Sắc màu Cuộc Sống

'Ngụ ngôn mạng': Trái táo độc với vẻ ngoài đẹp đẽ

Chia sẻ

Cảm giác phát hiện mình bị lừa dối sau khi tin tưởng và cảm động bởi một câu chuyện nào đó sẽ khiến người ta dần chai lì cảm xúc, để rồi họ sẽ càng khó tin tưởng vào những điều tốt đẹp thực sự trong cuộc đời. Và tệ hơn, họ sẽ tiếp tay tạo ra những câu chuyện dối trá - những “ngụ ngôn mạng”.

Là con người, chúng ta thường dễ xúc động, đồng cảm hoặc phẫn nộ trước một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta được chứng kiến, được nghe thấy, được kể về… Sự xúc động có thể sẽ giúp chúng ta sống tốt đẹp hơn, đối xử với mọi trở ngại một cách trưởng thành hơn. Tuy nhiên, nếu câu chuyện chúng ta nghe thấy là một sự dối trá được bọc dưới hình thức đẹp đẽ thì liệu giá trị chúng mang lại có còn nguyên vẹn?

Trong thời đại mà hầu hết mọi người đều dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội và hàng trăm ngàn câu chuyện mỗi ngày, chúng ta càng cần phải tỉnh táo và lí trí trước bất kỳ một “ngụ ngôn mạng” nào. Liệu đằng sau mỗi câu chuyện như thế có thật sự là một tấm lòng thiện lương hay đơn giản là một hình thức lợi dụng người đọc để câu view câu like, nhằm kiếm lợi cho bản thân?

Câu chuyện về sự dối trá của cô du học sinh Pháp thu hút rất nhiều cư dân mạng xã hội.

Câu chuyện về sự dối trá của cô du học sinh Pháp thu hút rất nhiều cư dân mạng xã hội.

Câu chuyện về một cô du học sinh Pháp luôn trốn vé tàu để rồi công ty không tuyển dụng do đã điều tra về cô và phát hiện những “gian dối” của cô , đồng thời nhân viên tuyển dụng đã gián tiếp ca ngợi sự trong sạch và thành thật của đất nước mình đang được rất nhiều người chia sẻ , tán thưởng một bài học đạo đức cao cả, nhưng sự thật là gì? Vẫn chỉ là một “ngụ ngôn” lãng mạn đầy lỗ hổng do một ai đó với trí tưởng tượng cao vút ngồi phòng máy lạnh gõ ra mà thôi.

Một hiện thực khác được phơi bày hoàn toàn trái ngược với câu chuyện được chia sẻ.

Một hiện thực khác được phơi bày hoàn toàn trái ngược với câu chuyện được chia sẻ.

Một luận điểm để chứng minh câu chuyện trên hoàn toàn giả dối và bịa đặt. Chỉ cần một bức ảnh tác động đến lòng thương, một cái tên “tây” cho có vẻ đáng tin, một đất nước xa lạ không thể kiểm chứng ngay,… người đọc sẽ bỏ qua rất nhiều câu hỏi cần đặt ra cho một bài viết phi logic về “đạo đức”, thế là chủ nhân của nó đã có hàng chục ngàn lượt like và share, vì ai cũng muốn thể hiện là mình có “đạo đức”.

Một trong rất nhiều ví dụ về những câu chuyện thu hút cộng đồng mạng.

Một trong rất nhiều ví dụ về những câu chuyện thu hút cộng đồng mạng.

Đây chỉ là một vài ví dụ giữa muôn ngàn ví dụ về các “ngụ ngôn mạng” mà người người say mê. Chúng ta có thể nghĩ đơn giản là có thể tác giả có ý tốt, muốn mượn một câu chuyện (dù giả dối) để giúp con người ta sống tốt hơn. Nhưng có thật vậy không? Khi chúng ta phát hiện bà bán ốc luôn xin mọi người “mua nốt số ốc còn lại” để bà về sớm với con cháu, khi người ta quay đi bà lại đổ thêm “một ít” ốc ra để xin một ai đó mua tiếp- chúng ta có thể “tin tưởng” bà ấy được nữa không? Chúng ta thấy một kẻ ăn mày lê la với đôi chân tật nguyền rồi kẻ đó bị lật tẩy là giả tật nguyền để được cho nhiều tiền - chúng ta còn có thể “tin tưởng” và “thông cảm” cho họ nữa hay không?

Mọi lý do tốt đẹp bắt nguồn từ gian dối liệu có bền vững? Khác gì một cái cây bị tưới đẫm thuốc sâu để giữ cho quả đẹp cành tươi nhưng ăn vào thì đầy chất độc? Đạo đức, lương tâm, tình yêu thương của con người có cần một câu chuyện bịa đặt để kích thích nó lên, và rồi khi phát hiện đó là sự gian dối, liệu có mấy người không sinh cảm giác đề phòng và tự vệ trước cả những điều tốt đẹp thực sự trước mắt? 

Họ - những kẻ viết “ngụ ngôn mạng” đã quá hiểu tâm tư của con người. Ai cũng có lòng trắc ẩn, lòng trắc ẩn không phải điểm yếu, điểm yếu của họ là khát khao bộc lộ điều ấy, muốn được mang những danh hiệu tốt đẹp trong con mắt người khác hoặc để tự nhủ với chính mình, và không gì đơn giản để thể hiện điều đó bằng đi share một câu chuyện “tốt đẹp” về “sự tử tế”.

Thật đáng tiếc! Giá mà sự tử tế có được chỉ cần qua like và share. “Ngụ ngôn mạng”, y hệt như những bài viết “Mỗi like là một Đô la cho trẻ em Châu Phi” ngày trước, chỉ là nó xuất hiện với một hình thức mới, kín đáo và có vẻ “đạo đức” hơn. Nó nhắm tới những phân khúc độc giả bình dân không chịu bồi đắp kiến thức , không biết tự tìm hiểu, như một thứ mút xốp hấp thu mọi loại chất lỏng nó gặp mà không phân loại gì; và cũng chính loại độc giả này sẽ phản ứng dữ dội, đề phòng, chán ghét , mất lòng tin vào mọi thứ tốt đẹp sau khi phát hiện thứ mình tin trước kia chỉ là dối trá. Với họ, nếu không “tin tất cả” thì sẽ “không tin gì cả”, đó là cách giải quyết đơn giản mà lại không cần động não suy nghĩ và học hỏi.

Ngày nay, công nghệ đã giúp việc tiếp cận với mọi nguồn tri thức trên khắp thế giới trở nên dễ dàng, nhưng hệ quả kéo theo cũng là người ta quá dễ tiếp xúc với những thứ độc hại, chúng luôn có vẻ ngoài hấp dẫn. Giữ cho bản thân tỉnh táo, thông minh ngày càng khó khăn khi những luồng thông tin cứ ào ạt không dừng, khiến những ai yếu bóng vía và thiếu kiến thức cứ thế tiếp nhận mà không cần đắn đo cân nhắc. Để rồi chúng ta dễ dàng chấp nhận sự đạo đức giả nhân danh đạo đức, sự dối trá nhân danh thành thật, sự đầu độc nhân danh dạy bảo…

Và điều tệ nhất: chúng ta thoả hiệp đồng loã với chúng!

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất