Sắc màu Cuộc Sống

‘Số phận’ của khách hàng còn được bảo hành sản phẩm sẽ ra sao khi Nhật Cường Mobile bị khám xét, đóng cửa hàng loạt?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Sau khi hàng loạt cửa hàng, Website, fanpage của Nhật Cường đóng cửa, hàng trăm khách hàng lo lắng hỏi về “số phận” của những chiếc điện thoại, tablet đang được sửa chữa cũng như trách nhiệm bảo hành sẽ ra sao.

Khách hàng lo lắng khi website, cửa hàng Nhật Cường Mobile đồng loạt đóng cửa

Sáng 9/5, lực lượng công an thuộc các đơn vị Bộ Công an đã đồng loạt khám xét nhiều cửa hàng, địa điểm trụ sở của Công ty Nhật Cường Mobile tại Hà Nội và nơi ở của một lãnh đạo công ty này tại chung cư Golden Westlake ở 162A Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, hoạt động từ năm 2001 với tiền thân là cửa hàng sửa chữa điện thoại. Hệ thống có 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, một trung tâm bảo hành được cho là lớn nhất khu vực phía Bắc và một trung tâm ERP tại TPH. CM.

Công an thu giữ nhiều tài liệu phục vụ điều tra sau khi khám xét cơ sở Nhật Cường tại số 33 Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Việc công an đồng loạt khám xét các địa điểm của Công ty Nhật Cường khiến dư luận đặc biệt quan tâm, bởi pháp nhân này là một trong số những công ty bán lẻ điện thoại khủng tại Hà Nội. Sau khi tiến hành kiểm tra, khám xét đồng loạt những cơ sở của Nhật Cường Mobile đồng loạt đóng cửa.

Cùng thời điểm, hàng loạt cửa hàng khác của Nhật Cường cũng đóng cửa không lý do. Website chính thức của Nhật Cường Mobile ở địa chỉ https://www.dienthoaididong.com/ cũng đã không hoạt động. Các số điện thoại đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách, bán hàng, bảo hành, bảo dưỡng đều ngắt kết nối.

Hàng loạt cửa hàng Nhật Cường bị đóng cửa khiến khách hàng khá lo lắng.

Nhật Cường là một trong những địa chỉ kinh doanh điện thoại vốn được đông đảo khách hàng lựa chọn do có giá sản phẩm cạnh tranh, rẻ hơn từ 1-3 triệu đồng so với các cửa hàng bán điện thoại khác, sản phẩm đa dạng với các loại máy từ mới đến cũ. Chính vì vậy, lượng khách hàng của Nhật Cường khá đông đảo.

Chị Vũ Mai Hoa, một khách hàng đã mua chiếc điện thoại của chuỗi cửa hàng của Nhật Cường mobile cho biết, chị cùng nhiều khách hàng đã liên hệ cho tổng đài của Nhật Cường như số:1800 6009, 1900 1234, 1900 6688 nhiều cuộc nhưng không thể kết nối. Khi xem thông tin trên báo chí chị mới ngỡ ngàng.

Fanpage, website của Nhật Cường đã đóng cửa vào cuối giờ chiều ngày 9/5.

“Đọc được thông tin trên mạng Nhật Cường bị kiểm tra không biết sau này những khách hàng như tôi có được bảo vệ quyền lợi hay không, rồi còn chính sách bảo hành, sửa chữa điện thoại khi vẫn trong thời gian còn được bảo hành, chăm sóc khách hàng … sẽ ra sao”, chị Hoa lo lắng.

Được biết, trên website và tại các cửa hàng của Nhật Cường Mobile, điện thoại di động là sản phẩm chính được bày bán và kinh doanh và phần lớn là hàng được phân phối chính hãng ở Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống cũng kinh doanh một số mẫu iPhone và iPad được giới thiệu là hàng nhập khẩu, đã qua sử dụng.

Với những sản phẩm được phân phối chính hãng, khách hàng có thể liên lạc trực tiếp với các trung tâm dịch vụ bảo hành, sửa chữa cần thiết mà không cần thông qua hệ thống của Nhật Cường.

Số phận những sản phẩm còn được bảo hành sẽ ra sao?

Theo tìm hiểu, liên tục từ trưa 9/5, tại trang fanpage của Nhật Cường, hàng trăm khách hàng lo lắng đã vào phần bình luận để hỏi về “số phận” của những chiếc điện thoại, tablet đang được sửa chữa cũng như trách nhiệm bảo hành trong thời gian tiếp theo của những chiếc smartphone iPhone, Samsung… họ đã mua tại đây.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này khách hàng khó kiện được Nhật Cường vì đây thuộc trường hợp bất khả kháng từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về lý thì Nhật Cường Mobile vẫn phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm đang thời hạn bảo hành hoặc sửa chữa của khách hàng.

Luật sư Đặng Văn Sơn.

“Nhật Cường là đơn vị cung cấp nên khách hàng còn bảo hành sẽ liên lạc với đơn vị khác cùng hệ thống bảo hành của nhà sản xuất. Hậu quả nếu có cũng khó bắt họ bồi thường vì lý do khách quan. Một số phát sinh khi sửa chữa hay bảo hành tại Nhật Cường thì chịu rủi ro chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết”, luật sư Đặng Văn Sơn nói.

Luật sư Đặng Văn Sơn cho rằng, do Nhật Cường Mobile mới bị cơ quan chức năng khám xét và hệ thống này mới đóng cửa chưa đến một ngày nên chưa biết thế nào.

“Hiện có thể xảy ra hai tình huống đó là hệ thống sẽ quay trở lại hoạt động trong thời gian ngắn và vẫn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã mua sản phẩm. Và tình huống thứ hai là ngừng hoạt động. Nếu là tình huống thứ hai thì khách sẽ đen đủi. Hệ thống này nếu ngừng hoạt động thì đây là tình huống xấu nhất và khách hàng phải chịu thiệt, không thể kiện tụng được ai. Thực tế có những trường hợp doanh nghiệp phá sản, khi đó chủ nợ có tiền tỷ còn bị mất!”, luật sư Sơn thông tin.

Luật sư Sơn cũng chia sẻ thêm, sau biến cố này, không ngoại trừ khả năng hệ thống Nhật Cường Mobile sẽ sát nhập, bị thâu tóm. Khi đó, đơn vị khác sẽ đứng ra sửa chữa, xử lý các trường hợp của khách hàng liên quan.

Nhật Cường Mobile được Sở KHĐT Hà Nội cấp giấy phép ĐKKD vào năm 2001 với ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, người đại diện pháp luật là ông Bùi Quang Huy.

Vài năm gần đây, Công ty Nhật Cường nhảy sang lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin và giành được nhiều gói thầu lớn. Năm 2017, doanh nghiệp này được vinh danh là 50 công ty về công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam.

Hiện Nhật Cường mobile có 9 cửa hàng bán lẻ được thông tin trên website tại Hà Nội là 33 Lý Quốc Sư (Hàng Gai, Hoàn Kiếm); 2 Chùa Bộc (Trung Tự, Đống Đa); 12 Láng Hạ (Thành Công, Ba Đình); 10 Nguyễn Xiển (Thanh Xuân); 214 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên); 3 Xuân Thủy (Dịch Vọng, Cầu Giấy); 57-59 Bạch Mai (Hai Bà Trưng); 9 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy); 267 Quang Trung (Hà Đông).

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất