc này đòi hỏi phải có tâm chứ không có tâm không làm được. Đây là việc làm tâm linh nên làm sao cho trọn vẹn. Ngày rằm, mồng 1 âm lịch, lễ, Tết… hàng tháng tôi đều mở cửa cả ngày để mọi người vào thắp hương tưởng nhớ những người đã thiệt mạng vì nạn đói năm ấy”, ông Tuyến chia sẻ.

Hình ảnh khu tưởng niệm được xây dựng năm 1951.

Hình ảnh chia gạo cứu đói cho đồng bào năm 1945.

Hằng ngày ông Tuyến đều đặn dành thời gian hai buổi sáng chiều quét dọn, lau chùi sạch sẽ toàn bộ khuôn viên. Ông cũng trồng nhiều cây xanh. Suốt 15 năm làm công việc trông coi Khu tưởng niệm đặc biệt này, ông Tuyến đã đón vô số đoàn khách từ khắp nơi đến. Thậm chí rất nhiều vị khách đến từ nước Nhật Bản xa xôi đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.

Họ là những người từng tham chiến ở Việt Nam, nhà sử học, nhà nghiên cứu, sinh viên, khách du lịch… Có khách đến đây vì từng nghe về tội ác do chính cha ông họ gây ra. Cũng có người đến vì tò mò. Nhưng dù là ai, đến đây vì lý do gì, thì tất thảy đều cúi đầu trước vong linh người đã khuất!

Những hình ảnh nạn đói năm đó được đặt trong khu tưởng niệm.

Trong cuốn lưu bút của du khách thập phương đến thăm khu tưởng niệm còn được cất giữ cẩn thận, hiện vẫn còn dấu bút của nhiều công dân Nhật Bản. Hầu hết đều cảm thấy nuối tiếc cho một thảm họa nhân đạo xảy ra trong quá khứ.

Có khách đến đây vì từng được nghe về tội ác do chính cha ông họ gây ra, có người đến vì tò mò, thậm chí có từng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Nhưng, dù họ là ai, đến với tâm thế và cương vị như thế nào đi nữa thì tất thảy họ đều cúi đầu tỏ vẻ ăn năn trước vong linh người đã khuất.

Trong cuốn lưu bút của du khách thập phương đến thăm khu tưởng niệm còn được cất giữ cẩn thận, hiện vẫn còn dấu bút của nhiều công dân Nhật Bản.

Có người viết sách gửi về tặng ông Tuyến.

Ông Tuyến tâm sự, cứ vào những ngày Rằm tháng 7, lãnh đạo chính quyền, cùng các tăng ni phật tử từ khắp nơi đến đây để cầu siêu cho các vong linh của nạn đói năm 1944-1945. Khi đến đây, ngoài việc chứng kiến nỗi đau thương mất mát của đồng bào, người dân và cả du khách thập phương như được nhắc nhở về một sự hy sinh của hàng triệu đồng bào cho nền độc lập của nước nhà.

Đến nay đã hơn 75 năm trôi qua thế nhưng những hình ảnh về cảnh về nạn đói kinh hoàng năm xưa với những ngôi mộ tập thể chứa vô số người chết vẫn hiện hữu trong tâm trí nhiều người. Những nhân chứng từng đi qua tai họa lịch sử ấy thì ghi nhớ nỗi đau thương sâu trong tâm. Nhiều người thế hệ sau thì nhắc nhau mãi ghi nhớ để tưởng niệm những người đã ra đi năm vì nạn đói năm đó… Còn ông Tuyến sẽ tình nguyện dọn dẹp nơi đây cho đến khi nào không còn sức nữa.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất