Sắc màu Cuộc Sống

Khám phá ngôi đình cổ hàng nghìn năm tuổi giữa Thủ đô

Theo Dân Việt
Chia sẻ

Với niên đại lên đến hơn 2000 năm, đình Chèm được coi là ngôi đình cổ nhất Việt Nam với nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật đặc sắc.

Đình Chèm là đình của làng Chèm, toạ lạc trên khu đất rộng 3 mẫu ven bờ sông Hồng, nay thuộc xã Thuỷ Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ngôi đình thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng và Hoàng Phi Bạch Tĩnh Cung.

Theo thần phả, Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (tên huý là Lý Thân) sinh ở làng Chèm vào thời Hùng Duệ Vương, với tài nghệ văn võ song toàn ông đã có công giúp vua Thục đánh thắng giặc Ai Lao, Chiêm Thành.

Không chỉ vậy, ông còn có công lao giúp An Dương Vương chống giặc Tần rồi lại giúp nhà Tần chống giặc ngoại xâm Hung Nô, trở thành nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam.

Sau này khi qua đời, ông được nhà vua ban là Thượng Đẳng Phúc Thần Duệ hiệu Hy Khang Thiên Vương. Người dân trong vùng tôn vinh ông là Đức Thánh Chèm và dựng đền thờ ngay tại làng Chèm - nơi ông sinh ra và lớn lên.

Trước đây, ngôi đình thờ ông được đặt trong đê sông Hồng. Tuy nhiên, trận lụt cách đây 200 năm làm vỡ đê, khiến người dân phải đắp lại như hiện nay và đình nằm ngoài đê.

Theo cụ từ Lê Văn Hiệu (người trông coi đình Chèm) ngôi đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc.

Ngôi đình trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu vào các năm: 1631, 1773, 1792, 1885, 1902, 1913. Trong đó cuộc trùng tu vào thời Lê Trung Hưng là lần sửa chữa lớn nhất.

Hệ thống máng xối thoát nước được làm bằng đồng nguyên khối trong lần trùng tu năm 1792 đến nay cũng đã hơn 200 năm tuổi.

Cũng theo cụ từ, các cột, vì kèo trong đình đều được làm bằng gỗ quý. Một số cây cột làm bằng gỗ huỳnh đàn tương truyền có thể phát sáng trong đêm thế nhưng không biết vì lý do gì mà người xưa đã dùng sơn đỏ để sơn lại.

Các chi tiết chạm trổ công phu được khắc trực tiếp trên gỗ nguyên khối chứ không dùng keo để ghép dán.

Kiến trúc bất đối xứng bên trong ngôi đình, một bên là bức Tứ linh, một bên là bức rồng cuốn nước - phượng ngậm thơ.

Phía hậu cung hiện nay còn đang lưu giữ hai pho tượng vợ chồng Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng và Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung với kích thước khổng lồ, được tạc bằng gỗ hương năm 1888 và sơn son thếp vàng.

Ngoài ra trong đình vẫn còn rất nhiều cổ vật khác như lư hương bằng đồng ngàn năm tuổi rất quý hiếm, những bức hoành phi, câu đối mang đậm tính nghệ thuật đặc sắc vẫn được lưu giữ từ nhiều thế kỷ qua.

Năm 1990, đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cuối thán 12/2017, đình Chèm được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Dân Việt

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất