Sắc màu Cuộc Sống

Kỳ lạ bà cụ 74 tuổi có nhà mặt phố ở Hà Nội nhưng vẫn sống dưới gầm cầu gần 10 năm vì… thoải mái

Định Nguyễn
Chia sẻ

Mặc dù có căn nhà nhỏ ở khu đất vàng Hà Nội, nhưng gần 10 năm nay bà Nguyễn Thị Lụa hiện đã 74 tuổi vẫn sinh sống dưới gầm cầu bất chấp nhiều lời bàn tán, nói ra nói vào.

Nhiều năm nay hình dáng lom khom của bà Nguyễn Thị Lụa (74 tuổi) trú tại tổ 25 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội không còn xa lạ gì với những người dân sống ở khu vực này. Bà lão rất đặc biệt khi có nhà ngay mặt phố nhưng lại chọn gầm cầu làm nơi tá túc, ăn uống, ngủ nghỉ,… suốt gần 10 năm qua.

Trên cây cầu Yên Hoà bắc qua sông Tô Lịch nối đường Nguyễn Khang ra đường Láng hằng ngày vẫn tấp nập nhộn nhip từng dòng phương tiện qua lại, ấy thế nhưng ngay dưới chân cầu ấy là “nhà” được dựng bằng những thanh sắt quây thép B40 mà bà Lụa sinh sống.

Dưới chân cầu Yên Hoà tấp nập người qua lại là nơi trú ngụ của bà Lụa nhiều năm nay.

Hằng ngày bà Lụa mon men bám chặt vào từng thanh sắt để đi lại.

Dưới chân cầu chứa đầy rác thải được bà thu lượm.

Hàng ngày bà Lụa đi tập kết phế liệu, chủ yếu là sắt vụn, giấy bìa carton, chai nhựa,… Công việc này diễn ra bất kể ngày hay đêm miễn là lúc đó bà rảnh rỗi. Bà đi bộ qua các con phố từ Yên Hoà rồi ra đường Láng để nhặt ve chai rồi sau đó chất đầy dưới gầm cầu và bán cho chủ vựa đồng nát.

Căn “nhà” của bà Lụa có chiều ngang bằng toàn bộ chiều rộng cầu, tức là vào khoảng 10m, trải dọc bờ kè sông Tô Lịch và nằm gọn phía dưới gầm cầu. Toàn bộ phần phế thải bà Lụa phân loại và cất gọn dưới các khe gầm cầu. Chiếc giường nơi ngủ nghỉ của bà chỉ rộng khoảng 1m2 và được bao bọc bởi đống đồng nát cùng vài mảnh chăn bông, màn cũ nhặt được. Ngay bên dưới đó nữa là dòng sông Tô Lịch một màu đen đặc và bốc mùi nồng nặc trong những ngày hanh khô.

Nơi đây là nơi bà Lụa ăn ở sinh hoạt suốt nhiều năm qua, kể cả lễ Tết.

Bà khom lưng đi ra ngoài trông rất khó khăn.

Bà giặt khăn lau mặt luôn tại đây, nước được xách từ nhà con trai bên trên mang xuống.

Bà Lụa khom lưng, lững thững túm vào thanh sắt rồi bước đi ra. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lụa cho biết bà có hai người con trai, con trai cả sống trong căn nhà trên phố Nguyễn Khang nhưng chỉ rộng 9m2, còn con trai thứ năm nay đã 40 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình và đang ở gần khu vực Ngã Tư Sở. Ngày con trai cả lấy vợ, vì nhà chật chội nên bà ra ngoài cầu ở, đến nay đã gần 10 năm.

“Con trai cũng bảo tôi có nhà thì về nhà chứ ở gầm cầu làm gì người ta cười cho. Chồng tôi mất đến nay cũng hơn 10 năm rồi. Nhà có cháu nhỏ thi thoảng đêm hôm cháu quấy khóc tôi không chịu được nên ở đây cho thoải mái, yên tĩnh”, bà Lụa chia sẻ.

Bà lão cho biết đã quen với cuộc sống tại đây và không muốn về nhà để tránh ồn ào.

Thấy bà Lụa sống dưới gầm cầu nên nhiều người cũng đến để thăm hỏi và động viên. Thế nhưng bà đều bảo bà có nhà cửa hẳn hoi nhưng do không thích sống ở đó nên ra gầm cầu ở. Nghe bà nói chẳng ai tin, nhưng đến khi hỏi những người xung quanh thì mọi người mới vỡ lẽ.

Vài năm trước bà Lụa cũng nhặt nhạnh cành củi khô đun nấu ăn ngay dưới chân cầu. Tuy nhiên thời gian gần đây bà không đun nấu nữa mà ăn uống ngoài quán. “Ngày đi nhặt phế liệu cũng kiếm được 40 hay 50 nghìn đồng. Số tiền đó cũng đủ tôi trang trải ăn uống. Con cái cũng không mấy khá giả lại còn gia đình riêng của nó, nên tôi thấy còn sức khoẻ thì tôi cứ làm chứ không muốn nhờ cậy con. Ở đây không sướng đâu, nhưng tôi từ nhỏ ở khổ quen rồi. Mùi hôi thối từ sông Tô Lịch bốc lên nhưng hôi mấy cũng chịu được. Ruồi muỗi dưới đây cũng nhiều nhưng có màn nên cũng không sao”, bà Lụa nói.

Anh Phạm Phùng Quang (con trai cả bà Lụa) sống cách đó khoảng 50m, cho biết gia đình nhiều lần khuyên can mẹ nhưng bà nhất quyết không chịu về nhà mà cứ tự ra gầm cầu ở. Người ngoài nhìn vào không biết thì nghĩ vợ chồng anh khó ăn khó ở hay thậm chí là xua đuổi mẹ già, chỉ có bà con lối xóm mới hiểu.

Phía UBND Phường Yên Hòa cũng từng nhiều lần làm việc với bà Lụa và các con để bà Lụa không ở gầm cầu nữa. Thế nhưng không lâu sau bà Lụa lại dọn xuống gầm cầu để sinh sống.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất