Sắc màu Cuộc Sống

Ngồi xuống kể chuyện tuổi thơ: Xe bông gòn, tiệm tạp hóa và những hồi ức êm đềm

Khải Anh
Chia sẻ

Khi chúng ta lớn lên, tuổi thơ trở thành một chiếc hộp kí ức đẹp đẽ được cất sâu trong tiềm thức. Để mỗi khi nhìn thấy que kẹo bông gòn, tiệm tạp hóa, hay tiếng bọn trẻ con cười giỡn vang góc phố, ta lại thấy những hồi ức ấy ùa về. Đã bao giờ bạn muốn quay lại những ngày xưa yêu dấu?

Tuổi thơ bạn có vị gì?

Tôi có một đứa bạn người Khánh Hòa. Tuổi thơ của nó trải dài trên những cồn cát ở Dốc Lết. Bọn con nít xóm nó có một tấm ván làm bằng tre. Một đứa ngồi, một đứa nắm, tấm ván đó sẽ trượt qua những cồn cát. Tóc đứa nào cũng hoen hoen màu nắng cháy, da thì đen nhẻm nhưng cứ ngước mặt đón gió biển lùa vào mặn chát. Tuổi thơ của nó đã trôi qua như thế.

Một lần, tôi đọc quyển "Mùi của kí ức" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. “Vị” tuổi thơ của trẻ con Bắc bộ được thể hiện qua cái ngọt đắng của mớ rau khúc, ngọt bùi của xôi nếp, mát lành của bát canh cua, mằn mặn của niêu cá kho. Thế giới tuổi thơ ấy có những ao sen bát ngát, có mùa rơm rạ tháng mười, có những buổi chiều mải miết bên cánh đồng hoa cải…

Tuổi thơ được ví như một chiếc hộp kí ức cất sâu trong lòng mỗi người. Nó ấp ôm những kỉ niệm về nơi bạn sống, con đường mà bạn đi, những trò chơi, món ăn gắn liền với ta thời thơ bé. Để mỗi lần ăn lại món ăn đó, nhìn thấy trò chơi ấy, cả tuổi thơ như sống lại trong lòng bạn. 

Nếu là một đứa trẻ lớn lên ở Sài Gòn, chắc hẳn bạn đã từng mê mẩn kẹo bông gòn. Những chiếc kẹo bồng bềnh như mây, tan chảy ngay đầu lưỡi và đưa vị ngọt mơn man trong tận thanh quản là tuổi thơ của tôi. Xe kẹo bông gòn có trước cổng trường vào giờ tan học. 

Một thú vui khác khi ăn kẹo bông gòn là nhìn đường xoay trong lòng máy, kết tinh thành những “gợn mây” nhiều màu sắc. Chúng tôi xuýt xoa rồi ồ lên thích thú khi từng dải kẹo mềm bắt đầu bám lấy que tre được vót nhọn. Trong ánh mắt của bọn trẻ con năm ấy, đó là khoảnh khắc đầy thú vị, đầy “tài nghệ” của người làm kẹo. 

Trẻ con bây giờ có nhiều lựa chọn hơn. Những kí ức tuổi thơ của chúng cũng đã được đổi thay. Kẹo socola, kẹo cầu vồng, kẹo dẻo… là những thức quà thay thế cho kẹo bông gòn năm nào. 

Hiếm hoi lắm, chúng tôi mới có thể những xe kẹo bông gòn bon bon trên đường phố, hay dừng lại bên cổng trường học. Kẹo bông gòn là vị ngọt của tuổi thơ. Bây giờ, khi đón nhận những que kẹo về tay, chúng tôi không còn là đám trẻ con vô tư, vô lo nữa. Nhưng khi dùng tay xé lớp kẹo mềm rồi cho vào miệng, vị tuổi thơ vẫn còn vẹn nguyên nơi đầu lưỡi.

Cho tôi xin một vé quay về tuổi thơ

Đã bao giờ bạn cảm nhận được cả bầu trời tuổi thơ của mình quay về chỉ trong một khoảnh khắc chưa? Đó là lúc tôi nhìn thấy tiệm tạp hóa xưa. 

Ngày nhỏ, tôi vẫn tin tiệm tạp hóa luôn có “cả thế giới” mà tôi cần trong đó. Từ hộp kẹo đường ngọt ngào, cho đến những tờ búp bê giấy, bộ đồ câu cá bằng nam châm cho đến những chiếc bong bóng nhiều màu sắc. Thi thoảng, mẹ vẫn sai tôi ra tạp hóa để mua gói đường, chai nước tương, bịch xà bông… 

Tiệm tạp hóa nằm trong cuối hẻm, “khách hàng” chỉ là người dân trong xóm. Tiệm không đông nhưng luôn là nơi mọi người lui đến khi cần mua đồ lặt vặt. Như ông chú cần vài lon bia để nhậu, chị gái cần mua mấy chai sơn móng tay, còn đám trẻ con thì dành dụm được 500-1000 đồng để mua bánh tráng… Tiệm tạp hóa trong kí ức tôi có bóng dáng của một cụ bà hiền lành, dấm dúi thêm bịch bột ngọt cho mẹ tôi, hoặc cho đám trẻ con mua thiếu đồ chơi. 

Bước vào tiệm tạp hóa là một cảm giác thân quen, bọn trẻ con như chúng tôi ngày ấy thuộc vị trí của từng kệ hàng. Tủ đá là nơi đựng những que kem mát lành, bên trái là kệ gia vị, mì gói… Thùng hàng bên phải là nơi chất tập vở, bút thước… Bánh kẹo được treo thành từng dây trên vách. Tiệm tạp hóa cũng là nơi để chuyện trò, để thông cảm, để gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Khi tôi lớn lên, tạp hóa dần bị thay thế bởi cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay trung tâm thương mại. Bọn trẻ con bước vào tiệm tạp hóa ngày ấy giờ đã trở thành những người lớn. Cảm giác mân mê món đồ chơi, hay xuýt xoa trước một que kem mát lạnh từ tiệm tạp hóa… giờ đã nằm lại trong kí ức. Vì thế, chỉ cần được nhìn tiệm tạp hóa có cụ bà tóc bạt phơ, ngồi phẩy quạt vào một trưa hè đầy nắng, lòng tôi lại ngập tràn những kí ức tuổi thơ. 

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Photo

Hiyori Nhật Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất